Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 25 tháng 11 năm 2024,
Bát Xát - Lào Cai: Vùng biên chuyển mình
Như Loan - 09/07/2021 08:01
 
Sở hữu nhiều tiềm năng để phát triển mô hình kinh tế biên mậu, nhất là lĩnh vực xuất nhập khẩu, hậu cần (logistics) và du lịch, huyện Bát Xát (Lào Cai) đang đứng trước “thời vận” chưa từng có.

Hạ tầng đi trước

Suốt nhiều năm qua, không chỉ Bát Xát mà các huyện khác của Lào Cai đều bị cái bóng quá lớn - Sapa che khuất. Nhưng điều này dường như sẽ sớm thay đổi khi Bát Xát đang được tập trung dồn lực để trở thành một trung tâm kinh tế mới của Lào Cai.

Trong chiến lược phát triển chung của tỉnh Lào Cai, Huyện Bát Xát được định hướng phát triển mạnh ở các lĩnh vực như kinh tế cửa khẩu, logistics, đô thị và du lịch. Trong đó, hạ tầng đi trước một bước được kỳ vọng sẽ tạo nên những đột phá mạnh mẽ cho kinh tế địa phương.

Hiện, Lào Cai đang tập trung nhiều nguồn lực cho Bát Xát với các dự án đầu tư mới và nâng cấp, một mặt, tạo nên diện mạo mới cho trung tâm huyện, thúc đẩy phát triển kinh tế, mặt khác, chuyển hóa các tiềm năng, lợi thế thành nguồn thu ngân sách địa phương.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Bát Xát đang triển khai nhiều dự án quan trọng như: bệnh viện đa khoa, chợ trung tâm, dự án khu công viên vui chơi giải trí, các dự án logistics dọc tuyến Sông Hồng từ cầu Kim Thành – Bản Vược, dự án nâng cấp đường Kim Thành – Bản Vược và xây dựng Cầu đường bộ qua sông hồng thuộc khu vực Biên giới Bát Xát (Việt Nam) – Bá Sái (Trung Quốc) tỉnh Vân Nam Trung Quốc,...

Với cửa khẩu Kim Thành và cửa khẩu Bản Vược (đang được đầu tư) sẽ khơi thông dòng chảy hàng hóa từ Bát Xát với thị trường xuất khẩu lớn là Trung Quốc, tạo nguồn thu ổn định cho địa phương.

Du lịch tiếp bước theo sau

Góc nhỏ Y Tý. Ảnh:Internet.

Các dự án giao thông quan trọng cũng đang được triển khai thực hiện đó là tuyến từ Bản Vược - Bản Xèo - Mường Hum - Dền Sáng - Y Tý - A Lù - A Mú Sung (dự kiến hoàn thành năm 2023); tuyến đường Trịnh Tường - Y Tý (đang được khảo sát, đầu tư, dự kiến khởi công trong năm 2022 và hoàn thành trong 2024). Khi hoàn thành các tuyến đường trên sẽ tạo thành hệ thống giao thông liên hoàn, khép kín; việc đi lại từ trung tâm thành phố Lào Cai đến các xã xa nhất như Y Tý, A Lù sẽ thuận lợi hơn nhiều, khắc phục hạn chế lớn nhất tồn tại suốt nhiều năm qua là giao thông ngăn trở sự phát triển của Y Tý.

Cùng với việc lấy đầu tư hạ tầng làm mũi nhọn, tạo đột phá cho 3 lĩnh vực có thế mạnh là xuất nhập khẩu, logistics và du lịch, những năm gần đây, huyện Bát Xát đã rất tích cực trong việc giới thiệu đến cộng đồng nhà đầu tư, du khách như một điểm đến tiềm năng.

Đến nay, huyện Bát Xát đã hiện diện nhiều hơn trong bản đồ du lịch vùng Tây Bắc, thông qua hàng loạt các sự kiện lớn về du lịch được huyện đăng cai tổ chức như: Giải đua xe đạp leo núi quốc tế tại Y Tý; Giải leo núi tại Sàng Ma Sáo; Giải “Chinh phục đỉnh cao” gồm: Leo núi chinh phục đỉnh Ky Quan San (xã Sàng Ma Sáo); Giải đua xe đạp địa hình “Đi giữa mùa hoa đỗ quyên”.

Huyện cũng đã rất thành công trong việc xây dựng sản phẩm “Bát Xát - thiên đường của các chương trình du lịch đi bộ dã ngoại và thể thao mạo hiểm hấp dẫn”. Hiện Bát Xát có 35 cơ sở lưu trú du lịch, với khoảng 280 lao động trực tiếp và gián tiếp. Huyện đang đặt mục tiêu của huyện đến năm 2025 sẽ đón 1,2 triệu lượt khách du lịch, doanh thu du lịch đạt 1.980 tỷ đồng và nâng số cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch lên 150 cơ sở. Giải pháp cho việc gia tăng lượng khách, cơ sở lưu trú và doanh thu sẽ đến từ việc nâng cao chất lượng dịch vụ, phát triển các dự án du lịch quy mô, bài bản và chuyên nghiệp gắn liền với bảo tồn bản sắc văn hóa địa phương.

Biến tiềm năng thành nguồn lực cho đầu tư phát triển

Một thế mạnh không thể không nhắc đến của Bát Xát đó là du lịch, huyện sở hữu nhiều địa danh có tiềm năng lớn để khai thác. Trong đó, Trịnh Tường và Y Tý là hai địa bàn trọng điểm.

Cột cờ Lũng Pô. Ảnh:Internet.

Với khu vực Trịnh Tường, các địa danh như Cột cờ Lũng Pô (nơi đầu nguồn sông Hồng từ Trung Quốc chảy về Việt Nam), đền Mẫu sẽ được nâng tầm để trở thành điểm đến trải nghiệm cho du khách. Đặc biệt, với việc sở hữu dòng nước nóng ngay trung tâm xã, Trịnh Tường đang được nhiều nhà đầu tư lớn tìm hiểu, khảo sát để phát triển các dự án du lịch nghỉ dưỡng và chữa bệnh.

Trịnh Tường chỉ cách trung tâm huyện Bát Xát 30 km, cách TP. Lào Cai 40 km. Với Cột cờ Lũng Pô, đền Mẫu và nguồn nước nóng quý hiếm, thêm đặc điểm địa hình phức tạp bị chia cắt bởi các dãy núi cao và khe sâu, Trịnh Tường có lợi thế để phát triển các dự án du lịch quy mô đáp ứng nhu cầu của du khách, từng bước tạo vệt loang du lịch, nghỉ dưỡng và hình thành chuỗi điểm đến Lào Cai – Trịnh Tường – Y Tý.

Còn với Y Tý, xã vùng biên này đã được biết đến từ lâu bởi khí hậu và nhiều cảnh đẹp, nét văn hóa bản địa đặc sắc như: thung lũng Thề Pả, núi Lảo Thẩn, Ngải Thầu, thôn Choản Thèn, Lao Chải,... Nằm ở độ cao 2000m so với mực nước biển, Y Tý có thời tiết quanh năm mát mẻ, đây cũng là một trong những điểm săn mây, băng tuyết bậc nhất ở Việt Nam.

Với việc tuyến đường huyết mạch: Bản Vược – Bản Xèo – Mường Hum – Dền Sáng – Y Tý – A Lù – A Mú Sung, tuyến đường Trịnh Tường – Y Tý được nâng cấp, Y Tý sẽ không chỉ còn là điểm đến của các phượt thủ, mà sẽ sớm trở thành một điểm đến mới của khách du lịch với các dự án bất động sản nghỉ dưỡng quy mô.

Theo quy hoạch đến năm 2030, Khu đô thị du lịch Y Tý giữ vai trò giảm tải cho khu du lịch quốc gia Sapa. Tỉnh Lào Cai cũng đang tạo điều kiện để các tập đoàn, nhà đầu tư lớn nghiên cứu đề xuất phương án quy hoạch chi tiết, định hướng để Y Tý thành một trung tâm hành chính mới của huyện, trong đó trước mắt, mục tiêu đưa Y Tý lên thành đô thị loại V và thành lập thị trấn vào năm 2025.

Lào Cai và Sa Pa đồng loạt kích cầu du lịch, giảm giá tới 70% cho du khách
Tỉnh Lào Cai nói chung và Sa Pa nói riêng tổ chức chuỗi sự kiện đặc biệt hấp dẫn cùng chương trình kích cầu với mức ưu đãi giảm giá các dịch...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư