Chủ tịch VACC Nguyễn Quốc Hiệp: Nợ đọng khiến doanh nghiệp xây dựng đứng trước nguy cơ phá sản
Kỳ Thành - 11/08/2022 11:46
 
Các khoản nợ đọng công trình vốn đầu tư công dù đã kết thúc 2-3 năm trước, nhưng chưa quyết toán và thanh toán được, trong khi các doanh nghiệp vẫn phải vay vốn và trả lãi ngân hàng.

Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc giữa Thủ tướng Chính phủ với các doanh nghiệp có chủ đề "Chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững", ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC), Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư bất động sản Toàn cầu (GP Invest) cho biết, trong 20 năm qua, các doanh nghiệp xây dựng Việt Nam đã nỗ lực vượt bậc trong việc tiếp cận công nghệ mới cả về kỹ thuật thi công và tổ chức quản lý.

“Các doanh nghiệp xây dựng chúng ta từ chỗ lạc hậu yếu kém trong khu vực hiện đã nằm trong top đầu ASEAN, góp phần tích cực làm thay đổi bộ mặt đất nước và đóng góp vào sự phát triển kinh tế chung với tỷ lệ khoảng 12% GDP hằng năm”, ông Hiệp khẳng định. 

Sau dịch COVID-19, các doanh nghiệp xây dựng Việt Nam tham gia tích cực vào chương trình phục hồi kinh tế xã hội, qua đó đẩy nhanh tốc độ sản xuất kinh doanh ngay từ đầu năm 2022.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam. (Ảnh: Nhật Bắc)

Tuy nhiên, theo ông Hiệp, với tình hình bão giá vật liệu xây dựng tăng cao đến 18-40% suốt từ 2021 đến nay, cộng với những khó khăn về nguồn nhân lực  do hậu quả của COVID-19 và công việc về xây dựng cũng trở nên hạn hẹp, khó khăn do những vướng mắc về thủ tục pháp lý trong việc đầu tư nên tình hình chung các doanh nghiệp xây dựng từ nay đến cuối năm vẫn còn rất nhiều khó khăn.

Phần lớn doanh nghiệp trong ngành xây dựng dự kiến chỉ đạt 80-90% kế hoạch đặt ra về doanh thu và sản lượng. Nhưng điều đáng lo ngại là dòng tiền và hiệu quả kinh doanh sụt giảm mạnh vì chi phí lớn.

Nêu lên một số vướng mắc chính, ông Hiệp cho biết, vấn đề nợ đọng đang khiến các doanh nghiệp xây dựng, đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đứng trước nguy cơ phá sản nếu không thu hồi được nợ.

Theo ông Hiệp, khoảng 90% doanh nghiệp xây dựng là doanh nghiệp nhỏ và vừa, quy mô vốn dưới 100 tỷ đồng. Các doanh nghiệp lớn trong ngành cũng chỉ phổ biến quy mô vốn từ 500-1.000 tỷ. Chưa đến 10 doanh nghiệp có vốn trên 1.000 tỷ.

“Các doanh nghiệp xây dựng chủ yếu dựa vào vốn tín dụng, vốn tạm ứng từ chủ đầu tư. Các doanh nghiệp hết sức khó khăn, vì nợ ng thì không được tính lãi nhưng doanh nghiệp vẫn phải trả lãi ngân hàng”, ông Hiệp nêu thực trạng.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, các tổng công ty, tập đoàn xây dựng hầu hết đều có nợ đọng từ vài trăm đến vài nghìn tỷ, như Binh đoàn Trường Sơn vốn 800 tỷ đồng mà nợ đọng đến 1.600 tỷ đồng. Chi phí lãi vay lớn, lãi suất thông thường khoảng 9-10%/năm nên có doanh nghiệp một quý năm 2022 đạt doanh thu đến 3.000 tỷ nhưng lãi chỉ đạt xấp xỉ 10 tỷ.

Nợ đọng được phân làm 2 loại là nợ công trình vốn đầu tư công và vốn đầu tư ngoài ngân sách.

Đối với nợ công trình vốn đầu tư công, các khoản nợ này chủ yếu từ các công trình đã kết thúc 2-3 năm trước nhưng chưa quyết toán và thanh toán được do có phát sinh hoặc do hồ sơ thanh toán chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt nên vẫn còn tồn đọng.

Đối với các dự án ngoài ngân sách, ông Hiệp cho biết, một số chủ đầu tư chây ì cố tình không thanh quyết toán đặc biệt ở 25% cuối của dự án mặc dù đã đưa vào khai thác sử dụng.

Để giải quyết vấn đề này, ông Hiệp đề nghị Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT và Bộ Tài chính rà soát lại các chủ đầu tư vốn ngân sách để thống kê chính xác số lượng nợ tồn xây dựng trong các năm trước, báo cáo Thủ tướng phương án cắt hết các nợ “dồn toa” để giải quyết dứt điểm cho các nhà thầu.

Thứ hai, đối với vốn đầu tư ngoài ngân sách, đề nghị Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT và Bộ Xây dựng nghiên cứu chế tài yêu cầu chủ đầu tư phải có bảo lãnh thanh toán của ngân hàng cho 20% vốn thanh toán cuối dự án, khi dự án kết thúc để đảm bảo sự bình đẳng cho các nhà thầu với chủ đầu tư. Trước mắt, có chế tài cụ thể để cơ quan chức năng giải quyết cho các khoản nợ đọng kể cả biện pháp công bố tình trạng chây ì thanh toán của một số chủ đầu tư.

Cũng liên quan đến vấn đề dòng tiền của doanh nghiệp xây dựng, ông Hiệp cho biết, khi thực hiện các Hợp đồng xây dựng, các doanh nghiệp chỉ được tạm ứng 10-15% giá trị hợp đồng nên khi triển khai thực hiện phải sử dụng vốn tín dụng ngân hàng để mua vật tư, huy động xe, máy, nhân công…

“Thực chất công trường xây dựng cũng phải lo sản xuất, lo đời sống, công ăn việc làm cho người lao động không khác gì một nhà máy nhưng tín dụng cho các doanh nghiệp xây dựng lại hoàn toàn chưa được ưu tiên như cho sản xuất, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay nhiều ngân hàng bị siết room tín dụng nên tín dụng cho doanh nghiệp xây dựng cũng bị hạn chế và mặt bằng lãi suất còn cao”, ông Hiệp nói.

Do đó, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam đề xuất Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước có hướng dẫn bổ sung những ưu tiên hợp lý cho tín dụng xây dựng, đặc biệt là các dự án trọng điểm theo quan điểm hỗ trợ cho sản xuất.

Liên quan đến những khó khăn của các doanh nghiệp xây dựng, ngày 18/8 tới đây, Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) sẽ phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo với chủ đề "Nợ đọng xây dựng - kiến nghị giải pháp".

Hội thảo sẽ tập trung thảo luận các vấn đề vướng mắc liên quan đến thủ tục thanh toán, quyết toán, tranh chấp hợp đồng và giải quyết công nợ, trên cơ sở đó đề xuất kiến nghị với Chính phủ, các bộ ngành chức năng biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xây dựng để sớm đưa công trình vào khai thác sử dụng.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản