Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Bán tiếp cổ phần nhà nước tại Sabeco: Đối tác ngoại vẫn khó lọt bảng vàng
Thanh Hương - 14/03/2015 08:27
 
Gần 7 năm kể từ khi tiến hành cổ phần hóa và phát hành lần đầu ra công chúng (IPO), Tổng công ty cổ phần Rượu - Bia - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) vẫn chưa tiến thêm được bước nào trong việc bán bớt phần vốn nhà nước đang nắm giữ tại đây, cũng như tiến hành niêm yết trên thị trường chứng khoán.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Bia đội giá mạnh vì dán tem
Dán tem bia: 1.600 tỷ đồng ai chịu?
Ít cơ hội cho đối tác ngoại tại Sabeco
Sabeco bức xúc vì "mang danh" cổ phần
Sabeco chưa có chủ trương niêm yết

Cơ hội lại mở

Trong lần IPO đầu tiên, Sabeco đã chào bán 128.257.000 cổ phần, tương đương 20% vốn điều lệ. Tuy nhiên, kết quả chỉ có 67.749.000 cổ phần được đặt mua, chiếm 52,8% lượng cổ phần chào bán. Với kết quả đó, Nhà nước vẫn phải nắm tới 89,59% vốn điều lệ tại Sabeco.

Sebeco có sản lượng bia lớn nhất tại Việt Nam hiện nay

7 năm qua, việc bán tiếp cổ phần nhà nước tại Sabeco không hề nằm im. Thậm chí, đã có doanh nghiệp trong nước hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, bất động sản “suýt” được đề tên chính thức trên bảng vàng để trở thành nhà đầu tư chiến lược của Sabeco và nắm giữ 20% vốn điều lệ tại đây. Tuy nhiên, trên thực tế, mọi chuyện vẫn chưa có gì thay đổi.

Trong số các nhà đầu tư nội địa muốn trở thành đối tác chiến lược và sở hữu cổ phần của Sabeco hiện nay còn có những cái tên tuổi mới, như Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI), Công ty cổ phần Tư vấn và Đầu tư Ánh Dương, Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Bình, Công ty Hưng Thịnh Diamond…

Năm 2014, sản lượng bia mà Sabeco tiêu thụ đạt 1,356 tỷ lít trong tổng số 3,1 tỷ lít bia của toàn ngành. Là doanh nghiệp bia có sản lượng lớn nhất tại Việt Nam hiện nay, đương nhiên, Sabeco cũng lọt vào mắt xanh của các ông lớn trong ngành bia thế giới.

Mục tiêu đưa Sabeco vào hệ thống của mình và thông qua đó mở rộng mạng lưới tại Việt Nam được không ít nhà đầu tư đến từ ngành bia thế giới quan tâm. Những cái tên có thể kể tới là Tập đoàn Asahi (Nhật Bản), Heineken (Hà Lan), SAB Miller (Hoa Kỳ), Thaibev (Thái Lan).

Tại lần IPO năm 2008, Able Win Gain Limited (AWGL) đã mua gián tiếp gần 5% cổ phần của Sabeco ngay sau đợt chào bán kết thúc. Sau các thương vụ mua bán, chuyển nhượng, gần 5% vốn điều lệ tại Sabeco này đang “danh chính ngôn thuận” thuộc về Heineken.

Còn tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi, chủ của Tập đoàn Thaibev cũng tuyên bố với báo chí quốc tế việc định giá Sabeco vào khoảng 2,4 tỷ USD và bày tỏ mong muốn có mặt trong các cổ đông của Sabeco thông qua việc nắm giữ 40% cổ phần tại đây. Ông dự tính bỏ ra khoảng 1 tỷ USD, tương đương với 22.000 tỷ đồng để đạt được mục đích này.

Bình luận về việc định giá thương hiệu Sabeco ở mức 2,4 tỷ USD của Thaibev, một hãng bia lớn khác của thế giới cho phóng viên Báo Đầu tư biết, thương hiệu của Sabeco được hãng này nhìn nhận không dưới 3 tỷ USD và họ sẵn sàng mua với giá 90.000 đồng/cổ phiếu để trở thành cổ đông chiến lược của Sabeco với mức nắm tối thiểu 20%.

Trở lại việc bán tiếp cổ phần của Sabeco, nguồn tin của Báo Đầu tư cho hay, Ban Chỉ đạo lựa chọn nhà đầu tư chiến lược cho Sabeco của Bộ Công thương đã thống nhất việc đề nghị Bộ Công thương đề xuất Chính phủ cho bán tiếp phần vốn nhà nước tại Sabeco để tỷ lệ vốn nhà nước tại Sabeco còn 36%. Trước đó, việc bán tiếp cổ phần tại Sabeco đã được nhắc tới, nhưng chia thành hai nấc, xuống 51% và sau đó xuống dưới 40%.

 “Việc bán tiếp vốn nhà nước lần này có thể sẽ được thực hiện một lần, thông qua hình thức đấu giá công khai với giá sàn là hơn 7 chấm - mức giá bình quân của lần bán cổ phần năm 2008”, nguồn tin này cho hay. Như vậy, nếu thành công, việc bán tiếp cổ phần nhà nước tại Sabeco từ 89,59% xuống 36% sẽ mang lại ít nhất 24.000 tỷ đồng.

… nhưng lọt bảng vàng không dễ

Trở thành cổ đông chiến lược của Sabeco thật không dễ. Cách đây 3 năm, việc chọn cổ đông chiến lược cho Sabeco đã được triển khai. Tại thời điểm đó, danh sách ứng viên gồm 3 nhà đầu tư nước ngoài hoạt động trong ngành bia là Heineken, Asahi, SAB Miller và hai doanh nghiệp nội địa không liên quan tới bia.

Việc chọn đối tác chiến lược cho Sabeco khi đó đòi hỏi phải đáp ứng những tiêu chí nhất định, như không tạo ra những xung đột lợi ích giữa Sabeco và nhà đầu tư; có lợi ích chiến lược phù hợp với chiến lược phát triển của Sabeco, mà cụ thể là không cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm của Sabeco;  đáp ứng mục tiêu “nâng cao chất lượng và năng lực sản xuất, kinh doanh sản phẩm rượu và nước giải khát” tại Sabeco.

Không chỉ nâng cao công nghệ, tiếp thị bán hàng, mở rộng thị trường, mà với Sabeco, yếu tố quản lý dòng tiền trong hoạt động sản xuất, kinh doanh hay giải pháp thích hợp cho các bất động sản đang do Sabeco quản lý và sử dụng cũng được chú trọng trong quá trình chọn đối tác chiến lược.

Nếu xét ở khía cạnh nâng cao công nghệ hay gia tăng năng lực tiếp thị bán hàng tại Việt Nam, thì cả 3 hãng bia nước ngoài đều không đạt điểm cao. Nguyên nhân là do các thương hiệu này đều đang sản xuất, kinh doanh sản phẩm bia cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm của Sabeco. Chưa kể, sản lượng bia của các thương hiệu này tại thị trường Việt Nam còn kém xa so với Sabeco.

Ở thời điểm năm hiện tại, cơ hội cho các tên tuổi trong làng bia thế giới trở thành cổ đông chiến lược của Sabeco xem ra cũng không dễ dàng hơn.

“Tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược nước ngoài cho Sabeco có khống chế các đối tác cạnh tranh trực tiếp và gián tiếp với Sabeco, nên sẽ bớt đi rất nhiều nhà đầu tư trong ngành bia có tên tuổi trên thế giới”, nguồn tin của Báo Đầu tư nhận xét.

Các nhà đầu tư nội địa cũng phải đạt được một số điều kiện, như chứng minh được nguồn tiền, không có nợ xấu, có khả năng hỗ trợ cho hệ thống kinh doanh của Sabeco.

Số nhà đầu tư chiến lược cũng có thể được mở rộng lên 2 - 5 đối tác, bởi tỷ lệ bán cổ phần lần tới khá lớn và sẽ có những giới hạn về tỷ lệ mà mỗi nhà đầu tư chiến lược được phép nắm giữ.

Tuy nhiên, tất cả cũng mới chỉ là dự tính, bởi việc bán tiếp cổ phần nhà nước tại Sabeco sẽ phải chờ tới khi Bộ Công thương chính thức trình đề xuất lên Thủ tướng để có quyết định cuối cùng.

Vốn nhà nước tại Sabeco sẽ chỉ còn 36%

() Bộ Công thương vừa có cuộc họp xem xét, thảo luận phương án bán tiếp phần vốn thuộc sở hữu nhà nước tại Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) xuống còn 36%.

Ông Tuất Sabeco: Ưa phản biện, hào hứng với đổi thay

() Sau thời gian ngược xuôi phản biện những chính sách không phù hợp với thị trường, ông Phan Đăng Tuất, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đang rất tâm đắc với kế hoạch thay đổi để hướng tới chuyển giao thương hiệu cho người tiêu dùng của Sabeco.

Bia Sabeco: Cô gái độc đoán!

"Sabeco được xem là cô gái độc đoán. Khi các chàng đến thì ngoảnh mặt làm ngơ. Nhưng tuổi xuân có hạn...". Ông Đồng Việt Trung, Trưởng ban Kiểm soát Sabeco ví von.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư