Bão số 12 đổ bộ vào Khánh Hòa sáng nay |
Tại Khánh Hòa- vùng tâm bão số 12: Trưa 4/11, sau khi đi vào đất liền, bão số 12 tan dần, Khánh Hòa tan hoang sau bão. Theo thông tin ban đầu, tính đến trưa cùng ngày, toàn tỉnh có ít nhất 11 người chết và 1 người mất tích. Trong đó có 4 người ở huyện Vạn Ninh, 5 người ở thị xã Ninh Hòa, 2 người ở Nha Trang, 1 người ở Cam Ranh nguyên nhân do nhà sập đè.
Ngoài ra, toàn tỉnh có gần 500 căn nhà bị sập. Huyện Vạn Ninh có 80% nhà tốc mái, thị xã Ninh Hòa đến 90% nhà tốc mái.
Trước đó, PV Báo Giao thông tại tỉnh Khánh Hòa ghi nhận, rạng sáng nay đã có mưa lớn kèm gió giật. Cây cối đổ ngã, nhiều nhà dân bị tốc mái. Tại cảng Hòn Rớ (Nha Trang), mưa to gió lớn khiến hệ thống điện bị cúp hoàn toàn. Theo cơ quan chức năng, có hàng trăm người đang trú bão tại khu vực này.
Theo Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương, lúc 6h sáng nay vùng tâm bão đã vào Khánh Hòa, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, giật cấp 15. Tại TP Nha Trang gió giật cấp 11.
Ông Lê Hồng Sơn, PGĐ Chi nhánh Vận tải Đường sắt Nha Trang cho biết hiện tại Ga Nha Trang có 2 đoàn tàu đang trú bão. Đó là tàu SE4 với 349 khách, dừng từ lúc 4h52 và tàu SQN4 có 261 khách dừng lúc 3h54.
Nhiều tuyến đường ở Nha Trang, Khánh Hoà bị ngập, đi lại khó khăn. (Trong ảnh là đường Mai xuân thưởng, đoạn giao với 2/4,TP Nha Trang)
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã có mặt tại tâm bão yêu cầu các ngành chức năng phải phối hợp phòng chống bão tốt, đảm bảo an toàn, tính mạng cho người dân...
Tại Phú Yên, mưa gió cũng dữ dội từ rất sớm. Nhiều địa phương ở Phú Yên mất điện hoàn toàn. Gió bão lớn gây tốc mái nhiều nhà dân sống ven biển ở thôn Phú Lạc, xã Hòa Hiệp Nam (huyện Đông Hòa). Nhiều người bồng bế con chạy giữa trời mưa gió chui xuống gầm cầu bê tông Lưới Gõ để tránh trú bão tạm thời. Nhiều tàu thuyền bị chìm và nhiều lồng bè nuôi trồng thuỷ sản bị cuốn trôi ra biển.
Tại Bình Định đang có mưa to đến rất to, gió giật cấp 10, cấp 11. Trong đó, khu vực TP Quy Nhơn ảnh hưởng nặng nhất và đang mưa rất to. Mực nước các sông đang dâng cao. Ở khu vực ven biển, có tuyến đê vẫn an toàn, địa phương cử người chốt trực để theo dõi các khu vực xung yếu.
Bảng sắt, cửa tôn đổ nhào do gió lớn |
Tôn nhà dân tốc mái văng đầy đường |
Mưa gió mù mịt từ sáng sớm |
Bão vừa bắt đầu không lâu, TP. Nha Trang đã bắt đầu xơ xác |
Tại Bình Định, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão nên có mưa to, gió giật. Hiện lũ ở các sông đang lên. Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng yêu cầu dừng mọi cuộc họp để ứng phó mưa bão 24/24. Một số tuyến đường tại TP Quy Nhơn bị ngập cục bộ, cây xanh đổ ngã.
Đường Trần Hưng Đạo TP. Quy Nhơn ngập nặng |
Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định cho biết, tỉnh này đã lên phương án cụ thể để di dời hơn 26.000 hộ dân ra khỏi những vùng nguy hiểm trong cơn bão số 12. Trong đó, ưu tiên di dời các hộ dân ở vùng ven biển như ở các xã Nhơn Hải, Nhơn Lý (TP. Quy Nhơn), Cát Tiến, Cát Hải (huyện Phù Cát), Hoài Mỹ, Hoài Hải, Hoải Hương (huyện Hòa Nhơn)… và một số vùng có nguy cơ sạt lở tại các huyện miền núi An Lão, Vân Canh, Hoài Ân, Vĩnh Thạnh.
Trung tá Ngô Đức Hoài, Phó trưởng Phòng CSGT, Công an tỉnh Bình Định cho biết: Phòng CSGT đã điều 100 cán bộ với khoảng 60 chiến sĩ TTKS cùng các trang thiết bị, cưa máy tỏa ra các tuyến QL1, QL19 tuần lưu đảm bảo ATGT.
Bão số 12 giật đổ nhiều cây xanh trên các tuyến đường |
Băng rôn, bảng hiệu trang trí chào mừng APEC tại Đà Nẵng bị gió xé toạc |
Tại Đà Nẵng, dù không nằm trong tâm bão nhưng từ rạng sáng đã mưa to, gió giật kinh hoàng. Các tuyến đường CMT8, Phạm Văn Đồng... nhiều cây cối đổ ngã. Gió bão đã làm gãy đổ cổng chào lớn trên tuyến đường biển Võ Nguyên Giáp (quận Sơn Trà).
|
Gió bão số 12 quật đổ cổng chào ở Đà Nẵng |
Băng rôn, bảng hiệu trang trí chào mừng APEC bị gió xé toạc. Nước sông Hàn dâng cao lấn sâu vào đất liền. Tại đường ven biển Võ Nguyên Giáp một cổng chào bị gió quật gãy đổ.
Trước tình hình này, Phó Chủ tịch TP Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn yêu cầu UBND các quận, huyện, các Sở Ban Ngành tập trung mọi lực lượng khẩn trương dọn dẹp, dựng lại các pano biểu ngữ, trang hoàng lại đường phố trước Tuần lễ cấp cao APEC đang đến rất gần.
Trước đó, ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP. Đà Nẵng cho biết: Trên toàn thành phố có 5.500 phướn trang trí, 80 tấm pano lớn, 4 màn ảnh led phục vụ Tuần lễ cấp cao APEC. Mưa gió đã gây thiệt hại khoảng 30-40% tổng số phướn treo. Ở các khoảng đất trống ở quận Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà các pano do doanh nghiệp trang trí cũng bị hư hại khoảng 40%. UBND các quận, huyện này sẽ có báo cáo, đề xuất biện pháp sớm khắc phục.
Chỉ còn 2 ngày nữa là chính thức diễn ra Tuần lễ cấp cao APEC. Bây giờ thành phố đang khẩn trương làm công văn đề xuất Ủy ban Quốc gia APEC, Ban thư ký APEC, UBND thành phố Đà Nẵng cho ý kiến chỉ đạo, khẩn trương khắc phục, làm thêm phướn, pano kịp trang trí lại.
Cây đổ trên đường Đinh Tiên Hoàng, TP. Đà Lạt, Lâm Đồng |
Tại Lâm Đồng, bà Đàm Thị Kinh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lâm Đồng cho biết, trước những diễn biến của cơn bão số 12, Sở đã thông báo tới toàn bộ các trường cấp THCS và cấp THPT trên địa bàn tỉnh cho học sinh nghỉ học trong ngày 4/11. Các trường sẽ bố trí học bù vào thời điểm thích hợp.
Theo ghi nhận của PV trong sáng 4/11, trên địa bàn các huyện Lạc Dương, Đơn Dương và TP Đà Lạt do ảnh hưởng của bão đã xuất hiện mưa lớn, gió giật mạnh khiến nhiều cây cối bị ngã, đổ.
Các tuyến đường Trần Hưng Đạo, Nguyễn Thái Học... (Bình Định) nhiều cây bị gãy đổ |
Tính đến 10h tại TP Quy Nhơn (Bình Định), dàn đèn trang trí tại đầu đường Nguyễn Tất Thành nối dài bị ngã đổ chắn ngang trên đường, cản trở giao thông, bảng quảng cáo điện tử trên Quảng trường Nguyễn Tất Thành bị ngã. Các tuyến đường Trần Hưng Đạo, Nguyễn Thái Học... cây gãy, đổ, nhiều nhà dân tại khu phường Lê Lợi (gần chợ lớn mới) bị tốc mái, nhiều đoạn bị ngập úng nước 30-50cm.
Phường Ngô Mây, nhiều khu vực bị mất điện.
Tại biển Quy Nhơn có rất nhiều tàu cá, tàu hàng bị đứt dây neo đang bị mắc cạn. Theo một số người dần sống dọc biển Quy Nhơn thì từ sáng nay không biết từ đâu có hàng chục tàu dạt vào bãi tắm, khoảng 1 giờ đồng hồ thì sóng biển lại đánh dạt 1 vài con tàu vào gần phía bờ. Trong đó có nhiều tàu đã dạt vào đến bờ, sóng dập mạnh khiến tàu nghiên đổ đập vào đê bao ven bờ biển; có 2 tàu cá Phú Yên bị đứt dây neo một chiếc SH PY 92369 TS (Phú Yên), chiếc còn lại không rõ số hiệu đang bị sóng dâng đập khiến tàu bị nghiên đập vào bờ.
Theo thống kê ban đầu có 1 tàu bị chìm, 1 tàu hàng đang mắc cạn ở vùng nguy hiểm |
Theo ghi nhận tại vị trí vùng biển gần bờ đoạn trung tâm TP Quy Nhơn, có 1 tàu hàng đang bị sóng đánh sát bờ, tàu đang có thuyền viên điều khiển để thoát lũ bị sóng dập mạnh nên nghiên ngã, khói đen bốc lên nghi ngút; ngoài biển đang có mưa kèm theo gió đập mạnh.
Ông Trần Văn Phúc, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định, đơn vị đang triển khai lực lượng để thống kê số lượng tàu bị đứt neo, mắc cạn. Cùng với đó là hỗ trợ các ngư dân, thuyền viên di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm. Trước mắt theo thống kê ban đầu có 1 tàu bị chìm, 1 tàu hàng đang mắc cạn ở vùng nguy hiểm.
Cầu thuộc Km 52+546 Quốc lộ 26 qua Đắk Lắk nước ngập cao khoảng 0,5m gây ách tắc cục bộ |
Tại Đắk Lắk: Ghi nhận của PV ở TP Buôn Ma Thuột, đầu giờ chiều nay, mưa đã ngớt nhưng gió vẫn mạnh. Hai cây cổ thụ trên đường Lê Hồng Phong bị gió quật đổ, chắn ngang đường khiến giao thông ách tắc. Hiện, cơ quan chức năng TP Buôn Ma Thuột nhanh chóng khắc phục hậu quả.
Cây cổ thụ bị gió bão đánh bật gốc, đổ chắn ngang đường tại TP Buôn Ma Thuột |
Do ảnh hưởng của bão, Quốc lộ 26 đoạn Km30+400 (đoạn qua Ninh Hòa, Khánh Hòa) bị sạt lở nghiêm trọng, đất đá tràn xuống đường kéo dài hơn 5m khiến giao thông bị ách, phương tiện không thể đi lại. Hiện, CSGT công an tỉnh Đắk Lắk đã có mặt hỗ trợ phân luồng giao thông và cảnh báo phương tiện qua lại.
Quốc lộ 26 đoạn Km30+400 (đoạn qua Ninh Hòa, Khánh Hòa) bị sạt lở nghiêm trọng |
Tại địa bàn huyện M'drắk, điện lực đang nỗ lực khắc phục, dựng lại các trụ điện bị gẫy đỗ để đóng điện cho người dân trong thời gian sớm nhất.
Cán bộ ngành điện lực đang nỗ lực khắc phục hậu quả bão số 12 tại huyện M'drắk |
Trước đó, ông Hòa Quang Khiêm - Chủ tịch UBND huyện M'drắk cho biết, do ảnh hưởng của bão, vào lúc 3h sáng 4/11 trên địa bàn huyện bắt đầu xuất hiện mưa lớn, gió giật cấp 9 khiến hàng chục nhà dân và trường học bị tốc mái. Hiện trên địa bàn huyện đã mất điện hoàn toàn do nhiều trụ điện bị gãy đổ. Trước tình hình trên, huyện đã chỉ đạo cho toàn bộ học sinh nghỉ học để tránh bão.
Đến 10h sáng nay, nhiều đường giao thông nông thôn bị ngập, chia cắt. Hiện có 24 hộ dân của buôn M'lốk, xã Krông Jing nằm trong vùng cuốn lũ bị chia cắt, cần được di dời khẩn cấp. Thôn 7,9 xã Cư K'róa bị cô lập do nước dâng cao. Ngoài ra, nhiều hồ đập chứa nước đã được chỉ đạo cho xả nước để ứng phó với bão.
Huyện đã huy động tất cả lực lượng dân quân tại chỗ đến các khu vực ảnh hưởng của bão để sẵn sàng ứng phó. Hiện chưa có thiệt hại về người, ảnh hưởng của bão khiến 7.000ha mía nguyên liệu trên địa bàn huyện bị đổ rạp, thiệt hại nặng nề.
Hiện tại huyện M'drắk sức gió rất mạnh, mưa to. Nhiều nhà dân hai bên QL26 bị tốc mái, cây cối gẫy đổ, biển hiệu quảng cáo đổ sập. Ghi nhận cỉa PV, cầu thuộc Km 52+546 Quốc lộ 26 nước ngập cao khoảng 0,5m gây ách tắc cục bộ.
Gió mạnh đã khiến một dãy nhà của Công an huyện M'drắk bị tốc mái |
Tại khu vực cầu bị ngập ách tắc cục bộ, Phòng CSGT tỉnh Đắk Lắk đã có mặt điều tiết giao thông và hỗ trợ các phương tiện qua lại khu vực trên. Tại một diễn biến khác, do gió mạnh đã khiến một dãy nhà của Công an huyện M'drắk bị tốc mái.