Đơn vị phát triển dự án Vimefulland hiến kế hàng loạt vấn đề an toàn về PCCC
P.V - 28/03/2018 20:12
 
Ông Lê Tiến Dũng - Tổng Giám đốc Tập đoàn dược phẩm Vimedimex, chủ sở hữu thương hiệu bất động sản Vimefulland - đơn vị phát triển các dự án biệt thự liền kề, chung cư cao tầng chia sẻ về các vấn đề liên quan tới công tác phòng cháy chữa cháy đối với chung cư cao tầng.
Thời gian qua, Vimefulland đã chọn cho mình con đường khác biệt “tiên phong phát triển bất động sản sinh thái xanh có lợi cho sức khỏe trong lòng đô thị” cùng tôn chỉ triết lý kinh doanh “trọn chữ Tâm, vẹn chữ Tín” vào sản phẩm của mình. Ông Lê Tiến Dũng - Tổng Giám đốc Tập đoàn dược phẩm Vimedimex, chủ sở hữu thương hiệu bất động sản Vimefulland cũng luôn trăn trở với việc làm thế nào không để xảy ra cháy nổ đối với các dự án nhà ở cao tầng.
Ở góc độ đơn vị phát triển dự án bất động sản, ông có thể đánh giá thực trạng hệ thống PCCC mà các chủ đầu tư đang áp dụng trong các tòa nhà chung cư cao tầng như thế nào?
Vụ cháy nghiêm trọng tại chung cư Carina, TP. Hồ Chí Minh vừa qua được coi là hồi chuông cảnh tỉnh đối với vấn đề phòng chống cháy nổ tại các chung cư cao tầng, người dân cũng đang bàn tán rất nhiều về vấn đề này. Nhận định về thực trạng hệ thống PCCC đang được áp dụng phổ biến trong các tòa chung cư cao tầng, tôi thấy có một số vấn đề nổi cộm như sau:
Thứ nhất, nhiều khu chung cư hay tòa nhà đã bàn giao cho người sử dụng mà vẫn chưa được lắp đặt, hoàn thiện hoặc chưa được nghiệm thu, thẩm duyệt về hệ thống PCCC tòa nhà hoặc tồn tại nhiều lỗi vi phạm như: chưa có máy phát điện dự phòng và thiết bị báo khói, báo nhiệt ở hành lang các tầng; không có phòng điều khiển trung tâm cho hệ thống báo cháy; chưa có trạm bơm chữa cháy bằng điện và dầu diezen, chưa lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng khẩn cấp và đèn hướng dẫn thoát nạn ở các tầng… Các hạng mục về giải pháp ngăn cháy, lối thoát nạn, hệ thống kỹ thuật PCCC trong công trình chưa hoàn thiện vẫn đưa cư dân vào ở. Thậm chí, nhiều công trình thiếu kinh phí nên chủ đầu tư cố tình bỏ qua hệ thống an toàn cháy nổ.
Thứ hai, các sai lầm khi thiết kế, thi công hệ thống PCCC cho nhà cao tầng là một vấn đề ít được nhắc tới song tồn tại khá phổ biến. Một hệ thống PCCC có hiện đại, chất lượng đến đâu mà không được thiết kế khoa học, đáp ứng các tiêu chuẩn kĩ thuật thì khi cháy nổ xảy ra, rất khó để xử lý nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả. Một số lỗi kĩ thuật, tưởng chừng nhỏ nhưng lại có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng như việc không có nguồn nước cung cấp để dập lửa khi xảy ra cháy, hay việc khởi động hệ thống mất nhiều thời gian….
Thứ ba, nhiều dự án đã chú trọng tới việc xây dựng hệ thống PCCC xong không ý thức về việc bảo trì hệ thống dẫn đến tình trạng khi có sự cố xảy ra đèn báo hiệu không hoạt động, ống chữa cháy bị bục, không có nước… Việc diễn tập PCCC cũng không được duy trì thường xuyên, cư dân không kịp phối hợp trong các tình huống khẩn, không nắm được hệ thống chống cháy cũng như hệ thống thoát hiểm.
Thứ tư, một số chung cư cao tầng chưa thành lập lực lượng PCCC tại chỗ hoặc có thành lập nhưng không duy trì hoạt động, không có người chịu trách nhiệm tổ chức và vận hành hoạt động PCCC một cách chuyên nghiệp, tiếp nhận hồ sơ thiết kế, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng công trình. Đây là vấn đề khó tránh khỏi nếu các khu chung cư cao tầng không có được sự quản lý, vận hành từ các đơn vị chuyên nghiệp.
Vấn đề cháy nổ ở các nhà chung cư đã được nói tới nhiều, song làm gì để không còn cháy ở chung cư vẫn đang là bài toán khó rất cần lời giải?
Có thể nói, sau vụ cháy tại chung cư Carina, TP. Hồ Chí Minh, vấn đề đang trở nên rất nóng, nhận được sự quan tâm của đông đảo các cơ quan chức năng, song tôi e ngại theo thời gian vấn đề sẽ lại lắng xuống, vấn đề về PCCC sẽ lại tiếp tục bị bỏ ngỏ như thực trạng từ nhiều năm nay.
Do đó, các Đơn vị phát triển dự án, các Chủ đầu tư phải giữ vai trò then chốt trong công tác PCCC, phải là đơn vị chủ động xây dựng hệ thống PCCC tối tân, đồng thời liên tục bảo trì, quản lý, vận hành một cách chuyên nghiệp thì hi vọng các vụ cháy tại chung cư cao tầng mới được khắc phục.
Vậy, với tư cách là đơn vị phát triển dự án, khi đưa các dự án hay công trình vào sử dụng, vận hành thì giải pháp về PCCC được thực hiện như thế nào?
Trước tiên tôi phải khẳng định, những dự án mang thương hiệu Vimefulland phải áp dụng bộ tiêu chuẩn về thiết kế kiến trúc, thiết kế nội thất, thiết kế cảnh quan, các tiện ích nội khu, ngoại khu và đặc biệt hệ thống PCCC hiện nay đang được rất nhiều cơ quan chức năng và người dân quan tâm, nhân đây tôi có thể nói tóm tắt về hệ thống PCCC Dự án Iris Garden chúng tôi đang triển khai thi công.
Dự án Iris Garden có vị trí tại Số 119 đường K2 (27 Đường Đông Lạnh cũ), Thị trấn Cầu Diễn huyện Nam Từ Liêm, Hà Nội với quy mô dự án 03 tầng hầm, 5 khu nhà cao 25-29 tầng dành cho dịch vụ thương mại và nhà ở. Ngay từ khi thiết kế và thi công dự án, Chủ đầu tư đã xác định mức độ nguy hiểm cháy nổ, giải pháp, biện pháp PCCC khi đưa công trình vào sử dụng, vận hành.
Thứ nhất, Xác định mức độ nguy hiểm cháy nổ đối với công trình khi đưa vào sử dụng và vận hành. Khi công trình được đưa vào sử dụng thì trong công trình tồn tại rất nhiều các vật liệu có thể gây cháy (chất cháy), các thiết bị điện như dây điện, tủ điện, quạt…. Các vật dụng thiết bị văn phòng như: Máy tính, máy in…..Bàn ghế và các loại quần áo, văn phòng phẩm … Các chất cháy trên khi gặp nguồn nhiệt đủ lớn thì có thể gây cháy. Khi cháy sẽ toả ra rất nhiều khói và nhiệt gây tổn thất cho sức khoẻ con ngưòi hoặc dẫn tới tử vong. Nguồn nhiệt ở đây có thể do các nguyên nhân khác nhau tạo ra như từ chập hệ thống điện, do điện quá tải. Từ người sử dụng như: do tàn thuốc lá, bật lửa, diêm; bất cẩn trong việc sử dụng điện, sử dụng bếp đun…Khi xảy ra cháy, đám cháy có thể nhanh chóng lan ra xung quanh và phát triển lên trên hoặc xuống dưới do lan theo chất cháy hoặc bức xạ nhiệt, làm cho đám cháy phát triển lớn dẫn đến khó khăn cho việc cứu chữa
Thứ hai, giải pháp an toàn PCCC: Trên đường giao thông bố trí các khoảng trống có chiều rộng 6x12m và khoảng cách từ mép của khoảng trống này đến tường nhà 8m- 10m để xe thang, xe chữa cháy triển khai hoạt động được. Tải trọng của mặt đường bảo đảm cho xe thang, xe chữa cháy có trọng tải lớn triển khai hoạt động. Tầng 15 của nhà được thi công kết cấu sàn dày >200mm, có giới hạn chịu lửa REI180 sử dụng làm sàn ngăn cháy theo chiều đứng bảo đảm yêu cầu kỹ thuật. Cửa đi, cửa sổ, cổng ở tường ngăn cháy là cửa ngăn cháy có giới hạn chịu lửa EI 70. Vách chống cháy tại khu vực thông tầng và thang cuốn thương mại nhà CT1A-CT1B có giới hạn chịu lửa EI 90.
Tại vị trí kênh, giếng kỹ thuật xuyên tường, sàn ngăn cháy được chèn bịt bằng vật liệu không cháy.
Thứ ba, thiết kế, thi công hệ thống báo cháy tự động: Hệ thống báo cháy tự động, đây là công trình có quy mô lớn, phức tạp nên việc bố trí một hệ thống báo cháy cần phải báo cháy chính xác, giảm mức báo giả đến tối đa. Do vậy chúng tôi chọn trong thiết kế là hệ thống báo cháy tự động địa chỉ. Hệ thống này có thể báo cháy chính xác vị trí theo địa chỉ được cài đặt. Đây là công trình có quy mô lớn, tính chất hiện đại nên Hệ thống báo cháy đối với công trình này Chủ đầu tư lựa chọn là hệ thống báo cháy có địa chỉ, vì công trình có cấu trúc phức tạp về kiến trúc, đa dạng về sử dụng, nên cần có sự trật tự, ổn định trong công trình khi có sự cố cháy xảy ra, đảm bảo công tác thoát nạn an toàn.
Hệ thống báo cháy hoạt động theo nguyên lý, khi tại một khu vực nào đó xảy ra sự cố cháy, đám cháy sẽ phát sinh khói, nhiệt và hồng ngoại và tác động vào cảm biến (Khói hoặc nhiệt hoặc lửa) được lắp đặt tại khu vực đó. Khi thời gian tác động đến ngưỡng báo động thì đầu báo sẽ gửi tín hiệu về tủ trung tâm qua hệ thống đường dây dẫn tín hiệu báo cháy. Trung tâm báo cháy tiếp nhận và thẩm định các tín hiệu đó. Nếu kết thúc quá trình thẩm định mà trung tâm báo cháy tiếp tục nhận được tín hiệu báo cháy từ các đầu báo cháy thì hệ thống sẽ từ trạng thái giám sát sang trạng thái báo động. Trong trạng thái báo động, các khu vực đang có cháy sẽ hiển thị rõ từng địa chỉ sảy ra sự cố trên màn hình của tủ trung tâm đồng thời Trung tâm đưa ra tín hiệu điều khiển phát tín hiệu báo cháy bằng âm thanh (chuông hoặc còi báo cháy) thông qua module địa chỉ cho chuông hoặc còi ở vị trí tương ứng với khu vực có cháy và các khu vực lân cận theo cài đặt ban đầu.
Ngoài ra khi cháy xảy ra tại khu vực không lắp đầu báo cháy hoặc hệ thống tự động cảnh báo chưa phát hiện thì người phát hiện ra đám cháy có thể ấn nút báo cháy để hệ thống chuyển sang chế độ báo động cháy và phát ra tín hiệu báo động tương tự như việc phát ra tín hiệu báo động khi có cảm ứng báo cháy báo về tủ trung tâm. Hệ thống báo cháy địa chỉ làm việc liên tục 24/24 giờ trong ngày kể ca khi mất điện vì có máy phát điện dự phòng. Các đầu báo cháy được lắp đặt tại tất cả các vị trí theo thiết kế và theo cấu trúc hệ thống báo cháy như: Trung tâm báo cháy địa chỉ, Đầu báo nhiệt gia tăng loại không địa chỉ, Đầu báo cháy khói quang loại không địa chỉ, Đầu báo cháy khói quang địa chỉ, Đầu báo cháy nhiệt gia tăng địa chỉ, Nút ấn báo cháy địa chỉ, Chuông báo cháy, Đèn báo cháy, Module các loại (module cho chuông, module giám sát, module điều khiển…).
Trong TCVN 4756-1989 “Quy phạm nối đất và nối không các thiết bị điện” không quy định việc bắt buộc phải nối đất, nối không cho các thiết bị điện sử dụng điện áp đến 380V. Tuy nhiên, sự tiếp đất bảo vệ tủ trung tâm báo cháy và hệ thống báo cháy tự động phải tuân theo những khuyến cáo của nhà sản xuất thiết bị.
Yêu cầu đối với hệ thống báo cháy phải tự động phát hiện cháy nhanh chóng và thông tin chính xác địa điểm xảy ra cháy, chuyển tín hiệu báo cháy khi phát hiện cháy thành tín hiệu báo động rõ ràng bằng âm thanh đặc trưng, để những người có trách nhiệm có thể thực hiện ngay được các giải pháp thích hợp. Ngoài ra, hệ thống này phải có chức năng điều khiển các thiết bị ngoại vi phục vụ cho công tác chữa cháy trong thời gian ngắn nhất. Báo động cháy bằng âm thanh đặc trưng còi, chuông. Báo hiệu nhanh và hiển thị rõ ràng trên màn hình hiển thị điều khiển tinh thể lỏng (LCD) địa chỉ các khu vực xảy ra cháy và các trường hợp sự cố làm ảnh hưởng đến sự hoạt động bình thường của hệ thống như: đứt dây, chập mạch, mất đầu báo… Có khả năng chống nhiễu, không báo giả, không bị tê liệt một phần hay toàn bộ do cháy gây ra trước khi hệ thống phát tín hiệu báo cháy.
Yêu cầu lắp đặt hệ thống báo cháy tự động tại vị trí đầu báo lắp đặt trên trần khi thi công sẽ được điều chỉnh phù hợp với kiến trúc công trình và các thiết bị khác như: Hệ thống điện, thông gió và các hệ thống kỹ thuật khác. Các tuyến cáp không được đi chung với cáp điện động lực của công trình. Các tuyến cáp có thể thay đổi tuỳ theo đặc điểm kiến trúc của công trình. Các hộp báo cháy, đèn báo vị trí, chuông báo động cháy lắp đặt trong hộp tổng hợp được đặt ở các vị trí thuận lợi, chiều cao cách sàn 1500mm. Trong hộp này cũng được lắp đặt các bộ mã địa chỉ thích hợp.
Thứ tư, thiết kế, thi công hệ thống chữa cháy bằng nước và bằng khí AEROSOL: Hệ thống chữa cháy bằng nước được tích hợp các hệ thống, hệ thống chữa cháy bằng nước vách tường, hệ thống chữa cháy tự động Sprinkler tự động, hệ thống chữa cháy màn ngăn Drencher, hệ thống chữa cháy ngoài nhà, hệ thống tiếp nước từ xe chữa cháy và Hệ thống chữa cháy ban đầu (bình chữa cháy xách tay và xe đẩy).
Hệ thống chữa cháy bằng nước, gồm có 4 hệ thống kết hợp đó là, Hệ thống chữa cháy tự động Sprinkler, hệ thống chữa cháy vách tường, hệ thống chữa cháy màn ngăn drencher, hệ thống chữa cháy ngoài nhà và đựa chia thành 7 cụm. Cụm bơm 01, cung cấp nước chữa cháy cho hệ thống sprinkler, họng nước vách tường khu vực 3 tầng hầm và tầng thương mại, kỹ thuật các tòa nhà, cung cấp cho hệ thống chữa cháy ngoài nhà của toàn bộ công trình. Cụm bơm 02, cung cấp nước chữa cháy cho hệ thống drencher khu vực 3 tầng hầm. Cụm bơm 03, 04, 05, 06, 07, cung cấp cho hệ thống sprinkler, họng nước vách tường các tầng trên của khu nhà dịch vụ và căn hộ.
Nguyên lý hoạt động các hệ thống chữa cháy bằng nước. Việc cấp nước và tạo áp cho mỗi hệ thống chữa cháy bằng tổ hợp bơm có cấu tạo, 01 máy bơm chữa cháy động cơ điện thường trực, 01 máy bơm chữa cháy động cơ điện vì có nguồn điện dự phòng, 01 máy bơm bù áp nhằm duy trì áp lực cho mạng đường ống. Việc khởi động và tắt máy bơm có thể hoàn toàn tự động hoặc bằng tay. Trong điều kiện làm việc bình thường hệ thống chữa cháy được duy trì áp lực thuỷ tĩnh với áp lực tương đương với áp lực chữa cháy của hệ thống.
Để duy trì áp lực thường xuyên trong hệ thống phải có máy bơm bù áp và bình áp lực. Máy bơm bù áp chỉ hoạt động khi áp lực duy trì của hệ thống bị tụt xuống do rò rỉ đường ống, giãn nở đường ống do nhiệt độ và bọt khí trong hệ thống. Máy bơm bù tự động chạy trong phạm vi áp lực được cài đặt cho riêng nó vá có Rơle khống chế thời gian chạy tối thiểu được gắn vào hệ thống điều khiển để tránh trường hợp máy bơm bù không bị khởi động liên tục thông qua hai chế độ:
Chế độ tự động khi có cháy xảy ra, đám cháy phát sinh nhiệt, lượng nhiệt này tác động trực tiếp vào bầu nhiệt tại đầu phun đến ngưỡng làm bầu nhiệt vỡ từ đó nước từ hệ thống phun ra qua lỗ phun và được chia ra thông qua bộ chia nước tại đầu phun. Hoặc người vận hành phát hiện ra đám cháy và sử dụng vòi để chữa cháy. Sau một khoảng thời gian đầu phun làm việc sẽ làm áp lực trong hệ thống đường ống giảm xuống mà hoạt động của bơm bù áp cấp nước cũng không bù lại được nên áp lực vẫn tiếp tục giảm và khi đến ngưỡng tác động của công tắc áp lực cho máy bơm thường trực. Công tắc áp lực này sẽ đóng để khởi động bơm thường trực cấp nước chữa cháy vào hệ thống. Trong trường hợp đã đóng công tắc áp lực để khởi động bơm thường trực, do một lý do nào đó như: máy bơm bị lỗi, hỏng bơm….dẫn đến không bơm nước cấp vào hệ thống thì áp lực trong hệ thống vẫn tiếp tục giảm đế ngưỡng tác động của công tắc áp lực cho máy bơm dự phòng, công tắc áp lực đóng tiếp điểm khởi động máy bơm dự phòng để cấp nước chữa cháy.
Chế độ bằng tay, khi hệ thống chuyển sang chế độ bằng tay, thì người vận hành phải đứng trực tiếp tại tủ điều khiển để cho các bơm hoạt động. Chế độ này thường sử dụng khi hệ thống đang sửa chữa hoặc do một số trường hợp cần phải điều khiển bằng tay. Nguồn điện cấp cho máy bơm lấy từ nguồn ưu tiên (đấu trước cầu dao tổng), đồng thời được cấp bằng nguồn điện máy phát của tòa nhà thông qua bộ chuyển đổi nguồn tự động ATS. Trạng thái của máy bơm luôn được cập nhật và thể hiện tại trung tâm báo cháy là máy bơm hoạt động hay không hoạt động.
Cấu tạo của hệ thống chữa cháy bằng nước là Máy bơm chữa cháy (máy bơm điện chính, máy bơm điện dự phòng, máy bơm bù áp), Tủ điều khiển bơm, Van báo động kiểu ướt, Bình tích áp, Van các loại (Van chặn, van chặn có giám sát trạng thái, van 1 chiều, van giảm áp, van an toàn, van xả khí), Đồng hồ đo áp lực, Đầu phun sprinkler tự động (quay lên, quay xuống), Công tắc dòng chảy, Lăng phun, vòi phun, khớp nối, Hệ thống đường ống cấp nước và phụ kiện lắp đặt.
Hệ thống bình chữa cháy xách tay và xe đẩy để chữa cháy kịp thời trong giai đoạn mới phát sinh và trong thời gian chờ triển khai lực lượng và phương tiện chữa cháy của đội chữa cháy. Hệ thống này có hiệu quả khi đám cháy mới phát sinh ở diện tích hẹp và cục bộ từng phòng và từng khu vực khi nhiệt độ khu vực này còn thấp. Do đó khi phun khí CO2 hoặc bột nhẹ thì ngọn lửa sẽ dập ngay lập tức. Các bình chữa cháy này chữa cháy cho được tất cả các chất cháy như chất lỏng và chất rắn. Các bình chữa cháy được đặt trên tường tại những nơi dễ nhận biết như cầu thang bộ và hành lang, tay cầm của bình cách mặt sàn 700mm.
Hệ thống chữa cháy bằng khí AEROSOL.
Như chúng ta đã biết, trên thị trường hệ thống chữa cháy cho các phòng thiết bị điện dùng các khí chữa cháy như: (Nitơ, CO2, FM200, HFC-125… ). Những hệ thống này đều chứa khí dưới dạng lỏng nén áp lực cao gây nguy hiểm, lắp đặt phải cần các hệ thống ống thép dẫn khí phức tạp. Để hạn chế những nhược điểm của các hệ thống khí trên và vẫn đảm bảo được hiệu quả chữa cháy, chúng ta có hệ thống chữa cháy bằng khí Aerosol. Hệ thống dùng chất Aerosol - DSPA không cần đường ống dẫn khí nên áp dụng cho những nơi có điều kiện thi công phức tạp.
Đặc điểm khí Aerosol và nguyên lý chữa cháy là khi chất khí Aerosol là hợp chất tồn tại dưới dạng rắn chứa chất chính là KNO3, K2CO3. Khi có tín hiệu kích hoạt bằng điện hoặc bằng nhiệt thì hợp chất Aerosol sẽ chuyển đổi từ rạng rắn sang dạng khí phun ra ngoài bình chứa. Dạng khí Aerosol chứa các Ion K+ sẽ tấn công trực tiếp vào chuỗi phản ứng cháy làm phá vỡ các liên kế cháy (Chất cháy + Oxy + nhiệt độ) làm cho đám cháy tự tắt.
Tác nhân kích hoạt bình lấy từ tủ trung tâm báo cháy. Thứ nhất khi có cháy các cảm biến phát tín hiệu cảnh báo về tủ trung tâm báo cháy, ( để tránh báo giả và hệ thống phun khí khi chưa có cháy thì phải lập trình để khi có 2 tín hiệu trong 1 vùng báo về trung tâm thì trung tâm mới phát tín hiệu điều khiển xả khí – nếu chỉ có 1 tín hiệu báo về thì trung tâm sẽ phát cảnh báo ra chuông báo cháy ). Thứ 2 nếu khi có cháy xảy ra nhiệt độ trong phòng tăng cao đến ngưỡng làm việc của bình thì bình sẽ tự phun.
Cấu trúc bình khí AEROSOL, được mô tả từ trên xuống là vỏ xả - tấm định hướng xả khí – vòng đệm – Lớp vỏ ngoài – Vật liệu cách điện – Lớp đệm bảo vệ - Vị trí kích hoạt bằng tín hiệu điện/nhiệt - chất rắn tổng hợp Aerosol
Khối lượng khí Aerosol cần thiết đối với Nhà sản xuất đã tính toán và sản xuất ra các loại bình khí Aerosol có thể chữa cháy cho các vùng thể tích khác nhau, rất dễ để tính toán khối lượng khí cần dùng theo bảng trên. Theo đó, lựa chọn loại bính khí có dung tích phù hợp để bảo vệ các phòng điện nhẹ, điện năng của trục kỹ thuật tòa nhà dựa vào thể tích từng phòng trục kỹ thuật. Dựa theo bảng trên kết hợp với thể tích cần bảo vệ chữa cháy của phòng máy biến áp, máy phát. Lựa chọn bình Aerosol Model 11-5 có thể tích bảo vệ từ 11 – 32 m3 và bình Aerosol Model 11-6 có thể tích bảo vệ từ 19 - 55 m³, và bình Aerosol Model 8-2 có thể tích bảo vệ từ 53 - 154 m³,để chữa cho mỗi phòng điện nhẹ của trục kỹ thuật là phù hợp.
Như vậy có thể nói, hệ thống báo cháy và chữa cháy được Chủ đầu tư thiết kế, thi công theo các quy định của tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy trong nước và Quốc tế và quy định bộ tiêu chuẩn của Vimefulland. Việc lựa chọn các máy móc thiết bị đã được tính toán một cách khoa học, cụ thể để đưa ra các thông số phù hợp với đám cháy khi xảy ra. Các thiết bị lựa chọn từ các nước có nền công nghệ sản xuất tiên tiến, hiện đại. Vì vậy, hệ thống báo cháy và chữa cháy được lắp đặt sẽ đảm bảo an toàn cho hoạt động của công trình khi đi vào sử dụng với ưu điểm báo cháy nhanh, chính xác, chữa cháy kịp thời và có hiệu quả, hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất khi có cháy xảy ra.
Xin cảm ơn ông với những phân tích bổ ích để người dân yên tâm sinh sống trong các tòa nhà chung cư khi đã đáp ứng được các yêu cầu ngặt nghèo trong công tác phòng cháy chữa cháy.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản