Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 23 tháng 10 năm 2024,
Bà Rịa Vũng Tàu Chủ động chọn nhà đầu tư
Minh Lý - 27/03/2013 23:28
 
Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ thay đổi hoàn toàn cách thức xúc tiến và mục tiêu thu hút đầu tư, nhằm khai thác thế mạnh đặc trưng của địa phương.
TIN LIÊN QUAN

‘’Nhìn lại chặng đường 25 năm thu hút FDI của Bà Rịa - Vũng Tàu, ông Hồ Văn Niên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhận định, trong suốt 20 năm thu hút đầu tư, suất đầu tư trên từng dự án của tỉnh rất cao. Hầu như Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ thu hút những dự án lớn (300 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, với tổng vốn đăng ký gần 28 tỷ USD). “Đây thật sự là niềm tự hào, nhưng cũng là thách thức không nhỏ cho việc chuẩn bị hạ tầng và nguồn vốn, nhân lực đối ứng”, ông Niên phấn khởi và cho biết, định hướng thu hút đầu tư năm 2013 sẽ có hai thay đổi cơ bản.

Thứ nhất, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ chủ động hơn trong việc chọn lựa nhà đầu tư và chọn lọc lĩnh vực để thu hút nhà đầu tư.

Thứ hai, tỉnh sẽ tập trung vào hai lĩnh vực kinh tế trọng tâm có thế mạnh là kinh tế cảng biển và công nghiệp. Trong lĩnh vực kinh tế cảng biển, sẽ chú trọng dịch vụ logistics, còn lĩnh vực công nghiệp, thì trọng tâm là công nghiệp phụ trợ.

Nói tới Bà Rịa - Vũng Tàu, nhiều nhà đầu tư thường nghĩ đến thế mạnh đặc trưng là tiềm năng dầu khí, nhưng theo ông Hồ Văn Niên, cách tiếp cận của Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ có sự thay đổi khác biệt, đó là chú trọng tìm ra năng lực mới. “Có năng lực mới, sẽ tạo điều kiện để phát triển lâu dài. Mặc dù lĩnh vực dầu khí đang phát triển tốt, nhưng Bà Rịa - Vũng Tàu không thể cứ dựa vào lợi thế này để phát triển mãi. Mục tiêu lâu dài là hướng về lĩnh vực logistics và công nghiệp phụ trợ. Bà Rịa - Vũng Tàu có thế mạnh lớn nhất là kinh tế cảng biển. Hệ thống cảng biển đang được đầu tư nhiều, nhưng dịch vụ logistics mới là yếu tố quan trọng tạo đà cho sự phát triển. Trong ngành công nghiệp, chúng tôi vẫn tiếp tục thu hút nhà đầu tư, nhưng tập trung đẩy mạnh công nghiệp phụ trợ”, ông Niên khẳng định.

Mặt khác, do đã định hướng trọng tâm là lĩnh vực logistics và công nghiệp, nên trong năm nay, cũng như các năm tới, Bà Rịa - Vũng Tàu không lấy quy mô vốn đầu tư trên từng dự án làm chỉ tiêu, vì vốn đăng ký của những dự án thuộc hai lĩnh vực này thường không cao. Thay đổi thứ hai là các nhà đầu tư đến với Bà Rịa - Vũng Tàu trong thời gian tới sẽ là những doanh nghiệp nhỏ và vừa, chứ không phải là những tập đoàn, công ty lớn. Do đó, đối với những nhà đầu tư này, Bà Rịa - Vũng Tàu phải có yêu cầu, điều kiện riêng.

Nói cách khác, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho họ đầu tư làm ăn. Hiện nay, Bà Rịa - Vũng Tàu đang có đề án cụ thể để hỗ trợ nhà đầu tư, trong đó quan trọng nhất là phải thay đổi được quy trình, cũng như thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư và kinh doanh.

Về thị trường trọng tâm, theo ông Hồ Văn Niên, Nhật Bản sẽ là thị trường mục tiêu, vì đối với lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, những doanh nghiệp nhỏ và vừa của Nhật Bản có nhiều thế mạnh phát triển trong nhiều năm qua. “Chúng tôi đã đi xúc tiến đầu tư ở một số vùng như Kansai và Kanto của Nhật Bản. Nhìn chung, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa của Nhật rất quan tâm đến Bà Rịa - Vũng Tàu. Một số tổ chức nghiên cứu độc lập của Nhật Bản cũng đã đến Bà Rịa - Vũng Tàu để nghiên cứu về lợi thế phát triển của tỉnh. Mục tiêu quan trọng trong việc xúc tiến đầu tư của tỉnh sắp tới là đi đúng định hướng phát triển, chủ động trong việc chọn lựa dự án, nhà đầu tư, cũng như xác định được sản phẩm chiến lược với nhà đầu tư chiến lược”, ông Niên cho biết.

Theo đánh giá của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Bà Rịa - Vũng Tàu là điểm đến ưu tiên của doanh nghiệp Nhật Bản, trong đó công nghiệp phụ trợ cần được đầu tư mạnh.

Lý giải cho nhận định này, ông Niên cho rằng, phải lưu ý cách tiếp cận phát triển công nghiệp phụ trợ ở Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ phục vụ cho cả vùng, hoặc cả nước và xuất khẩu, chứ không riêng cho địa phương. Do vậy, trước hết, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ thay đổi toàn bộ phương thức xúc tiến đầu tư. Cụ thể, xúc tiến đầu tư phải chuyên nghiệp hơn, phải có trọng tâm, trọng điểm và phải có đối sách phù hợp để thu hút nhà đầu tư.

Ví dụ, trong phát triển khu công nghiệp, ngoài việc mở nhà máy sản xuất, khu công nghiệp, phải có hệ thống dịch vụ, khu thương mại để giải quyết đầu ra cho sản phẩm, nhà ở cho công nhân, nhà xưởng xây sẵn cho doanh nghiệp, văn phòng cung cấp dịch vụ cho nhà đầu tư, trường đào tạo… “Chúng tôi đang quan tâm đến việc dạy tiếng Nhật và văn hóa Nhật cho người lao động khi họ làm việc cho nhà đầu tư Nhật Bản”, ông Niên cho biết.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư