Doanh nghiệp địa ốc khóc ròng vì “đứa con lai” officetel
Gia Phú - 16/08/2019 15:22
 
Từ năm 2017 tới nay, khi loại hình căn hộ văn phòng (officetel) bị dừng cấp phép vì luật chưa công nhận loại hình căn hộ này, nhiều doanh nghiệp địa ốc khóc ròng vì phải bỏ hoang quỹ đất, dù đã chuẩn bị tiền và nhân lực để phát triển dự án có officetel.
Một Dự án officetel tại đường Nguyễn Hữu Thọ, quận 7, TP.HCM. Ảnh: Gia Phú
Một dự án officetel tại đường Nguyễn Hữu Thọ, quận 7, TP.HCM. Ảnh: Gia Phú

Đành bỏ hoang quỹ đất

Bà Lê Thị Bích Ngọc, Phó tổng giám đốc Him Lam Land cho biết, năm 2017, khi xin giấy phép xây dựng dự án chung cư tại quận 7, TP.HCM, doanh nghiệp này chỉ được cấp phép với mật độ xây dựng khoảng 6%, tức là chỉ được xây khoảng 10 tầng. Để đảm bảo lợi nhuận của doanh nghiệp, bà Ngọc đã xin tăng thêm mật độ xây dựng của dự án bằng hình thức căn hộ officetel. Loại hình căn hộ này sẽ không tính mật độ dân số, nên dự án có thể tăng lên được gần 20 tầng.

“Ngay sau khi được sự chấp thuận của chính quyền địa phương, chúng tôi làm thủ tục đóng tiền sử dụng đất cho Thành phố. Thế nhưng, vừa đóng xong tiền, thì Thành phố ra văn bản ngừng cấp phép dự án có căn hộ officetel. Vậy là tới nay, dự án của Him Lam Land vẫn bị bỏ hoang, không thể xây dựng”, bà Ngọc nói.

Không chỉ Him Lam Land, nhiều chủ đầu tư khác cũng đành bỏ hoang quỹ đất dù tiền và nhân lực đã chuẩn bị kỹ để phát triển dự án có officetel. Trong đó, không thể chờ đợi đến khi căn hộ officetel được cấp phép trở lại, nhiều doanh nghiệp đã nghĩ ra một hình thức căn hộ mới để xây dựng.

Đơn cử, đầu năm 2019, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển bất động sản An Gia tiến hành phát triển dự án có officetel tại số 89 Hoàng Quốc Việt (quận 7, TP.HCM) bằng bình thức căn hộ khách sạn (smartel) với tên gọi Smartel The Signial. Theo chủ đầu tư, smartel có nghĩa là smarthome (nhà thông minh) + hotel (khách sạn).

Nhưng không phải ai cũng may mắn như Công ty An Gia. Dự án Lavida Plus của Công ty cổ phần Đầu tư Quốc Cường Gia Lai mới đây đã bị Sở Xây dựng TP.HCM yêu cầu ngừng kinh doanh, vì nội dung dự án đã thay đổi, pháp lý dự án phải điều chỉnh bổ sung, nên điều kiện huy động vốn không còn đảm bảo.

Trước khi chuyển nhượng cho Quốc Cường Gia Lai phát triển block A của dự án, chủ đầu tư ban đầu là Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận đã có văn bản gửi cơ quan chức năng đề nghị hoán đổi vị trí 2 block A và B (có chức năng officetel) cho nhau và đã được chấp thuận. Ban Quản lý khu Nam cũng đã có quyết định phê duyệt điều chỉnh cục bộ đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 của dự án này.

Mong được công nhận “đứa con lai”

Trước tình trạng khó khăn hiện nay của loại hình căn hộ officetel, nhiều chủ doanh nghiệp bất động sản vẫn cố gắng chờ đợi để được chính quyền chấp thuận cho loại hình “con lai” này được tiếp tục phát triển trên thị trường địa ốc.

Bà Ngọc cho biết, khi doanh nghiệp xin giấy phép xây dựng, cơ quan chức năng sẽ đánh giá yếu tố mật độ dân số khu vực để cấp mật độ xây dựng cho dự án. Nhiều dự án có quỹ đất lớn, nhưng số lượng căn hộ lại thấp và doanh nghiệp xây dựng không có lợi nhuận, nên đành bỏ hoang quỹ đất.

Theo bà Ngọc, nếu TP.HCM chấp thuận cho loại hình căn hộ officetel được phát triển, thì sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển dự án vì loại hình căn hộ này không phải tính mật độ dân số, nên sẽ giúp doanh nghiệp tăng mật độ xây dựng cho dự án.

Đại diện Quốc Cường Gia Lai cho rằng, việc dừng cấp phép cho dự án officetel là điều khá bất lợi cho doanh nghiệp, bởi không ít doanh nghiệp như Quốc Cường Gia Lai đã bán hết sản phẩm, đã xây dựng gần xong dự án, nhưng chỉ vì căn hộ officetel mà  phải dừng lại.

Đề xuất xây dựng Nghị định về quản lý vận hành officetel

Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ cho biết, cơ quan này gặp nhiều khó khăn khi nghiên cứu, xây dựng ban hành Thông tư về Quy chế quản lý vận hành loại hình công trình văn phòng kết hợp lưu trú ngắn hạn (căn hộ văn phòng hay officetel).

Về cơ sở pháp lý và thẩm quyền ban hành, theo Bộ Xây dựng, hệ thống pháp luật hiện hành chưa có khái niệm, quy định pháp lý về officetel. Bên cạnh đó, Nghị định số 81/2017 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Xây dựng không quy định nội dung quản lý vận hành officetel. Cơ quan này cũng cho rằng, việc quản lý lưu trú thuộc thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ của ngành công an, không phải của Bộ Xây dựng. Do vậy, việc Bộ này xây dựng Thông tư nói trên là chưa đủ cơ sở pháp lý.

Với những vướng mắc trên, Bộ Xây dựng nhận định, việc ban hành quy chế quản lý vận hành officetel theo hình thức thông tư là chưa đảm bảo cơ sở pháp lý. Do đó, Bộ đề xuất Thủ tướng cho phép chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức liên quan nghiên cứu, xây dựng trình Chính phủ Nghị định quy định về quản lý vận hành officetel.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản