Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Báo cáo khả thi Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận I
Hải Hà - 02/08/2013 19:48
 
Trao đổi với báo giới chiều 2/8, ông Alexey Kondrin, Trưởng đại diện Công ty Atomstroyexport (ASE) Việt Nam thuộc Tập đoàn Rosatom (Nga) cho hay, Báo cáo khả thi của Dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận I sẽ được trình lên các cơ quan chức năng của Việt Nam vào cuối năm nay để thẩm định và xin phê duyệt.
TIN LIÊN QUAN

Trước đó, báo chí có dẫn lời ông Levchenko, Phó chủ nhiệm Ủy ban Năng lượng Duma, Bí thư thứ nhất tỉnh Irkurck, kiêm Chủ tịch Nhóm nghị sỹ hữu nghị với Việt Nam về việc tiến độ xây dựng Nhà máy Điện Hạt nhân Ninh Thuận I do Tập đoàn Rosatom thực hiện là quá chậm trễ và nguyên nhân khách quan là từ hai phía.

Xung quanh những nghi ngại này, ông Kondrin khẳng định, ASE và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm việc rất chặt chẽ và đã thống nhất lộ trình công việc để triển khai thời gian tới.

Hiệp định liên chính phủ giữa hai nước đã được ký cuối năm 2010, đảm bảo Nga cho Việt Nam vay 8 tỷ USD cho dự án này theo hình thức ODA. Hiện nay, ASE đang thiết kế nhà máy điện hạt nhân với 2 tổ máy công suất 1.000 – 1.200 MW mỗi tổ máy.

Nhà máy sẽ dùng công nghệ mới nhất trong lĩnh vực điện hạt nhân của Nga và đang được triển khai tại một dự án tương tự của Nga.

Mặc dù giới hạn trên số vốn xây dựng nhà máy này đã được thiết lập, nhưng đại diện phía ASE cho rằng, con số chính xác xây dựng nhà máy sẽ có biên độ xê dịch nhất định, bởi hiện nhà máy chưa tính tới số tiền thiết kế.

Chuyên gia Nga giới thiệu thông tin về điện hạt nhân tại Trung tâm Thông tin Năng lượng hạt nhân tại Đại học Bách khoa Hà Nội

Để xây dựng nhà máy, 150 cán bộ của Sông Đà và Lilama đã được đưa sang Nga đào tạo và tham gia thực tế xây dựng một nhà máy điện hạt nhân tại đó. Hàng năm, sẽ có khoảng hơn 100 cán bộ Việt Nam được đưa sang Nga đào tạo về điện hạt nhân.

Nga cũng tài trợ xây dựng Trung tâm Khoa học và Công nghệ và Năng lượng hạt nhân, không chỉ phục vụ nhà máy điện hạt nhân mà còn phục vụ nghiên cứu khoa học ứng dụng hạt nhân của Việt Nam trong dài hạn.

Trung tâm này dự kiến sẽ đi vào vận hành trước thời hạn Nhà máy điện hạt nhân của Việt Nam đi vào hoạt động.

Từ tháng 11/2012, phía Nga đã mở cửa Trung tâm Thông tin Năng lượng hạt nhân tại Đại học Bách khoa Hà Nội nhằm phục vụ những chuyên gia, kỹ sư và những người quan tâm tìm hiểu, nghiên cứu những vấn đề liên quan tới hạt nhân tại đây. Đây là trung tâm đầu tiên ở nước ngoài của Rosatom.

Hiện để có cái nhìn chính xác và là tư liệu tham khảo cho các chuyên gia phía Việt Nam về việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân, Trung tâm này đang giới thiệu công nghệ Multi-D, cho phép quản lý dự án và công nghệ để xây dựng các công trình kỹ thuật phức tạp như nhà máy điện hạt nhân.

Công nghệ này cho phép người xem hình dung những mâu thuẫn có thể có, thấy tận mắt các vấn đề phát sinh trong việc thiết kế, xây dựng, vận hành, tháo gỡ một nhà máy điện hạt nhân. Do đó, các chuyên gia có thể đưa ra những quyết định hợp lý và kịp thời ở tất cả các giai đoạn thực hiện dự án.

Liên quan đến những diễn tiến mới đây nhất của Nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận, chiều chiều 17/7 vừa qua, đoàn đại biểu của Ủy ban Năng lượng Duma Quốc gia Liên bang Nga do ông Sergei Georgeevic Levchenko làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận để thảo luận các biện pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận I.

Tháng 11/2009, Quốc hội Việt Nam thông qua dự án xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại Ninh Thuận. Dự án điện nguyên tử đầu tiên của Việt Nam sẽ gồm hai nhà máy có tổng công suất 4.000 MW. Theo kế hoạch, nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận I sẽ được khởi công vào năm 2014, và bắt đầu phát điện năm 2020.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư