Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 05 tháng 10 năm 2024,
ARINC sẽ tham gia sâu vào thị trường hàng không Việt Nam
Đ.T - 13/07/2013 21:25
 
ARINC, công ty thành viên trực thuộc Tập đoàn Carlyle (Mỹ), chuyên cung cấp các giải pháp truyền thông, kỹ thuật và tích hợp cho các tổ chức thương mại, quốc phòng và chính phủ trên toàn thế giới, gần đây khẳng định sự tham gia mạnh mẽ của Công ty vào thị trường hàng không đầy tiềm năng của Việt Nam.
TIN LIÊN QUAN

Ông Michael DiGeorge, Giám đốc điều hành ARINC khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư điện tử - baodautu.vn về kế hoạch mở rộng các hoạt động tại thị trường Việt Nam.

Thưa ông, ARINC vừa trúng thầu (là nhà thầu phụ) cung cấp dịch vụ tích hợp hệ thống cho Nhà ga T2 thuộc Sân bay quốc tế Nội Bài. Đây có phải là dự án đầu tiên của ARINC tại Việt Nam?

Thực ra, đây không phải là hợp đồng đầu tiên của chúng tôi tại Việt Nam.

Năm 2005, ARINC đã được chọn là nhà thầu phụ cung cấp các giải pháp và dịch vụ công nghệ thông tin tại Nhà ga quốc tế T2, Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất - nơi chúng tôi lắp đặt các công nghệ xử lý thông tin hành khách, như hệ thống máy trạm đầu cuối xử lý thông tin hành khách trước khởi hành iMUSE™, cung cấp thông tin chuyến bay AirVUE™, cung cấp thông tin hành lý BagLink™, cung cấp cơ sở dữ liệu hoạt động và hệ thống quản lý doanh thu AirDB.

Chúng tôi cũng cung cấp giải pháp liên lạc mặt đất tới không trung cho Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines và dịch vụ khác cho Vietjet Air.

Chính vì vậy, hợp đồng cung cấp dịch vụ cho Nhà ga T2 thuộc Sân bay Nội Bài có ý nghĩa rất quan trọng đối với ARINC khi chúng tôi mở rộng quy mô hoạt động và khẳng định cam kết đối với Việt Nam. Điều này cũng sẽ tạo điều kiện cho ARINC tiếp tục triển khai các sản phẩm và dịch vụ với các công nghệ và quy trình mới nhất của chúng tôi trong lĩnh vực vận chuyển nhanh, nhằm hiện đại hóa các sân bay Việt Nam.

Có khó khăn gì để giành được hợp đồng trên không, thưa ông?

Cũng như các hợp đồng lớn khác, ARINC phải chứng minh về khả năng hoàn thiện dự án đúng tiến độ và trong ngân sách đề ra, chứng minh kinh nghiệm và chuyên môn, cũng như khả năng đưa ra một bản đề xuất và giải pháp đáp ứng nhu cầu của sân bay trong cả ngắn hạn và dài hạn.

Trong gói thầu này, có vài công ty tham gia đấu thầu. Chúng tôi thắng thầu không chỉ bởi những kinh nghiệm chuyên môn và giải pháp thuyết phục đối với Sân bay Nội Bài, mà còn bởi hiệu quả của các dự án đang triển khai ở Sân bay Tân Sơn Nhất đã chứng minh khả năng của chúng tôi trong thực hiện mục tiêu hiện đại hóa các sân bay ở Việt Nam, hiệu quả hóa các dịch vụ, tạo sự thoải mái nhất cho hành khách theo hướng tích cực hơn.

Các giải pháp hệ thống phục vụ ngành hàng không của ARINC là gì? Những hệ thống lắp đặt tại Nhà ga T2 thuộc Sân bay quốc tế Nội Bài đem lại những lợi ích gì cho khách hàng?

Thứ nhất, tôi muốn nhắc đến Hệ thống máy trạm đầu cuối xử lý thông tin hành khách trước khởi hành (vMUSE™). Môi trường Hệ thống cho phép nhiều người cùng sử dụng (MUSE) của ARINC và hệ thống hiển thị thông tin về chuyến bay đã hỗ trợ hơn 300 hãng hàng không tại hơn 100 quốc gia trên toàn thế giới. vMUSE™ chú trọng các hoạt động xử lý thông tin hành khách tại sân bay, mà không phụ thuộc vào các ứng dụng dùng câu lệnh và những thiết bị phụ trợ đắt tiền.

Hệ thống này phù hợp tiêu chuẩn công nghệ thiết bị nhà ga (CUTE) hiện tại và Hệ thống xử lý thông tin hành khách (CUPPS) trong tương lai. Đặc biệt, chúng cũng tối đa hóa các hoạt động bằng cách loại bỏ chi phí phát triển và chế tạo phần mềm - giúp cho các sân bay quy mô nhỏ và vừa linh hoạt hơn trong việc nâng cấp hoạt động.

Thứ hai, đó là các ki-ốt tự làm thủ tục (SelfServTM). Trên 60% các ki-ốt tự phục vụ (CUSS) tại các sân bay trên toàn thế giới là do ARINC lắp đặt. Việc vận hành các ki-ốt này cho phép đẩy nhanh quá trình làm thủ tục chuyến bay, giảm đáng kể các hàng chờ, cho phép việc chia sẻ chi phí hàng không, tiết kiệm diện tích sàn và cải thiện tổng thể trải nghiệm của khách hàng.

Hệ thống này cũng rất dễ dàng tích hợp các thiết bị phụ trợ, như đầu đọc hộ chiếu, đọc thẻ thông minh, camera an ninh và các hệ thống sinh trắc học.

Thứ ba, ứng dụng kiểm tra thông tin hành khách (VeriPax). VeriPax sử dụng các máy quét mã vạch 2D để đọc thẻ hành khách, tự động hiển thị thông tin hành khách từ hệ thống chủ của hãng hàng không theo thời gian thực, xác nhận việc kiểm tra và báo động ngay cho nhân viên kiểm soát khi cần thiết. Tác dụng của ứng dụng này là tối đa hóa hoạt động tại các chốt kiểm tra an ninh, đảm bảo thực hiện sáng kiến của IATA đơn giản hóa hoạt động kinh doanh.

Hệ thống này cũng tương thích với các máy quét mã vạch 2D và hỗ trợ sự chuyển đổi sang các ứng dụng tự phục vụ và tùy chọn làm thủ tục đăng ký lên máy bay, mà không cần đến sân bay. Đặc biệt, ứng dụng VeriPax cho phép điều chỉnh việc nhận diện đối với “danh sách cấm bay”, đồng bộ Hệ thống kiểm soát trước khởi hành (DCS) và mã hóa chữ ký điện tử trong tương lai.

Việc vận hành hệ thống này tại Sân bay quốc tế Nội Bài có khó khăn gì không, ví dụ như về nguồn nhân lực và việc duy trì, bảo dưỡng?

Thách thức lớn nhất hiện nay là đào tạo nhân viên và đội ngũ kỹ thuật bảo dưỡng có đủ khả năng để vận hành và hỗ trợ thành thạo các hệ thống và ứng dụng mới.

Sau Dự án Nhà ga T2 của Sân bay Nội Bài, ARINC có quan tâm đến các dự án tại các sân bay khác tại Việt Nam? Vì hiện tại, Việt Nam đang trong quá trình nâng cấp và xây mới các sân bay trên toàn quốc nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại bằng đường hàng không ngày càng gia tăng, đặc biệt là tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM, cũng như các điểm du lịch nổi tiếng như Đà Nẵng và Phú Quốc?

Việt Nam là một thị trường mới nổi quan trọng đối với ARINC và chúng tôi luôn tìm kiếm những cơ hội để mở rộng quy mô hoạt động tại đây.

Ông nghĩ thế nào về việc tiếp cận dự án sân bay quốc tế lớn nhất của Việt Nam - Sân bay Long Thành đang trong quá trình xây dựng ở tỉnh Đồng Nai?

Tất nhiên rồi. Chúng tôi hoàn toàn tự tin với chuyên môn và kinh nghiệm của mình trong việc thực hiện những dự án sân bay, thậm chí còn lớn hơn nữa trên toàn cầu như sân bay ở Dubai, Doha, Las Vegas, Heathrow, Incheon và Hồng Kông.

Việc kinh doanh lĩnh vực hàng không tại Việt Nam đang mở ra cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài, ví dụ như ADC-HAS Airports của Mỹ đã bày tỏ sự quan tâm trong việc phát triển và quản lý các sân bay tại Việt Nam. Tuy nhiên, đến nay, chưa có thỏa thuận nào được ký kết. Theo ông, đâu là thách thức lớn nhất đối với Chính phủ Việt Nam trong việc kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực nhạy cảm, nhưng rất hứa hẹn này?

Hoạt động kinh doanh liên quan đến sân bay tại Việt Nam vẫn còn là một lĩnh vực nhạy cảm và mang tính chiến lược đối với đất nước, bởi nó có liên quan mật thiết tới an ninh quốc gia. Hoạt động kinh doanh sân bay chủ chốt cần quản lý bởi các tập đoàn nhà nước (ví dụ tại Hà Nội hoặc TP.HCM). Tuy nhiên, theo quan điểm của chúng tôi, Chính phủ nên cho phép khu vực tư nhân đầu tư kinh doanh các sân bay nhỏ hơn, bao gồm vận chuyển hành khách và hàng hóa tại các thành phố và tỉnh thành khác.

Chiến lược đầu tư của ARINC tại Việt Nam như thế nào? So với các quốc gia trong khu vực, ông đánh giá thế nào về tiềm năng của thị trường Việt Nam?

Khách hàng mục tiêu của chúng tôi tại Việt Nam là các đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực hàng không chủ chốt của quốc gia, bao gồm các hãng hàng không, các sân bay và các cơ quan chủ quản. Chúng tôi cũng hướng đến các mảng sản phẩm giải pháp mới như Biên giới Điện tử (Electronic Borders).

Đây là một giải pháp về an ninh và kiểm soát biên giới. Ngoài ra, còn có các giải pháp khác như Hệ thống đồng nhất hành khách (PRS) và Hệ thống quản lý thông tin tiên tiến (AIMS) đã được triển khai trên phạm vi toàn cầu. Cục Hải quan và Cục Xuất nhập cảnh Hàn Quốc đã tăng cường an ninh hàng không với giải pháp Biên giới Điện tử ( e-Borders) này của chúng tôi.

Việt Nam là một thị trường trọng tâm của ARINC với mạng lưới 21 sân bay trên cả nước với một cơ cấu dân số năng động gần 90 triệu dân. Đồng thời, với các chính sách mở trong việc kêu gọi đầu tư nước ngoài, chúng tôi tin rằng, nhu cầu vận chuyển bằng được hàng không sẽ gia tăng đối với cả các tuyến đường trong nước và quốc tế. Điều này sẽ dẫn đến nhu cầu nâng cấp các sân bay hiện tại cũng như xây thêm sân bay.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư