Đà Nẵng: Lời giải nào cho bài toán bức thiết về nhà ở?
Linh Đan - 22/12/2022 10:08
 
Nhu cầu nhà ở tại Đà Nẵng không chỉ bức thiết với đối tượng chính sách, công nhân làm việc trong khu công nghiệp, mà còn là mong mỏi của chính những hộ dân đã từng bị giải tỏa.
Người dân sau khi nhường các diện tích đất lớn cho các Dự án ở Đà Nẵng vẫn “khát” nhà ở.
Người dân sau khi nhường các diện tích đất lớn cho các dự án ở Đà Nẵng vẫn “khát” nhà ở. Ảnh: P.V

Cùng với tốc độ đô thị hóa diễn ra khá nhanh, nhiều hộ dân ở Đà Nẵng đã ủng hộ chủ trương giải tỏa, đền bù, nhường lại các khu đất có diện tích lớn để thực hiện các dự án, công trình. Nhưng có một thực tế là sau đó, nhiều thế hệ trong gia đình họ phải sinh sống trong những căn nhà chật hẹp.

Tại kỳ họp Hội đồng nhân dân TP. Đà Nẵng vừa diễn ra, ông Lê Phú Nguyện, Phó giám đốc Sở Nội vụ TP.Đà Nẵng cho rằng, Đà Nẵng nên quan tâm hơn đến những đối tượng này. Ông Nguyện cho biết, ở quận Sơn Trà, nhiều hộ dân trước đây nhà, vườn rộng đến 2.000 - 3.000 m2, thậm chí là 5.000 - 7.000 m2. Sau khi giải tỏa, họ chỉ đủ để xây nhà và nộp tiền tái định cư. Nhưng đến nay, sau 5 - 10 năm, con cái họ lớn lên và có thêm 5 - 7 đứa cháu trong một căn nhà, nên vấn đề nhà ở trở nên rất bức thiết. Cử tri các phường của quận Sơn Trà kiến nghị UBND TP. Đà Nẵng nên có chính sách ưu tiên đối với những hộ trước đây thành phố đã thu hồi nhiều phần đất, nhưng nay có hiện trạng nhà ở rất khó khăn.

Theo đánh giá của ông Nguyện, hơn 15 năm qua, Đà Nẵng đẩy mạnh khai thác quỹ đất để đầu tư phát triển. Nhưng chính từ đặc điểm phát triển đó cũng để lại một số tồn tại đặc thù.

Cụ thể là, không ít hộ dân vốn trước đây có đất ở, đất vườn rất rộng sau khi thu hồi đất, người ta được bố trí 2 - 3 lô thì bán 1 lô để nộp tiền, bán 1 lô lấy tiền làm nhà, nên chỉ còn 1 lô đất với 5 - 7 đứa con và cháu. “Chúng ta phải quan tâm trở lại, ngoài số đông người dân được hưởng lợi từ chính sách này, làm giàu chính đáng thì cũng còn một bộ phận người dân gặp khó khăn từ chính sách này”, ông Nguyện nói.

Cho rằng, Đà Nẵng đã có chính sách nghề và chuyển đổi nghề, nhưng không phải tất cả nông dân của thành phố khi đô thị hóa thì trở thành cư dân đô thị ngay, ông Nguyện dẫn chứng: “Chúng ta thấy trên đường đi làm vẫn có những vườn rau, báo chí cũng đưa tin thỉnh thoảng có những đàn bò đi trên phố. Những chỉ dấu không phải từ người nông dân một sớm một chiều trở thành cư dân đô thị ngay. Khi không còn đất, không còn vườn thì họ chỉ còn là lao động phổ thông nên họ rất khó khăn để lo cho con cái, có được nhà ở. Người dân ủng hộ chủ trương TP. Đà Nẵng để giải tỏa đền bù để phát triển từ nguồn lực đất đai thì chúng ta phải quan tâm lại đối tượng này”.

Theo đó, ông Nguyện kiến nghị trong Chương trình phát triển nhà ở điều chỉnh, nhóm các hộ khó khăn về nhà ở cần được ưu tiên trong chính sách về nhà ở. “Tôi đề nghị bổ sung thêm đối tượng này vào, vì họ đã có những ủng hộ, đóng góp lớn cho sự phát triển TP. Đà Nẵng, hỗ trợ cho họ đảm bảo chỗ ở. Đặt vào vị trí của người dân thì đúng là trước đây, nhà đất rộng bao la nhưng nay con cái ngủ trên giường chiếu chật hẹp như thế thì rất áy náy. Rất mong lãnh đạo TP. Đà Nẵng quan tâm đến ý kiến này của cử tri Sơn Trà”, ông Nguyện nhấn mạnh.

Theo UBND TP. Đà Nẵng, trên thực tế, Đà Nẵng vẫn chưa thực hiện việc hỗ trợ suất tái định cư tối thiểu cho dự án cụ thể nào. Nguyên nhân là các khu tái định cư không có sẵn trước quỹ đất ở gắn liền với nhà ở để bố trí cho dân vào ở; quỹ nhà ở chung cư, nhà ở xã hội đã có sẵn rất ít, không đảm bảo nhu cầu bố trí cho dân vào ở khi bào giao mặt bằng để giải quyết tái định cư bằng nhà ở.

Trong khi đó, về hỗ trợ suất tái định cư tối thiểu bằng tiền, Đà Nẵng cũng chưa xây dựng quy định cụ thể để có thể xác định giá trị suất tái định cư tối thiểu bằng tiền phù hợp với tình hình thực tế của thành phố, như ít khu tái định cư tập trung, phương án tái định cư xây dựng với nhiều khu vực bố trí tái định cư, trên nhiều địa bàn để hộ giải tỏa lựa chọn, hộ giải tỏa được bố trí tái định cư trên nhiều địa bàn khác nhau…

Vì thế mà tại Tờ trình số 214/TTr-UBND ngày 6/12, UBND TP. Đà Nẵng đã đề nghị HĐND TP. Đà Nẵng thông qua nội dung Chương trình phát triển nhà ở TP. Đà Nẵng giai đoạn 2021 - 2030, trong đó có muc tiêu: “Phát triển nhà ở phải đảm bảo công bằng, đáp ứng nhu cầu về xây mới và cải tạo nhà ở của người dân theo hướng nâng cao chất lượng cuộc sống; đảm bảo chất lượng xây dựng công trình nhà ở đối với các loại hình phát triển nhà ở; phát triển nhà ở phù hợp với khả năng chi trả của hộ gia đình có thu nhập trung bình, thu nhập thấp và các đối tượng chính sách; tăng tỷ trọng nhà ở có diện tích trung bình, giá cả hợp lý với khả năng chhi trả của đa số người dân; tập trung nguồn lực thực hiện rà soát, xóa nhà ở tạm, đơn sơ và giảm tối đa nhà bán kiên cố…”.

Tuy vậy, người dân có đất giải tỏa với diện tích lớn vẫn mong mỏi Đà Nẵng “cụ thể hóa” hơn nữa quan điểm này, để áp dụng vào thực tế cho phù hợp với nhu cầu về nhà ở của họ.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản