Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
ACBS bác tin đồn liên quan đến giao dịch cổ phiếu EIB của Eximbank
T.V - 11/02/2023 08:52
 
Công ty TNHH Chứng khoán ACB (ACBS) vừa có thông cáo liên quan đến một số giao dịch cổ phiếu EIB của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank - EIB).

Nghi cổ phiếu EIB bị thao túng

ACBS cho biết, ngày 10/2, Công ty nhận được thông tin về việc một số hội nhóm và diễn đàn đưa hình ảnh và diễn giải thông tin sai lệch về việc ACBS là bên có liên quan đến một số giao dịch của mã chứng khoán EIB của Eximbank.

Bằng văn bản được phát ra tối ngày 10/2, ACBS khẳng định, không tham gia vào bất cứ giao dịch hoặc có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến giao dịch mã chứng khoán EIB nói trên.

Trong suốt quá trình hoạt động, ACBS luôn tuân thủ theo quy định của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước Việt Nam và cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Việc đưa thông tin không chính xác về ACBS được coi là hành vi vu khống, gây ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu ACBS. Cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin không chính xác phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Cổ phiếu EIB bất ngờ chịu áp lực bán mạnh trong phiên 10/2, đặc biệt trong phiên ATC, thị giá theo đó giảm sàn xuống 22.950 đồng/cổ phiếu, tương ứng mất 18% so với hồi đầu năm sau khi xuất hiện lệnh bán lớn 726.000 đơn vị trong phiên.

Trong khi, trước đó cổ phiếu EIB luôn được giao dịch nhộn nhịp và cũng là mã cổ phiếu "vua" ghi nhận số lượng giao dịch thỏa thuận khủng thường xuyên.

Trong phiên ngày 9/2 đã xuất hiện tổng cộng 32 triệu cổ phiếu EIB (tương đương 2,6% vốn điều lệ Eximbank) được trao tay qua phương thức thỏa thuận, với tổng giá trị giao dịch lên tới hơn 812 tỷ đồng. Đây là phiên ghi nhận khối lượng giao dịch thỏa thuận lớn nhất từ đầu tháng 2 của cổ phiếu này, chỉ sau phiên 13/1 với 134 triệu cổ phiếu.

Tính riêng từ đầu tháng 1 đến nay, cổ phiếu EIB đã được giao dịch thỏa thuận gần 260,7 triệu cổ phiếu với tổng giá trị 6.755 tỷ đồng, tương đương mức giá bình quân 25,914 đồng/cổ phiếu.

Cổ phiếu EIB giảm mạnh sau thông tin Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an TP.HCM đang điều tra xác minh nguồn tin tố giác về tội phạm “Thao túng thị trường chứng khoán” theo Quyết định phân công giải quyết nguồn tin về tội phạm số 1560 ngày 20/12/2022.

Cơ quan cảnh sát điều tra yêu cầu CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC) và ACBS cung cấp chứng cứ, đồ vật, tài liệu, dữ liệu điện tử liên quan đến việc đang điều tra xác minh.

Cụ thể, yêu cầu Chứng khoán Bản Việt cung cấp hồ sơ mở tài khoản của tài khoản chứng khoán của Vietnam Enterprise Investment Limited; và yêu cầu Chứng khoán ACB cung cấp hồ sơ mở tài khoản của KB Vietnam Focus Balanced Fund và Samsung Vietnam Securities Master Investment Trust - Equity. 

Tiếp đó, yêu cầu phía công ty chứng khoán cho biết các tài khoản trên đăng ký sử dụng các dịch vụ nào, thông tin cụ thể về các dịch vụ này. Việc đăng ký, thay đổi sử dụng các dịch vụ này được diễn ra như thế nào và thời điểm cụ thể.

Ngoài ra, các công ty chứng khoán cũng cần sao kê giao dịch của tài khoản chứng khoán trên đối với việc giao dịch mã chứng khoán EIB và sao kê lịch sử nộp/rút tiền khỏi tài khoản chứng khoán trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2022 đến nay (đề nghị cung cấp kèm thông tin địa chỉ IP được sử dụng để đặt lệnh giao dịch và thông tin nhân viên môi giới thực hiện giao dịch đối với từng giao dịch (họ tên, năm sinh, số CMND/CCCD, HKTT, số điện thoại liên hệ).

Thời gian trả lời kết quả cho Cơ quan cảnh sát điều tra là trước ngày 20/2/2023.

Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại Eximbank về dưới 30%

Eximbank cũng vừa có thông báo điều chỉnh tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa từ 30% xuống 29,97043%. Động thái này diễn ra trong bối cảnh các cổ đông lớn của ngân hàng này liên tục rời đi trong thời gian gần đây. Cụ thể vào giữa tháng 1/2023, Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) thông báo đã chính thức bán xong 132,8 triệu cổ phiếu của Eximbank.

Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu của SMBC tại Eximbank giảm từ 15,07% (185,3 triệu cổ phiếu) xuống còn 4,27% (52,51 triệu cổ phiếu) và không còn là cổ đông lớn tại ngân hàng này. Trước đó, một nhóm cổ nhóm cổ đông liên quan đến Tập đoàn Thành Công cũng bán hết tổng cộng hơn 117,6 triệu cổ phiếu EIB của Eximbank.

Ngày 14/2/2023 tới tại TP.HCM Eximbank sẽ tiếp tục triệu tập đại hội bất thường lần 2, sau khi tổ chức đại hội đồng cổ đông bất thường không thành công trong ngày 16/1/2023 do không đáp ứng đủ số cổ đông tham dự.

Theo đó, danh sách nhân sự dự kiến nhân sự bầu bổ sung vào HĐQT Eximbank nhiệm kỳ VII (2020 – 2025) được chấp thuận theo Công văn số 254/NHNN-TTGSNH ngày 14/01/2023 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam gồm 3 thành viên.

Cụ thể, bà Lê Thị Mai Loan (sinh năm 1982) – hiện đang là thành viên HĐQT CTCP Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (SBS). Trước đó, bà Loan từng kinh qua các vị trí Phó Chánh Văn phòng HĐQT Phó Ban nguồn vốn SBS, thành viên Ban kiểm soát CTCP Bamboo Capital…

Ông Phạm Quang Dũng (sinh năm 1982) – hiện đang là Tổng giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Phú Mỹ. Ông Dũng từng giữ các vị trí quan trọng tại Techcombank trước đó, Phó giám đốc khối Doanh nghiệp lớn tại SeaBank…

Ông Trần Anh Thắng (sinh năm 1984) – hiện đang là Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Du lịch Hà Nội Non Nước. Ông Thắng từng giữ vị trí tại các công ty CTCP Chứng khoán Nhất Việt, Chủ tịch HĐQT CTCK Nhất Việt, Chủ tịch HĐQT CTCP Quản lý Quỹ Amber.

HĐQT Eximbank vừa có nghị quyết về việc thông qua ngày đăng ký cuối cùng để chốt danh sách cổ đông thực hiện quyền nhận cổ tức tỷ lệ 20% bằng cổ phiếu.

Ngày đăng ký cuối cùng hưởng quyền nhận là 20/2. Đây là lần đầu tiên trả cổ tức cho cổ đông của Eximbank trong gần 1 thập kỷ, kể từ năm 2014. Lần chia cổ tức gần đây nhất là 4% bằng tiền mặt cho năm 2013 và được thực hiện vào năm 2014.

Như vậy, với hơn 1,229 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, Eximbank dự kiến phát hành tối đa gần 245,9 triệu cổ phiếu để trả cổ tức. Nguồn vốn phát hành từ nguồn lợi nhuận sau thuế, sau trích lập các quỹ các năm 2017, 2018, 2019, 2020 và 2021.

Sau khi hoàn tất phát hành cổ phiếu chia cổ tức, vốn điều lệ của ngân hàng sẽ tăng thêm gần 2.459 tỷ đồng, lên mức 14.814 tỷ đồng. Vốn điều lệ của nhà băng này đã đứng yên ở mức 12.355 tỷ đồng từ năm 2012 đến nay.

Về kết quả kinh doanh, lợi nhuận trước thuế của Eximbank cả năm 2022 đạt 3.709 tỷ đồng, lãi ròng là 2.946 tỷ đồng, cao gấp 3 lần so với mức 1.205 tỷ trước thuế và 965 tỷ đồng sau thuế của năm 2021.

Tính đến ngày 31/12/2022, tổng tài sản ngân hàng này đạt 185.045 tỷ đồng, tăng 11,6% so với cuối năm 2021. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 14% lên 129.196 tỷ đồng, tiền gửi khách hàng tăng 8,2% lên 148.614 tỷ đồng.

Nợ xấu của Eximbank ở con số 2.346 tỷ đồng, tăng 99 tỷ đồng so với cuối năm 2021, tương đương tăng 4,4% - mức tăng thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng tín dụng. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu có sự cải thiện, giảm từ 1,96% xuống 1,8%.

Hội đồng quản trị Eximbank đã công bố kế hoạch kinh doanh năm 2023 với mục tiêu lợi nhuận trước thuế ước đạt 5.000 tỷ đồng, tăng 35% so với năm 2022. 

Đồng thời, Ban điều hành Eximbank cũng ước tính tổng tài sản đến cuối năm 2023 ở mức khoảng 210.000 tỷ đồng, tăng 14% so với cuối năm 2022.

Trong đó, dư nợ cấp tín dụng đạt 146.600 tỷ, tăng 14%. Với số dư nợ tín dụng kể trên, ban điều hành Eximbank dự kiến kiểm soát tỷ lệ nợ xấu nội bảng dưới 1,6%, thấp hơn so với mức 1,7% vào cuối năm nay. Huy động vốn ước tính tăng 11,8% lên khoảng 165.000 tỷ đồng.

SMBC giảm tỷ lệ cổ phần tại Eximbank xuống 4,27%, triệu tập họp bất thường lần hai
Đối tác chiến lược nước ngoài là Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) chiều ngày 16/1 ra thông báo chính thức bán xong 132,8 triệu cổ phiếu EIB vào...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư