Điểm mặt chủ đầu tư BĐS bội ước
- 26/04/2013 07:20
 
TIN LIÊN QUAN

Sự bất tín của chủ đầu tư dự án bất động sản đã dẫn đến bức xúc đến mức, có khách hàng tuyên bố khởi kiện chủ đầu tư, nếu dự án được phép chuyển thành nhà ở xã hội. Đó là khách hàng tại Dự án AZ Thăng Long (còn có tên là BrightCity, tại Hoài đức, Hà Nội) của Công ty TNHH Bánh kẹo Thăng Long.

Đây là công ty con của Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản AZ - AZLand), do ông Bùi Viết Sơn làm Tổng giám đốc. Công ty này nổi tiếng với hàng loạt dự án dở dang, chậm tiến độ từ năm 2010 đến nay, như AZ Lâm Viên, AZ Sky Định Công, Hùng Vương - Tiền Châu (Vĩnh Phúc)…

Theo ông Nguyễn Văn Quân, khách mua nhà tại Dự án AZ Thăng Long, ngày 19/4/2011, ông đã ký hợp đồng đặt cọc mua căn hộ tại Dự án AZ Thăng Long với Công ty TNHH Bánh kẹo Thăng Long. Theo Hợp đồng, ông Quân được quyền mua căn hộ số 08, tháp A1, tầng 9, có diện tích 88 m2, với giá gốc là 16 triệu đồng/m2.

Ông Quân đã nộp 572 triệu đồng cho Công ty TNHH Bánh kẹo Thăng Long. Đến tháng 11/2012, khi hợp đồng đặt cọc hết hạn, thấy Dự án vẫn chưa thi công xong móng, ông Quân đã làm đơn yêu cầu thanh lý hợp đồng và hoàn trả tiền, nhưng chủ đầu tư không thực hiện.

Trả lời về yêu cầu thanh lý hợp đồng của khách hàng, ông Bùi Viết Sơn cho biết: “Quý khách hàng yêu cầu thanh lý hợp đồng và các khoản tiền theo quy định của Hợp đồng gây ra rất nhiều khó khăn cho Công ty về tài chính, thậm chí có thể khiến Công ty lâm vào tình trạng phá sản… Do vậy, yêu cầu của các khách hàng, chúng tôi chưa thể đáp ứng được trong lúc này”.

Ngày 13/12/2012, ông Quân đã làm đơn gửi Tòa án Nhân dân quận Đống Đa (Hà Nội) yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với Công ty TNHH Bánh kẹo Thăng Long, với lý do công ty này đang mất khả năng thanh toán các khoản nợ quá hạn và dự án của Công ty nhiều năm không làm xong móng. Ngày 28/1/2013, Tòa án Nhân dân quận Đống Đa đã tiếp nhận đơn khởi kiện của ông Quân và ra thông báo nộp tiền lệ phí phá sản.

Bức xúc hơn khi nghe tin, Dự án AZ Thăng Long có thể sẽ được chuyển đổi thành dự án nhà ở xã hội, ông Quân cho biết, ông sẽ kiện việc chuyển đổi này, nếu xảy ra.

Một chủ đầu tư cũng được xếp hạng “chúa chổm” trên thị trường bất động sản Hà Nội là Công ty cổ phần Bất động sản Megastar (Megastar Land), với hàng loạt dự án tai tiếng, như Chung cư C2 Xuân Đỉnh (huyện Từ Liêm), Chung cư Vĩnh Hưng (409 - Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai), Trung tâm thương mại - Văn phòng - Chung cư cao cấp Hesco (Văn Quán, Hà Đông), Trung tâm thương mại - Khách sạn Hạ Long (TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh)…

Tổng cộng, công ty này đã huy động từ khách hàng, nhà đầu tư thứ cấp số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng, nhưng đến nay, các dự án đều trong tình trạng dở dang và đã tạm dừng thi công từ lâu. Hàng trăm khách mua nhà của Megastar Land đang điêu đứng khi các dự án chậm tiến độ, trong khi vốn huy động bị chủ đầu tư “treo nợ”. Nhiều khách hàng đã đến trụ sở công ty này tại số 434 - Trần Khát Chân (Hai Bà Trưng, Hà Nội) tìm Giám đốc công ty là ông Nguyễn Hoàng Long để đòi vốn góp, nhưng không thể gặp được ông này.

Ngoài ra, có thể điểm mặt hàng loạt chủ đầu tư dự án bất động sản bội ước với khách hàng thời gian qua, như Công ty cổ phần Xây dựng và Dịch vụ 1/5 (với Dự án Khu đô thị Thanh Hà - Cienco 5, đã huy động của khách hàng hơn 780 tỷ đồng), Công ty Sông Đà Thăng Long (Dự án Usilk City tại Hà Đông, Hà Nội, đã huy động của khách hàng hơn 4.000 tỷ đồng), Công ty cổ phần Dịch vụ cao cấp Dầu khí - PVCR (Dự án Hanoi Time Tower), Công ty TNHH Bất động sản Ngọc Lan (Dự án Chung cư 83 - Ngọc Hồi)…

Với thực tế như vậy, người mua không còn mặn mà với kiểu “mua nhà trên giấy”, khi có quá nhiều lời hứa hẹn bị chủ đầu tư bội ước.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản