Bán đảo Quảng An sẽ là trung tâm sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật của Thủ đô
Hồng Hạnh (thực hiện) - 28/07/2022 20:20
 
Việc lập Quy hoạch chi tiết khu vực không gian trung tâm bán đảo Quảng An là phù hợp định hướng phát triển văn hóa của Đảng, Nhà nước, củng cố quyết tâm: Đầu tư phát triển văn hóa song hành với phát triển kinh tế.

Trao đổi bên lề Hội nghị lấy ý kiến tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư về Đồ án Quy hoạch chi tiết Trục không gian Trung tâm bán đảo Quảng An tỷ lệ 1/500, ông Nguyễn Lê Hoàng, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ chia sẻ thông tin chính thức về cơ sở của Quy hoạch và các phương án tổ chức không gian, cảnh quan.

Ông Nguyễn Lê Hoàng, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ

Đầu tư phát triển văn hóa song hành với phát triển kinh tế

Quận Tây Hồ đang lấy ý kiến tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư về đồ án Quy hoạch chi tiết khu vực không gian Trung tâm bán đảo Quảng An, tỷ lệ 1/500 tại phường Quảng An, quận Tây Hồ. Đâu là những căn cứ và cơ sở để xây dựng quy hoạch này, thưa ông?

Về mặt pháp lý, quy hoạch được lập ra nhằm cụ thể hóa quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 2078/QĐ-UBND ngày 10/5/2021 của UBND Thành phố Hà Nội về việc phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu đô thị khu vực Hồ Tây và vùng phụ cận.

Việc xây dựng quy hoạch cũng hoàn toàn phù hợp với định hướng của Đảng, Chính phủ về công tác văn hóa.

Cụ thể, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về lĩnh vực văn hóa diễn ra cuối năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước”.

Hồ Tây sẽ trở thành trung tâm sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật của Thủ đô. (Hình minh họa)

Đồng thời, Tổng Bí thư yêu cầu: “Huy động tối đa các nguồn lực để phát triển văn hoá. Khắc phục tư tưởng "duy kinh tế", chỉ tập trung cho kinh tế mà ít quan tâm đến văn hoá. Phải quán triệt nghiêm túc quan điểm "văn hoá phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội".

Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về "Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" cũng nêu rõ nhiệm vụ “rà soát, cập nhật “Quy hoạch phát triển văn hóa Hà Nội” vào điều chỉnh bổ sung Quy hoạch Thành phố”.

Thành phố đặt mục tiêu bố trí quỹ đất, nguồn lực cho các dự án phát triển văn hóa chất lượng cao, ưu tiên phát triển không gian công cộng, điểm du lịch văn hóa, vui chơi giải trí, nghệ thuật biểu diễn, tạo không gian văn hóa cho cộng đồng.

Việc lập Quy hoạch chi tiết khu vực không gian Trung tâm bán đảo Quảng An là phù hợp định hướng phát triển văn hóa của Đảng, Nhà nước, củng cố quyết tâm: Đầu tư phát triển văn hóa song hành với phát triển kinh tế.

Phối cảnh dự án nhà hát Opera Hà Nội.

Đang có ý kiến lo ngại quy hoạch này sẽ ảnh hưởng tới sinh kế cũng như môi trường và giao thông trong một khu vực vốn đông đúc. Thưa ông, Hà Nội đã có nghiên cứu cụ thể như thế nào về những tác động của Quy hoạch này tới hiệu quả kinh tế xã hội, hạ tầng xã hội và hạ tầng giao thông cũng như các vấn đề khác liên quan?

Như đã nói, Quy hoạch chi tiết 1/500 bán đảo Quảng An phù hợp với các quy hoạch được phê duyệt. Theo đó, Thành phố Hà Nội định hướng phát triển khu vực này thành trung tâm sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật của Thủ đô.

Đối với đồ án này, phạm vi ranh giới, quy mô diện tích, mật độ xây dựng, tầng cao công trình và dân số của 3 ô quy hoạch 16, 17,19 theo quy hoạch phân khu được duyệt, không làm tăng quy mô dân số.

Về mặt giao thông, đồ án cũng đã quy hoạch mạng lưới giao thông và có kế hoạch đầu tư hạ tầng kỹ thuật chung cho bán đảo Quảng An.

Trước mắt, dự kiến nâng cấp mở rộng một số tuyến đường giao thông theo quy hoạch với mục đích đảm bảo giao thông kết nối thuận tiện thông suốt bên trong và bên ngoài khu vực nghiên cứu, bố trí các điểm bãi đỗ xe đồng bộ, hệ thống cấp điện, thông tin liên lạc được bổ sung đầy đủ cho khu vực…

Nhà hát Opera Hà Nội sẽ có nội thất tương tự như Nhà hát Stavros Niarchos của nhà thiết kế Renzo Piano. (Ảnh:snf)

Với một khu vực giàu giá trị văn hóa như khu vực Hồ Tây, phương án tổ chức không gian, cảnh quan sẽ được tiến hành như thế nào, để vừa bảo tồn các công trình di tích lịch sử văn hóa tôn giáo, lại vừa mang thêm những nét văn hóa mới hiện đại và đẳng cấp, tạo nên những công trình văn hóa biểu tượng mới, nâng tầm vị thế của Hà Nội trước bạn bè quốc tế và kiến tạo “di sản” cho tương lai?

Phát triển công trình văn hóa đương đại đi đôi với bảo tồn các giá trị lịch sử hiện hữu là nguyên lý cần được tuân thủ nghiêm ngặt. Điều này được đơn vị tư vấn thiết kế làm rõ ngay trong đồ án. Đó là, khuyến khích xây dựng không gian mới hiện đại, đồng thời, gìn giữ các công trình di tích lịch sử, mang đậm nét văn hóa dân tộc.

Theo đó, quy hoạch này sẽ hình thành trục không gian chính mang ý nghĩa tâm linh - cảnh quan, kéo dài từ đường Đặng Thai Mai đến sát Hồ Tây. Điểm khởi đầu là khu vực quảng trường giao thông, giao giữa đường Đặng Thai Mai với đường có lộ giới 22m, tiếp đến là chuỗi công trình di sản văn hóa, tôn giáo kết hợp với khu vực cây xanh cảnh quan, điểm nhấn đặc trưng cho toàn khu vực.

Tiếp nối là không gian quảng trường nghệ thuật dẫn hướng đến mặt nước hồ Đầm Trị và hồ Tây. Kết thúc trục không gian là công trình điểm nhấn nhà hát thành phố và cảnh quan mặt nước hồ Tây.

Phối cảnh dự án nhà hát Opera Hà Nội.

Nhà hát Opera sẽ được thiết kế nổi trên mặt hồ Đầm Trị

Người dân Hà Nội đang rất  quan tâm đến quần thể không gian văn hóa nghệ thuật, du lịch trong quy hoạch. Ông có thể cho biết chi tiết hơn về quần thể này cũng như ý nghĩa của quần thể với đời sống văn hóa của Thủ đô?

Trong tổng thể quy hoạch, không gian văn hóa nghệ thuật, du lịch dự kiến bố trí các khu chức năng: Công viên gốm sứ truyền thống, Quảng trường cảnh quan, Khu vực tổ chức các hoạt động ngoài trời, Nhà hát Opera…

Các hạng mục công trình công cộng này phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế và văn hóa của địa phương, góp phần thay đổi diện mạo cho Hồ Tây nói riêng cũng như góp phần phát triển dịch vụ, du lịch một cách bài bản chuyên nghiệp, tạo ra điểm đến mới cho Thành phố, nâng tầm trải nghiệm văn hóa du lịch tại Thủ đô.

Với việc tăng mật độ không gian cây xanh, đồng thời kết hợp không gian mặt nước vốn có, đồ án này hứa hẹn mang tới không gian văn hóa, nghệ thuật xứng tầm quốc tế nhưng cũng mang những nét đặc trưng riêng của Hà Nội ngàn năm văn hiến.

Theo Nghị quyết về phát triển văn hóa ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng 2030, tầm nhìn đến 2045, Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2045, “ngành công nghiệp văn hóa thủ đô là ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển toàn diện, là động lực phát triển các ngành, lĩnh vực khác, là tiền đề để xây dựng Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao; kinh tế văn hóa phát triển toàn diện, bền vững, trở thành “Thành phố sáng tạo” của khu vực châu Á, thành phố kết nối toàn cầu, trung tâm văn hóa du lịch lớn đặc sắc, có sức cạnh tranh quốc tế. Hình thành một số công trình văn hóa mới của Thủ đô và Việt Nam, mang tính biểu tượng văn hóa có tầm cỡ khu vực và thế giới”….

Trong không gian văn hóa nghệ thuật này, công trình Nhà hát Opera Hà Nội dự kiến sẽ là địa điểm sinh hoạt văn hóa mới cho Thủ đô, đồng thời là cầu nối đưa tinh hoa nghệ thuật thế giới đến với Hà Nội nói riêng cũng như Việt Nam nói chung.

Điểm đến văn hóa mới này cũng sẽ góp phần đưa tinh hoa văn hóa Hà Nội đến với các quốc gia thế giới, thông qua những chương trình giao lưu văn hóa đa quốc gia với quy mô lớn sẽ được tổ chức, góp phần hoàn thành mục tiêu mà Nghị quyết đặt ra.

Khung cảnh Hồ Tây.

Nhà hát Opera ông vừa nhắc đến có gì đặc biệt?

Đây là một điểm nhấn độc đáo. Công trình nhà hát Opera sẽ được thiết kế nổi trên mặt hồ Đầm Trị, không lấp hồ, không ảnh hưởng nhiều đến diện tích mặt nước. Nhà hát cũng mang kiến trúc hiện đại, với mái vòm được lấy cảm hứng từ những con sóng hồ Tây.

Công trình được thiết kế bởi kiến trúc sư Renzo Piano, một huyền thoại của ngành kiến trúc thế giới. Renzo Piano từng dành được nhiều giải thưởng danh giá quốc tế như The Pritzer, được xem là giải Nobel của ngành kiến trúc và nằm trong danh sách 100 người có tầm ảnh hưởng nhất thế giới của tạp chí TIME năm 2006.

Với kiến trúc độc đáo, công nghệ âm thanh và ánh sáng hiện đại, Nhà hát Opera Hà Nội được kỳ vọng sẽ sánh ngang với các nhà hát nổi tiếng thế giới như nhà hát Con Sò tại Sydney (Úc), nhà hát La Scala tại Milan (Ý) hay nhà hát Esplanade (Singapore)… Công trình sẽ góp phần nâng tầm Hà Nội thành điểm đến của những sự kiện văn hóa thế giới, nơi giới nghệ sĩ nổi tiếng thế giới sẽ đến biểu diễn nghệ thuật, giao lưu văn hóa.

Nhà thiết kế lừng danh Renzo Piano là người thiết kế Nhà hát Opera Hà Nội.

Vậy quy mô của nhà hát sẽ như thế nào, để có thể sánh ngang với những nhà hát nổi tiếng thế giới như ông vừa nói?

Dự kiến, Nhà hát sẽ có khán phòng opera với sức chứa 1.822 chỗ, đủ điều kiện tổ chức các sự kiện văn hóa, nghệ thuật quy mô lớn.

Bên ngoài Nhà hát là hệ thống không gian công cộng, gồm nhà triển lãm, khu ẩm thực, quảng trường trung tâm. Bên trong gồm một loạt các phòng chức năng như phòng tập nghệ thuật, thư viện ở tầng trệt, nhà hàng nhỏ có tầm nhìn bao quát toàn cảnh hồ Tây được bố trí ở các tầng cao. Tại đây cũng sẽ có một bảo tàng nghệ thuật tôn vinh các tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng thế giới của Việt Nam.

Chúng tôi tin tưởng rằng, với thiết kế và công năng như vậy, Nhà hát Opera Hà Nội sẽ là một công trình nghệ thuật, một biểu tượng kiến trúc nghệ thuật mới của thế giới.

Nhà hát Opera HN sẽ có nội thất tương tự như Nhà hát Stavros Niarchos của nhà thiết kế Renzo Piano. (Ảnh: Kommon)

Nhiều người cho rằng, Hà Nội chưa đến mức thiếu nhà hát và Nhà hát lớn ở Tràng Tiền vốn vẫn đang là một biểu tượng. Công trình nhà hát mới liệu có cần thiết ngay lúc này, khi Quận Tây Hồ nói riêng và Hà Nội nói chung đang có nhiều vấn đề cấp bách cần giải quyết?

Với tầm vóc phát triển mới, Hà Nội nên có không gian nghệ thuật quy mô, nơi nghệ sĩ trong và ngoài nước giao lưu văn hóa, nơi các sự kiện lớn tầm cỡ quốc tế sẽ được tổ chức, để góp phần không chỉ nâng tầm vị thế của thủ đô nói riêng mà cả Việt Nam nói chung trong mắt bạn bè quốc tế.

Trên thế giới, rất nhiều công trình văn hóa, nhà hát opera đã trở thành biểu tượng một quốc gia, không chỉ nâng tầm điểm đến, tạo vị thế trên trường quốc tế, mà còn đem về doanh thu khổng lồ cho ngành du lịch.

Cụ thể, nhà hát lớn quốc gia Bắc Kinh ra mắt năm 2007 trong kiểu dáng của viên ngọc trai khổng lồ. Cũng từng vấp phải nhiều tranh cãi, song giờ đây, mỗi năm, nhà hát tổ chức thành công đến 1.000 buổi biểu diễn thương mại, 1.000 buổi giáo dục nghệ thuật và thu hút khoảng 3 triệu lượt khách.

Nhà hát Opera Sydney, "kiệt tác của kiến trúc thế kỷ 20" cũng đón gần 11 triệu du khách tới thăm mỗi năm, là một biểu tượng mà hễ nhắc tới nước Úc, người ra sẽ nghĩ ngay đến Opera Sydney trong hình dáng con sò.

Nếu được hiện thực hóa, Nhà hát Opera Hà Nội sẽ không chỉ là niềm tự hào của Hà Nội, mà còn đóng góp vào hành trình phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội của Việt Nam nói chung.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản