Chỉ mặt 4 dự án đình đám một thời đang... "mất hút"
Ra mắt rầm rộ với những cam kết khủng dành cho người mua, nhưng sau đó là điệp khúc chậm tiến độ, hoặc mất hút trên thị trường.

Một trong những dự án đầu tiên cần nhắc tới là Dự án Hanoi Landmark 51 Tower (sau đổi tên thành Tokyo Tower) ngay ngã tư Vạn Phúc - Tố Hữu (quận Hà Đông, Hà Nội) do Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam và Công ty cổ phần Xây dựng Sông Đà 1.01 làm chủ đầu tư.

Dự án Hanoi Landmark 51 Tower (đã đổi tên thành Tokyo Tower)
Dự án Hanoi Landmark 51 Tower (đã đổi tên thành Tokyo Tower)

Sở hữu vị trí được xem là tương đối đắc địa, dự án có 688 căn hộ, quy mô 1 tháp 51 tầng nổi, trong đó có 5 tầng thương mại, 2 tầng kỹ thuật, 1 tầng bể bơi, 43 tầng căn hộ và 4 tầng hầm. Ra mắt rầm rộ vào cuối tháng 11/2015, dự án được các đơn vị phân phối quảng bá "đẳng cấp, chất lượng, uy tín" và do chủ đầu tư có thương hiệu triển khai.

Thế nhưng, dự án sau đó liên tục vướng vào lùm xùm, từ nhập nhằng trong các hợp đồng phân phối do Sàn Hoàng Vương triển khai, đến việc chủ đầu tư không đủ năng lực để triển khai dự án, dự án bán hàng nhưng không tiến hành giải chấp... Đỉnh điểm, đến tháng 9/2018, ngân hàng tài trợ vốn cho dự án quyết định thu giữ tài sản đảm bảo là dự án do chủ đầu tư mất khả năng thanh toán.

Ngân hàng sau đó có cuộc gặp gỡ với các khách hàng đã ký hợp đồng và đóng tiền vào dự án để tìm phương án giải quyết. Tuy nhiên, kể từ đó cho đến nay, dự án vẫn "án binh bất động”, không thể hoàn thiện để bàn giao cho khách hàng. Ghi nhận thực tế hiện nay của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, dự án vẫn quây tôn, không có công nhân thi công, còn một phần không gian bên dưới được tận dụng cho một quán hải sản thuê.

Cách Dự án Hanoi Landmark 51 Tower không xa, Dự án Golden Millennium Tower, số 110 Trần Phú, quận Hà Đông (trước đây có tên là Hattoco) do Công ty cổ phần Du lịch Hà Tây làm chủ đầu tư cũng trong cảnh tương tự. Dự án được khởi công từ năm 2009, cũng từng một thời ra mắt rầm rộ với những quảng cáo về vị trí đắc địa, dịch vụ đẳng cấp và hoàn hảo, nhưng sau nhiều lẫn lỗi hẹn, đến giờ vẫn chưa hoàn thành.

Dự án có quy mô gần 5.000 m2, bao gồm 1 tòa nhà nhà hỗn hợp cao 39 tầng, trong đó từ tầng 1 đến tầng 6 là trung tâm thương mại, dịch vụ và văn phòng, từ tầng 7 đến tầng 39 là căn hộ chung cư. Theo thiết kế, dự án có nhiều hệ thống dịch vụ tiện ích như siêu thị, trung tâm thương mại, nhà hàng, nhà trẻ, hệ thống bể bơi, spa chăm sóc sức khỏe, khu sân vườn dạo bộ... 

 Sau điệp khúc chậm tiến độ, Dự án Golden Millenium vẫn chưa thể hoàn thành
Sau điệp khúc chậm tiến độ, Dự án Golden Millenium vẫn chưa thể hoàn thành

Ở thời điểm đó, chủ đầu tư cam kết sẽ giao nhà cho khách hàng vào cuối năm 2012. Tuy nhiên, đến cuối 2011, dự án đã rơi vào tình trạng đói vốn và phải tạm dừng triển khai khi xây dựng 2 tầng hầm và đến tầng 10 nổi. Đến năm 2013, Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư thương mại Ba Đình (nhà thầu trước đây) có quyết định tái khởi động dự án và dời thời điểm hoàn thành vào quý IV/2014. Tuy nhiên, sau đó dự án lại một lần nữa chậm tiến độ, nhà đầu tư lại tiếp tục lùi thời hạn bàn giao đến quý I/2016, rồi lùi tới cuối 2017 và đến nay vẫn chưa thể về đích để bàn giao cho khách hàng.

Một dự án khác cũng gần chục năm không thể bàn giao là Dự án Dragon Palace (Dragon Plaza) do Công ty cổ phần Tập đoàn Việt Trung làm chủ đầu tư. Với quy mô 17 tầng, dự án xây dựng trên khu đất 3.691 m2 tại Khu đô thị Mễ Trì, Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), khởi công năm 2011 với quảng cáo là mang đậm phong cách hoàng gia châu Âu dựa theo ý tưởng của cung điện Versailles, Luis XIV, Pháp.

Dự kiến hoàn thành vào đầu năm 2014, nhưng sau đó do vướng mắc về pháp lý, dự án đã không thể triển khai và chậm tiến độ đến hiện nay. Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, tại thời điểm triển khai, khu đất xây dựng dự án vẫn được xác định chức năng đất công cộng, mãi tới 2015, trong quy hoạch mới, khu đất này mới được xác định chức năng đất hỗn hợp và phải tới 2017, khu đất mới được điều chỉnh từ chức năng công cộng đơn vị ở (chợ) để triển khai dự án đầu tư Tòa nhà hỗn hợp dịch vụ thương mại và căn hộ (chức năng hỗn hợp).

 Dự án Dragon Palace bị vướng pháp lý nên cũng bị treo nhiều năm trời
Dự án Dragon Palace bị vướng pháp lý nên cũng bị treo nhiều năm trời

Được biết, hồi tháng 12/2018, nhiều ý kiến đã được gửi tới UBND TP. Hà Nội đề nghị Thành phố không phê duyệt quy hoạch xây dựng khu nhà cao tầng tại ô CC3 thuộc Khu đô thị Mỹ Đình - Mễ Trì để đảm bảo việc cấp thoát nước, hạ tầng cơ sở, yêu cầu chủ đầu tư thực hiện đúng quy hoạch.

Ngoài các dự án kể trên, một dự án mới cũng nằm trong danh sách nguy cơ chậm tiến độ dài hạn là Dự án Hanoi Paragon do Công ty cổ phần Xây dựng và thương mại VT làm chủ đầu tư. Đây là tổ hợp khu nhà ở, văn phòng và dịch vụ cao cấp với tổng diện tích là 8.200 m2 và được quảng cáo là một dự án có "phong cách sống Singapore giữa lòng Hà Nội".

 Dự án Hanoi Paragon có tên trong danh sách những Dự án chậm tiến độ hơn 24 tháng được báo cáo lên HĐND TP. Hà Nội
Dự án Hanoi Paragon có tên trong danh sách những dự án chậm tiến độ hơn 24 tháng được báo cáo lên HĐND TP. Hà Nội

Vào thời điểm ra mắt, dự án được ghi nhận là một trong những dự án có tốc độ thanh khoản tốt nhất, nhưng sau đó ít lâu, dự án đã bị phanh phui nhiều vấn đề, như chưa hoàn thành các nghĩa vụ về tài chính, chưa nộp tiền sử dụng đất, đồng thời chủ đầu tư cũng có tiền sử đã thu tiền của khách hàng nhưng không triển khai tại một số dự án trước đó.

Trong báo cáo của UBND TP. Hà Nội với HĐND Thành phố cuối 2018, dự án cũng đã được liệt kê trong danh sách dự án chậm tiến độ thực hiện hơn 24 tháng. Cùng thời điểm, dự án cũng vướng tranh chấp giữa đơn vị thi công và nhà cung cấp vật tư khi đơn vị thi công bị tố không hoàn tất các khoản thanh toán với nhà cung cấp bê tông.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản