Dân nhập cư và giấc mơ "an cư lạc nghiệp"
Đến TP.HCM - trung tâm kinh tế của cả nước để lập nghiệp, ai cũng mong ước mua được căn nhà để an cư, nhưng với nhiều người, đây vẫn mãi chỉ là giấc mơ.

Quan điểm “an cư lạc nghiệp” luôn nằm sâu trong tâm trí của người Việt, nhất là với những người lao động từ tỉnh lẻ lên thành phố lớn để lập nghiệp. Bởi đối với họ, sở hữu một căn nhà là mang ý nghĩa ổn định, khẳng định sự trưởng thành và là nền móng cho một tương lai vững chắc.

Chính vì thế, nhiều người đã nỗ lực làm việc bất kể ngày đêm, hay ngày nghỉ, chỉ để mong có đủ tiền để mua được căn nhà nơi thành phố. Nhưng dường như, giấc mơ an cư của họ đang ngày càng xa vời, khi giá nhà ngày càng tăng cao.

Như câu chuyện của vợ chồng anh An, quê ở Nghệ An, vào TP.HCM làm công nhân đến nay đã được gần 15 năm, nhưng vẫn phải thuê trọ. Căn phòng chỉ rộng khoảng 20 m2, bao gồm cả nhà vệ sinh và gác lửng, là chỗ ở của 5 thành viên trong gia đình.

Anh An cho biết, cuộc sống tạm bợ trong khu nhà trọ bất tiện đủ thứ. Trời mưa thì ngập, nắng thì nóng như lò than, môi trường xung quanh thì mất vệ sinh, an ninh không đảm bảo. Cũng chính vì chỗ ở ẩm thấp, nên cháu nhỏ nhà anh thường xuyên ốm đau, vợ anh nhiều lần phải xin nghỉ làm để ở nhà chăm sóc cho cháu.

Theo nhẩm tính, thu nhập của hai vợ chồng mỗi tháng chỉ khoảng 10 triệu đồng. Tiền thuê nhà và điện, nước đã mất khoảng 3 triệu đồng. Sau khi trừ cả tiền học hành, ăn uống, chi phí sinh hoạt cho 5 người trong một tháng, thì cũng chẳng dư ra được bao nhiêu, thậm chí có tháng còn thiếu.

“Chúng tôi cũng ao ước mua được căn nhà nhỏ tại TP.HCM, vì các con đang lớn dần, không thể ở mãi trong căn phòng trọ chật chội như thế này được. Nhưng ước mơ có lẽ cũng chỉ mãi là mơ ước. Vì cứ đến kỳ nhận lương là lại lo đóng tiền nhà, với chi phí sinh hoạt. Tiền đâu mua nhà”, anh An nói.

Tương tự, vợ chồng anh Hoàng, hiện đang trọ tại quận 2, TP.HCM chia sẻ, ý định mua nhà đã hình thành cách đây 3 năm, nhưng đến thời điểm hiện tại, tiền tiết kiệm của hai vợ chồng đang có khoảng cách khá xa với giá nhà. Không những vậy, anh chị đã bỏ không ít thời gian để đi tìm, nhưng không có nhiều lựa chọn. Ngay cả những dự án ở xa trung tâm cũng có giá bán khá cao.

“Cầm trong tay cuốn sổ tiết kiệm 400 triệu đồng để đi tìm những dự án chung cư có giá dưới 1 tỷ đồng, nhưng tìm cả năm nay cũng không được”, anh Hoàng nói và cho biết thêm, từ cuối năm 2018, anh đã chạy ra khu Đông, rồi khu Tây và khu Nam, cứ ở đâu có thông tin bán nhà chung cư giá rẻ là đi coi, nhưng việc mua nhà không phải chuyện dễ. Bởi nếu có dự án giá rẻ thì cũng đã hết hàng, dự án còn hàng thì phía ngân hàng không cho vay, vì không đủ điều kiện.

Chị Hương, một môi giới bất động sản có nhiều năm kinh nghiệm cho biết, có những cặp vợ chồng cầm trong tay 600 - 700 triệu đồng nhưng vẫn không tìm được nhà. Nếu tìm nhà gần chỗ làm thì giá cao, gánh nặng tiền đi vay. Còn nếu giá mềm hơn chút, khoảng cách di chuyển đi làm, đưa đón con cái lại là câu chuyện họ cân nhắc.

Hơn nữa, không chỉ riêng đối với công nhân, mà những người là cán bộ, viên chức có thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng cũng khó có thể mua được nhà trong thời điểm hiện tại. Bởi với khoản thu nhập đó, sau khi trừ đi các khoản sinh hoạt phí, số tiền còn lại khó có thể đảm bảo nghĩa vụ trả nợ ngân hàng.

Cụ thể, nếu lựa chọn mua căn hộ có giá khoảng 1,7 tỷ đồng, mà vay ngân hàng 1 tỷ đồng với thời hạn 15 năm, thì mỗi tháng sẽ phải để ra khoảng 15 - 16 triệu đồng để trả góp cho ngân hàng. Vì vậy, khả năng cán bộ, viên chức mua được căn nhà đã quá khó, chứ chưa nói gì đến nhhững người có thu nhập trung bình và thấp.

Theo chị Hương, giá nhà đất hiện tại ở TP.HCM đã tăng lên mức quá cao, vượt khả năng thanh toán của nhiều người có nhu cầu về nhà ở. Hơn nữa, thị trường bất động sản TP.HCM trong năm qua gần như không có dự án mới, điều này càng làm cho những dự án cũ được đà tăng giá.

“Vòng xoắn ốc này có thể sẽ còn dài hơn nữa nếu không có sự tác động từ phía Nhà nước”, chị Hương nói.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản