Nhà tái định cư: Tiền nào, của ấy
Giá thấp, được trả chậm với lãi suất ưu đãi, nhà tái định cư không chỉ giải quyết bài toán chỗ ở cho những gia đình có nhà, đất phải giải tỏa để xây dựng công trình công cộng, mà còn là cơ hội có chỗ an cư của nhiều người dân có thu nhập thấp. Tuy nhiên, chất lượng của nhà tái định cư rất kém, đúng như câu thành ngữ “tiền nào của nấy”.
Nhà tái định cư sau hơn 10 năm hoạt động đã xập xệ như các khu tập thể cũ có tuổi đời 40 - 50 năm. Ảnh: Dũng Minh
Nhà tái định cư sau hơn 10 năm hoạt động đã xập xệ như các khu tập thể cũ có tuổi đời 40 - 50 năm. Ảnh: Dũng Minh

Cách đây mấy năm, có thể nói rằng, nhà tái định cư đã từng là niềm hy vọng của khá nhiều người thu nhập thấp, vì giá bán thấp, lại được vay lãi suất ưu đãi.

Hầu hết các dự án nhà tái định cư đều áp dụng tiến độ thanh toán chỉ cần đóng tiền khoảng 10% là được nhận nhà, trong khi giá nhà tái định cư thường thấp hơn khoảng 20-30% so với giá sản phẩm tương tự trên thị trường. Do vậy, thời điểm này, dù tiền chênh xuất hiện ở nhiều dự án nhà tái định cư, nhưng vẫn rất hút người mua, bởi kể cả tiền chênh, thì người mua cũng chỉ bỏ ra số tiền ban đầu khoảng 40% giá trị căn hộ là đã có nhà ở. Số tiền còn lại được trả chậm với lãi suất thấp.

Đây gần như là lựa chọn tốt nhất đối với những người thu nhập thấp, bởi cùng thời điểm, giá nhà thương mại có giá trị trên dưới 1,5 tỷ đồng/căn, trong khi lãi suất vay ngân hàng lên tới 14 - 15%/năm, vượt quá khả năng của nhiều người.

Tuy nhiên, niềm vui của cư dân các khu tái định cư không kéo dài được lâu. Bởi giá rẻ thường đi liền với chất lượng thấp. Kiểu xây dựng theo cơ chế bao cấp, bất kể chất lượng thế nào cũng được đưa vào sử dụng, không có chủ quản lý đích thực..., khiến nhà tái định cư nằm “bên lề” quản lý và xuống cấp rất nhanh, ảnh hưởng đến cuộc sống của cư dân.

Điển hình cho câu chuyện này là khu nhà tái định cư Nam Trung Yên. Được đưa vào sử dụng từ năm 2005, khu tái định cư Nam Trung Yên được coi là một trong những khu tái định cư kiểu mẫu ở Thủ đô. Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn đưa vào sử dụng, công trình đã bị xuống cấp trầm trọng, rõ nhất là hệ thống tường nhà nhiều chỗ bị bong tróc, nứt nẻ, nước sinh hoạt ngấm từ tầng trên xuống tầng dưới… Không những vậy, thang máy thường xuyên hỏng, thậm chí không hoạt động cả tuần, hành lang nhem nhuốc bốc mùi xú uế, nước chảy tràn lan, rác rưởi bủa vây..., gây bức xúc cho người dân.

Không chỉ khu tái định cư Nam Trung Yên, mà tình trạng xuống cấp nhanh cũng xảy ra tại khu tái định cư Đền Lừ (phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai). Theo ghi nhận của phóng viên Đầu tư Bất động sản, toàn bộ khu nhà đã xuất hiện tình trạng rêu mốc, tường ẩm ướt, gạch nền tầng để xe sụt lún, biến dạng, hở cả đường ống thoát nước ngầm, vườn hoa biến thành nơi trồng rau xanh, nhiều nơi trở thành nơi tập kết rác thải sinh hoạt.

Không chỉ có vậy, tại khu tái định cư Đền Lừ, nhiều hộ dân còn tự ý cơi nới thành các chuồng cọp, gây mất cảnh quan toàn bộ khu nhà.

Ngoài chất lượng xây dựng của những kém, thì người mua nhà cũng gặp rủi ro khi mua nhà tái định cư, bởi quy định hạn chế chuyển nhượng nhà tái định cư trong vòng 10 năm, nên dù bức xúc, cũng khó chuyển đi vì không được chuyển nhượng khi chưa đủ thời gian quy định.

Chưa kể, với những người mua lại nhà tái định cư, giao dịch chủ yếu dựa trên niềm tin, nên việc nắm được hoàn cảnh, tính cách của chủ cũ căn hộ rất quan trọng. Thực tế, đã có không ít trường hợp người mua gặp phải những vị chủ cũ tác quái khiến họ không ít lần lâm vào cảnh “uất đến tận cổ”.  Với những định kiến xấu về nhà tái định cư, các hộ dân tại đây khó tìm người mua để chuyển nhượng.

Thực trạng trên của các khu nhà tái định cư cho thấy, khó có thể có loại hàng hóa vừa “ngon - bổ - rẻ”.   

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản