Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Bất cập nếu năm nào big 4 ngân hàng cũng phải trình xin tăng vốn
Thùy Liên - 26/10/2024 14:36
 
Các đại biểu quốc hội bày tỏ nhất trí cao về chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank trong phiên thảo luận tổ sáng nay (26/10), song bên cạnh đó cũng còn những ý kiến băn khoăn.
f
Ông Phạm Đức Ấn, đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội, Chủ tịch HĐTV Agribank

Đại biểu Lê Hoàng Hải (Đồng Nai) cho rằng, bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank là rất cần thiết, song cần đánh giá kỹ tác động. Nguyên nhân là vì hiệu quả kinh doanh của các ngân hàng nói chung chưa bền vững. Các vụ phá sản 3 ngân hàng Mỹ (Silvergate Bank, Silicon Valley Bank, Signature Bank) và Ngân hàng Credit Suisse của Thụy Sĩ xảy ra năm 2023 dù trước đó đều có chỉ số an toàn cao là những cảnh báo. 

Do đó, đại biểu đề nghị cần đánh giá tác động sâu hơn, kỹ lưỡng hơn, có phân tích định lượng, định tính về hiệu quả của việc đầu tư bổ sung 20.695 tỷ đồng cho Vietcombank, ví dụ như quản trị rủi ro, xử lý nợ xấu, tăng cường các biện pháp kiểm soát nhằm nâng cao chất lượng tín dụng…   

Tuy vậy, hầu hết các đại biểu đều nhất trí bổ sung vốn nhà nước 20.695 tỷ đồng cho Vietcombank nhằm nâng cao năng lực tài chính, đảm bảo các chỉ số an toàn rủi ro cho ngân hàng này, nhất là trong bối cảnh Vietcombank vừa tham gia nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng yếu kém.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cho rằng, hiện nay Việt Nam vẫn chưa có đại diện nào lọt vào top 100 ngân hàng lớn nhất châu Á. Do đó, việc bổ sung vốn cho Vietcombank sẽ giúp Việt Nam phấn đấu đạt mục tiêu có ngân hàng lọt vào nhóm ngân hàng lớn nhất khu vực. Hơn nữa, Vietcombank có hiệu quả kinh doanh rất tốt, chỉ số ROE, ROA đều rất cao so với mặt bằng ngành ngân hàng. Vì vậy, vốn nhà nước được bổ sung cho Vietcombank sẽ được sử dụng hiệu quả.

Trong khi đó, đại biểu quốc hội đoàn Hà Nội, cũng là Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank, ông Phạm Đức Ấn lại có chia sẻ rất gan ruột của “người trong cuộc”.

Theo ông Ấn, hiện 4 ngân hàng thương mại nhà nước đang chiếm 44,5% tổng dư nợ toàn hệ thống, có vai trò dẫn dắt trong thực hiện chính sách tiền tệ, là công cụ để NHNN điều tiết thị trường tiền tệ. Đây cũng là các ngân hàng kinh doanh hiệu quả, sử dụng hiệu quả đồng vốn nhà nước.

Theo quy định hiện hành, các ngân hàng thương mại phải đạt hệ số an toàn vốn (CAR) từ 8% trở lên. Hệ số CAR được đo lường bởi công thức: Vốn tự có/tổng tài sản rủi ro (chủ yếu là dư nợ tín dụng). Có nghĩa là muốn tăng tín dụng thì vốn tự có phải tăng tương ứng. Hiện nay, mỗi ngân hàng trong nhóm big 4 nếu muốn tăng trưởng 10%/năm thì phải tăng vốn mỗi năm trên 10.000 tỷ đồng. Theo quy định hiện hành, cứ bổ sung vốn nhà nước từ 10.000 tỷ đồng trở lên sẽ phải trình Quốc hội thông qua.

“Nếu 4 ngân hàng thương mại nhà nước năm nào cũng phải xin ý kiến các bộ ngành trình Chính phủ rồi Chính phủ trình Quốc hội thông qua thì sẽ tốn rất nhiều thủ tục và mất nhiều thời gian của Quốc hội. Thay vì năm nào cũng phải xem xét phương án tăng vốn cho các ngân hàng thì nên xây dựng một cơ chế cho phép các ngân hàng thương mại nhà nước được tăng vốn từ nguồn lợi nhuận giữ lại”, ông Phạm Đức Ấn đề xuất.

Được biết, hiện nay, lợi nhuận của Agribank được nộp về ngân sách hàng quý (Agribank là ngân hàng thương mại 100% vốn nhà nước). Trong khi đó, lợi  nhuận của 3 ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước còn lại một phần lợi nhuận sẽ được chia cổ tức tiền mặt về ngân sách, một phần được giữ lại. Hiện các ngân hàng này đang đề xuất cơ chế dài hơi để được sử dụng nguồn lợi nhuận giữ lại này tăng vốn hàng năm thông qua hình thức chia cổ tức bằng cổ phiếu.  

Đề nghị bổ sung hơn 20.000 tỷ đồng cho Vietcombank: Chia cổ tức 49,5% bằng cổ phiếu để tăng vốn
Theo tờ trình của Chính phủ, nếu Vietcombank không được chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn mà phải chia cổ tức bằng tiền mặt, tỷ lệ an...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư