Đồng Nai dẹp bớt chủ đầu tư theo kiểu “đánh trống ghi tên”
N. Tuấn - H. Giang - 05/03/2020 20:32
 
Theo quy hoạch, đến năm 2020, tỉnh Đồng Nai có gần 300 dự án bất động sản, bao gồm 248 dự án nhà ở thương mại và 49 dự án nhà ở xã hội. Nhưng thực tế nhiều dự án dây dưa, kéo dài hàng chục năm vẫn “đắp chiếu”.
Nhiều Dự án khu dân cư tại Đồng Nai được chủ đầu tư vẽ trên giấy nhiều năm, nhưng đến nay chưa triển khai gì.
Nhiều dự án khu dân cư tại Đồng Nai được chủ đầu tư vẽ trên giấy nhiều năm, nhưng đến nay chưa triển khai gì.

Nhan nhản dự án treo

Theo UBND tỉnh Đồng Nai, tổng diện tích dự án nhà ở thương mại tại địa phương này khoảng 9.832 ha, tổng diện tích dự án nhà ở xã hội khoảng 158 ha. Các dự án bất động sản tập trung ở khu vực TP. Biên Hòa và các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom.

Qua khảo sát tại các địa phương trọng điểm có tốc độ công nghiệp hoá, đô thị hoá cao, phóng viên Báo Đầu tư ghi nhận khá nhiều dự án kéo dài nhiều năm chưa triển khai, hoặc triển khai cầm chừng khiến người dân nằm trong vùng quy hoạch khá bức xúc. Địa phương có nhiều dự án “treo” lâu năm là TP. Biên Hòa và 2 huyện Long Thành, Nhơn Trạch.

Ông Đặng Văn Minh, ngụ tại xã Phú Hội (huyện Nhơn Trạch) cho biết, gần 0,5 ha đất của gia đình ông nằm trong vùng quy hoạch Dự án Khu nhà ở công nhân và chuyên gia Vạn Phúc, nằm gần trung tâm hành chính huyện. Trước đây, nhà đầu tư ký hợp đồng với gia đình ông sẽ thu hồi đất và bồi thường bằng 4 nền đất đã hoàn thành hạ tầng trong dự án. Song dự án kéo dài từ năm 2003 đến nay đã 16 năm vẫn chưa xong hạ tầng để giao đất nền như cam kết. Đất đai đã bị thu hồi, đất nền thì chủ đầu tư chưa trả để xây dựng nhà ở, khiến gia đình ông Minh rơi vào cảnh khốn khổ, vật vờ chờ đợi.

Trên địa bàn các xã Phú Hội, Long Tân, Phú Thạnh, Phước An... của huyện Nhơn Trạch cũng tồn tại hàng chục dự án khu dân cư kéo dài trên dưới 10 năm chưa triển khai. Chỉ khảo sát sơ bộ tại xã Vĩnh Thanh đã có 5 dự án bất động sản “treo dài hạn” gần 10 năm chưa thực hiện. Tình trạng này được người dân địa phương phản ánh nhiều lần trong các cuộc tiếp xúc cử tri.

Tương tự, tại TP. Biên Hòa cũng có hàng loạt dự án khu dân cư nằm trên địa bàn các phường Long Bình Tân, Phước Tân, Tam Phước, Thống Nhất, Hóa An... kéo dài từ 8 đến 12 năm chưa xong. Tại huyện Long Thành, dự án khu dân cư, khu đô thị ở các xã Tam An, Long An... ì ạch triển khai gần cả thập niên mà chưa hoàn thành hạ tầng.

Quyết đoán, nhưng vẫn linh động

Nguyên nhân của tình trạng có nhiều dự án treo là do kiểu đầu tư “đánh trống ghi tên”, nhằm xí phần, đầu cơ để sang nhượng dự án của một số chủ đầu tư. Liều thuốc đặc trị tình trạng này chính là mạnh tay thu hồi.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Nai, từ khi Luật Đất đai có hiệu lực (tháng 7/2014), cơ quan này đã tham mưu cho tỉnh thu hồi chủ trương đầu tư đối với 32 dự án. Trong danh sách bị thu hồi có những dự án từng là niềm tự hào của công tác thu hút đầu tư như: Khu dân cư (KDC) Long Tân và Phú Hội (giai đoạn I có vốn 1.433 tỷ đồng), KDC Phước Khánh (giai đoạn I có vốn 592 tỷ đồng), KDC Thiên Nam (1.299,4 tỷ đồng), KDC Sông Đà 11 (vốn 561,5 tỷ đồng)...

Hiện Đồng Nai tiếp tục rà soát các dự án chậm tiến độ và kiên quyết thu hồi nếu nhà đầu tư không đủ năng lực triển khai dự án.

Song, cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai cũng cho rằng, đây là một nhiệm vụ không dễ. Trong quá trình rà soát thu hồi dự án “treo”, cơ quan nhà nước gặp không ít vướng mắc từ khung khổ pháp luật tới tình huống thực tiễn.

Cụ thể, với các dự án phải thu hồi đất của dân (tại Đồng Nai phần lớn là loại dự án này), quá trình bồi thường, giải phóng mặt bằng, chủ đầu tư gặp rất nhiều trắc trở do sự rung lắc với biên độ lớn của thị trường bất động sản. Hệ luỵ dễ thấy là không hiếm dự án kéo dài từ 5 đến 8 năm chưa xong giải phóng mặt bằng. Đây là lý do nhiều chủ đầu tư xin gia hạn dự án.

Chưa kể, nhiều dự án trong quá trình triển khai, nhà đầu tư xin điều chỉnh thiết kế cho phù hợp với sự biến thiên thực tế, hoặc giữa quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng còn “lệch pha”, khiến nhà đầu tư phải mất khá nhiều thời gian xin điều chỉnh quy hoạch. Từ thực tế trên, biện pháp thu hồi chủ trương đầu tư với các dự án “treo” tại Đồng Nai đòi hỏi các nhà quản lý vừa cần một ý chí quyết đoán, vừa cần sự linh động xử lý tình huống thực tiễn phát sinh để tránh phản ứng hoặc khiếu kiện từ chủ đầu tư, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của tỉnh. Dĩ nhiên, với những chủ đầu tư có ý định “lướt sóng” kiếm lời, không nghiêm túc thực hiện dự án thì kiên quyết thu hồi.

Được biết, tỉnh Đồng Nai đang xây dựng quy chế phối hợp giữa các sở, ngành liên quan như Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng… về trình tự, thủ tục chấm dứt hoạt động dự án và theo dõi giám sát đầu tư đối với dự án không sử dụng ngân sách, dự án ngoài khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh để làm cơ sở triển khai biện pháp thu hồi chủ trương đầu tư.

“Đối với các dự án đã hết thời hạn trong tiến độ đã đăng ký, nhà đầu tư không gửi báo cáo tình hình triển khai dự án theo định kỳ, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ rà soát xử lý vi phạm hành chính về lĩnh vực đầu tư theo quy định, đồng thời nhắc nhở, hướng dẫn doanh nghiệp, nhà đầu tư thực hiện đúng các quy định của pháp luật khi tiến hành đầu tư dự án”, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư nói và cho biết, sẽ áp dụng biện pháp cứng rắn thể giải quyết triệt để tình trạng nhà đầu tư “đánh trống ghi tên”.

Cùng với đó, các cơ quan hữu trách của tỉnh Đồng Nai sẽ sàng lọc, siết chặt điều kiện đầu tư để nâng cao chất lượng thu hút vốn; áp dụng một số biện pháp như ký quỹ trong trường hợp Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để triển khai các dự án đầu tư…

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản