ACC - Thăng Long: “Gã thợ săn” cẩn trọng
Hà Quang - 07/09/2016 13:40
 
Gia nhập thị trường kinh doanh bất động sản khi những tên tuổi lớn đã rợp bóng, nên việc Công ty TNHH MTV Tổng công ty Xây dựng công trình hàng không ACC (ACC - Thăng Long) ra hàng Dự án mang tên Artemis (nữ thần săn bắn) có thể coi là một phép thử. Đương nhiên, phép thử luôn bao hàm cả những điều không mong muốn.
TIN LIÊN QUAN

Đường đi của lính mới

Cho tới thời điểm này, Dự án căn hộ - trung tâm thương mại – văn phòng Artemis tại số 3 Lê Trọng Tấn, quận Thanh Xuân, Hà Nội đã hoàn thành phần thô và làm xong căn hộ mẫu. Công trình gồm 3 tầng hầm, 6 tầng trung tâm thương mại – văn phòng và 18 tầng căn hộ với tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, chủ đầu tư vẫn chưa chính thức bán hàng ra thị trường. Có nhiều lý do để những người cầm quân của ACC – Thăng Long thận trọng với sản phẩm đầu tay của mình.

Trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, ACC - Thăng Long vẫn là tân binh.
Trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, ACC - Thăng Long vẫn là tân binh.

Lý do thứ nhất, để có được Artemis với hình hài hôm nay, chủ đầu tư ACC – Thăng Long đã trải qua 1 hành trình dài dặc với nhiều thủ tục đầu tư xây dựng chưa từng có tiền lệ. Dự án được thực hiện theo cơ chế đặc thù của Bộ Quốc phòng, cho phép sử dụng vào mục đích kinh tế một số khu đất chưa sử dụng ngay cho nhiệm vụ quốc phòng.

Khởi đầu, Dự án Artemis được thực hiện theo Quyết định số 2978/QĐ-BQP ngày 16/8/2010 của Bộ Quốc phòng. Sau đó, Bộ Quốc phòng đã có văn bản xin phép Thủ tướng Chính phủ được chuyển mục đích, chuyển quyền sử dụng đất đối với Khu đất số 3 Lê Trọng Tấn và đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển đổi từ đất quốc phòng sang đất ở sử dụng ổn định lâu dài theo hình thức Hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao (BT) tại Văn bản số 2171/TTg-KTN ngày 30/11/2015.

Ngày 28/3/2016, Bộ Quốc phòng đã ban hành Quyết định số 1166/QĐ-BQP về việc lựa chọn ACC Thăng Long là nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật công trình kiến trúc của Quân chủng Phòng không – Không quân theo hình thức Hợp đồng BT và sử dụng quỹ đất tại số 3 Lê Trọng Tấn để thanh toán theo cam kết tại hợp đồng trên…

“Quan điểm của chúng tôi là có thể chậm, nhưng phải chắc về thủ tục pháp lý”, Đại tá Đặng Hùng, Tổng giám đốc ACC – Thăng Long nói.

Sự cẩn trọng này không thừa, vừa rồi đã đưa ACC Thăng Long vượt qua được những rắc rối đầu tiên từ thị trường, khi có tin Dự án Artemis rao bán căn hộ cho thuê, nhưng lại thông báo là căn hộ vĩnh viễn.

Thực ra, tình trạng không rõ ràng về pháp lý với các dự án bất động sản thời gian qua không phải quá hiếm khi mà thị trường vào cơn sốt nóng, nhà đầu tư chỉ nhăm nhăm có được đất, có được chủ trương đầu tư là coi như nhắm mắt ăn tiền. Với các dự án ở vị trí đất vàng, thì những quyết định “mắt nhắm mắt mở” với các quy định pháp lý thường gắn với những khoản lợi nhuận khủng. Có thể nhắc tới những quyết định “cầm đèn chạy trước ô tô” của chủ đầu tư Dự án 8B Lê Trực (quận Ba Đình), AZ Lâm Viên (107 Nguyễn Phong Sắc, quận Cầu Giấy) hay việc xây vượt quá số tầng cho phép tại cao ốc số 9 Đào Duy Anh (quận Đống Đa)… mà hiện giờ, nhiều dự án vẫn đang là “cục nợ” với chính chủ đầu tư.

Lý do thứ hai, ACC – Thăng Long đang kỳ vọng nhiều vào sức hấp dẫn của Dự án này, khi diện tích đất xây dựng Artemis là phần còn lại của đường băng sân bay Bạch Mai sau khi mở đường Lê Trọng Tấn. Hơn thế, khi những cuooộc săn đất vàng đã diễn ra gần một thập kỷ, Dự án có vị trí khá hiếm hoi, với 4 mặt tiền cạnh đường Vành đại II là rất hiếm. Giới kinh doanh bất động sản cho rằng, đây chính là con át chủ bài của ACC – Thăng Long trong lần ra mắt thị trường bất động sản Thủ đô.

Chắc chắn, những người cầm quân của ACC – Thăng Long cũng thừa hiểu thế mạnh của Dự án này, nên phần chuẩn bị dự án, tìm kiếm các nhà thầu được đặc biệt coi trọng. Chỉ tính riêng phần thiết kế Dự án, ACC- Thăng Long phải làm việc với 5 nhà thầu mới có thể tìm được đối tác tận dụng tối đa ưu thế vị trí đất vàng. Cũng dễ hiểu khi hệ thống dịch vụ tiện ích của Artemis được thiết kế tương xứng với vị trí của nó, gồm bể bơi bốn mùa theo phong cách nghỉ dưỡng, khu sinh hoạt cộng đồng, khu thể thao, rạp chiếu phim…

Lợi thế của nhà binh

Công ty TNHH MTV Tổng công ty Xây dựng công trình hàng không ACC vốn là Xí nghiệp Khảo sát thiết kế và Xây dựng công trình hàng không, trực thuộc Cục hậu cần Quân chủng Phòng không – Không quân. Xí nghiệp được thành lập năm 1990, đến năm 1992 mới đổi tên.

Những dự án đầu tiên trong lĩnh vực kinh tế của ACC – Thăng Long là Công trình thi công đường ven Hồ Tây, Công trình đường cất hạ cánh 35R của sân bay Đà Nẵng, Cải tạo sân bay Đà Nẵng, Nâng cấp sân bay Cam Ranh, Phù Cát, Vũng Tàu, Công trình Học viện Phòng không - Không quân, Công trình đường cất, hạ cánh 1B sân bay quốc tế

Nội Bài…

Tuy vậy, trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, ACC - Thăng Long vẫn là tân binh. Tất nhiên, tân binh này đang nắm những lợi thế mà nhiều tên tuổi quen thuộc của thị trường bất động sản cũng phải thèm thuồng.

Lợi thế đầu tiên và có thể thấy ngay là sự vững vàng về tài chính. ACC – Thăng Long không chịu sức ép huy động vốn như các dự án khác. ông Trần Ngọc Tuấn Anh, Giám đốc kinh doanh Dự án Artemis tiết lộ, đây chính là cơ sở để đến giờ, dù đã xong phần thô, căn bản hoàn thiện mặt ngoài, nhưng Artemis vẫn chưa chính thức mở bán.

Lợi thế thứ hai là chủ đầu tư không chịu sức ép tìm kiếm khách hàng. Bởi ngay khi giới thiệu Dự án, hơn một nửa số căn hộ đã được các cán bộ chiến sĩ quan Quân chủng Phòng không – Không quân đặt mua. Như vậy, số căn hộ còn lại để bán ra ngoài chỉ còn một nửa.

Song, người trong nhà Trần Ngọc Tuấn Anh lại cho rằng, lợi thế lớn nhất của Dự án, nhưng cũng là sức ép với ACC – Thăng Long khi lãnh đạo Quân chủng Phòng không – Không quân đặt ra những yêu cầu rất cao về thiết kế, chất lượng xây dựng và hoàn thiện căn hộ. Với truyền thống nhà binh mà ACC - Thăng Long là một bộ phận, thì đó là mệnh lệnh và không thể có phương án khác. Điều này đồng nghĩa với việc Artemis sẽ phải đạt đúng yêu cầu các căn hộ phải hoàn thiện đến mức khách hàng có thể “xách va li về nhà mới” mà không phải lấn cấn nhiều.

Tất nhiên, điều này không có nghĩa là tân binh có thể ăn ngon ngủ yên với Artemis. Ngay bản thân ông Hùng cũng thừa nhận, kinh nghiệm đầu tư bất động sản của Công ty là số không, và điều này đang đặt áp lực lên các bước đi tiếp theo của ACC – Thăng Long trong các kế hoạch mở bán Dự án Artemis. Trong thị trường bất động sản, khi hàng chưa bán hết thì chưa chủ đầu tư nào có thể nói hay.

Hơn thế, tân binh này cũng đang phải gánh áp lực không hề nhỏ trong việc phải tối đa hóa hiệu quả sử dụng của khu đất vàng, vì nguồn thu sẽ được sử dụng để đầu tư xây dựng doanh trại, kho tàng, cơ sở hạ tầng phục vụ nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu cho Quân chủng Phòng không – Không quân.

Ngoài ra, thương hiệu một doanh nghiệp của quân đội cũng khiến những người đứng đầu ACC – Thăng Long khó đưa ra quyết định kinh doanh hay làm thương hiệu theo kiểu gây sốc  thị trường.

Tất cả những điều này chắc chắn buộc ACC – Thăng Long phải tiếp tục thận trọng với các bước đi tới với dự án phép thử mang tên nữ thần săn bắn Artemis.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản