Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Bán hàng đa cấp: Lợi kếch xù, tù mọt gông
Ngọc Anh - 04/07/2014 07:41
 
Bản án 42 năm tù cho 3 người đứng đầu hệ thống muaban24 được đưa ra trước khi Nghị định 42/2014/NĐ – CP về bán hàng đa cấp có hiệu lực 1 ngày (ngày 1/7/2014) là lời cảnh báo nghiêm khắc cho những người lợi dụng bán hàng đa cấp để trục lợi bất chính.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Giám đốc MB24 bị tuyên 16 năm tù
Muốn kinh doanh đa cấp, "xòe" 15 tỷ đồng
Herbalife bị điều tra về kinh doanh đa cấp
Học viên đa cấp ồ ạt từ Thái Bình dạt sang Ninh Bình
Hơn 1 triệu người "kiếm cơm" từ bán hàng đa cấp
Amway hốt bạc giữa lằn ranh sáng tối

Lừa người, hại thân

Ngày 30/6/2014, Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Ngô Văn Huy (sinh năm 1973, trú tại Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm), nguyên Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đào tạo mua bán trực tuyến - MB24) 16 năm tù giam.

  Bán hàng đa cấp: Lợi kếch xù, tù mọt gông  
  Bản án 42 năm tù cho lãnh đạo muaban24 là lời cảnh báo nghiêm khắc cho việc lợi dụng bán hàng đa cấp để trục lợi bất chính  

Bị cáo Lê Văn Cường (sinh năm 1975, trú ở Mỹ Đình, Nam Từ Liêm), nguyên Phó chủ tịch HĐQT, Phó tổng giám đốc MB24 bị tuyên án 14 năm tù giam. Bị cáo Nguyễn Mạnh Hà (sinh năm 1980, ở xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn), nguyên Trưởng phòng Kỹ thuật MB24) bị tuyên phạt 12 năm tù giam. Riêng trường hợp Nguyễn Tuấn Minh, Chủ tịch HĐQT MB24 đã bỏ trốn, cơ quan Cảnh sát điều tra quyết định tạm đình chỉ điều tra, khi bắt được sẽ xử lý sau.

Về trách nhiệm dân sự, Hội đồng Xét xử buộc 3 bị cáo trên phải bồi thường hơn 5,3 tỷ đồng đã chiếm đoạt của các bị hại.

Những người này bị cáo buộc về tội “sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” theo khoản 1, Điều 226 b, Bộ luật Hình sự.

Nhiều năm trước, Minh, Huy, Cường cũng đã tham gia tổ chức, thiết kế chương trình cho hệ thống bán hàng đa cấp nhiều tai tiếng như Sinh Lợi, Thiên Ngọc Minh Uy…

Sau nhiều năm lăn lộn, lọc lõi với các thủ đoạn tổ chức, quản lý hệ thống bán hàng đa cấp, bộ 3 Minh, Huy, Cường đã thiết kế 1 website, với các tài khoản ảo (mà các đối tượng này gọi là hệ thống thương mại điện tử muaban24) để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Số nạn nhân của Minh, Huy, Cường mà Cơ quan Cảnh sát điều tra thống kê được ở 31 tỉnh, thành phố lên hàng chục ngàn người, với số tiền bị các chi nhánh của Công ty MB 24 lừa đảo là  hàng trăm tỷ đồng.

Luật sư Nguyễn Quốc Việt, Công ty Luật Khánh Việt nhận xét, bản án cho những người đứng đầu MB24 vừa là lời cảnh tỉnh những người tham gia bán hàng đa cấp, vừa là bài học về sự tắc trách của các cơ quan quản lý. Suốt 1 thời gian dài, MB24 kinh doanh mà không có đăng ký kinh doanh (tại chi nhánh các tỉnh, thành phố), không mở sổ sách kế toán và báo cáo thuế, không ký hợp đồng lao động..., nhưng vẫn không bị cơ quan chức năng phát hiện.

Chỉ đến khi báo chí điều tra, phản ánh các thủ đoạn lừa đảo của MB24, Cơ quan Cảnh sát điều tra khởi tố vụ án, thì mới lộ ra những lỗ hổng lớn trong quản lý. Nếu các cơ quan thuế vụ, lao động - thương binh và  xã hội tại các địa phương, nơi có chi nhánh của MB24 phát hiện sớm, hậu quả của vụ việc sẽ không lớn đến thế.

Bài học “bữa ăn miễn phí”

Triết lý kinh doanh của hệ thống muaban24 cũng hết sức đơn giản, khi đưa ra miếng mồi là khoản hoa hồng kếch xù (được muaban24 gọi dưới cái tên mỹ miều là “phí đào tạo”), mỗi khi lôi kéo được khách mua gian hàng điện tử trên hệ thống muaban24.vn (trang web này hiện đã dừng hoạt động). Kinh doanh theo kiểu, cùng một món hàng, cứ người sau trả tiền cho người trước và cho cả hệ thống, tạo nên mối liên hệ theo hình mạng nhện mà những ông trùm của hệ thống nằm ở giữa cái mạng nhện đó ung dung thu lời qua nguồn tiền đóng góp mua gian hàng ảo.

Hình thức này cũng tránh được sự kiểm soát của các cơ quan chức năng với các hệ thống bán hàng đa cấp khi khoác lên mình “chiếc áo” thương mại điện tử, với bề ngoài thông thường như các trang mạng giao dịch trực tuyến khác.

Khi cần thiết, nó có thể rút (sụp đổ) bất cứ lúc nào, như bất kỳ trang mạng bị hack nào đó và trên thực tế, đây cũng là công thức chung của các hệ thống bán hàng đa cấp phi pháp. Nó thường “bỗng dưng biến mất” vào một ngày xấu trời nào đó, khi những ông chủ của hệ thống nhận ra hệ thống phát triển đến một mức độ không thể kiểm soát được nữa! Sinh lợi, Thiên Ngọc Minh Uy, Coloninvest, Agel là những ví dụ tiêu biểu cho kiểu kinh doanh chụp giật này...

Biết vậy, nhưng khoản hoa hồng kếch xù kèm những lời hứa hoa mỹ về một cuộc sống đế vương mà không phải tốn mấy mồ hôi, công sức khiến nhiều người vẫn không ngần ngại lao vào hệ thống này.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư