Dòng tiền tìm đến bất động sản cửa khẩu
Như Loan - 27/06/2022 09:07
 
Sau nhiều ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, bất động sản cửa khẩu đang là đích đến mới của nhiều nhà đầu tư trung và dài hạn.

Xu hướng phát triển thành phố cửa khẩu

Với vai trò là nơi trao đổi thương mại và giao thương hàng hóa, nhiều thành phố cửa khẩu trên thế giới đã trở thành biểu tượng cho sự phát triển sôi động, phồn hoa, thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư. Đặc biệt sau 2 năm dịch bệnh, nhiều nền kinh tế mở cửa trở lại, các khu vực gần cửa khẩu giàu điều kiện phát triển mạnh mẽ và gia tăng lợi thế.

Điển hình như Johor Bahru. Đây là một trong những thành phố phát triển nhất của Malaysia, nằm tại cửa ngõ phía Nam giáp với Singapore. Bên cạnh thế mạnh về thương mại, du lịch… khu vực này còn thu hút nhiều dự án lớn, thúc đẩy nền kinh tế của thành phố phát triển sôi động. Thời điểm 7 năm trước, lĩnh vực xây dựng của Johor đã đạt mức tăng trưởng 24%.

Một thành phố giáp cửa khẩu phát triển mạnh mẽ cả về kinh tế, thương mại và du lịch là San Diego, Mỹ. Thành phố này có lợi thế sở hữu cảng nhập cảnh San Ysidro - cửa khẩu biên giới trên bộ lớn nhất giữa Mỹ và Mexico. Đây cũng là cửa khẩu đường bộ đông đúc thứ tư trên thế giới, góp phần thúc đẩy kinh tế khu vực xung quanh và thu hút nguồn đầu tư lớn. Năm 2014, San Diego được tạp chí Forbes bình chọn là thành phố tốt nhất tại Mỹ để phát triển doanh nghiệp nhỏ hoặc khởi nghiệp.

Theo giới chuyên môn, tương tự như các quốc gia khác, sau nhiều chuyển biến trên thị trường, khẩu vị nhà đầu tư trong nước đang dần thay đổi, xu hướng quan tâm đang dịch chuyển đến những sản phẩm bất động sản đầu tư trung và dài hạn thay vì lướt sóng và mang tính thời điểm. Trong đó, bất động sản cửa khẩu là một loại hình đang thu hút mạnh mẽ sự chú ý của nhà đầu tư, bởi sở hữu nhiều thế mạnh và dư địa để tăng trưởng.

Tâm điểm mới của thị trường bất động sản Việt Nam

Với lợi thế nằm ngay trên tuyến đường xuyên Á, tọa lạc gần kề cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, tiếp giáp thị trường 50 triệu dân của tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, TP. Lạng Sơn không chỉ là trung tâm thông thương buôn bán mà còn là điểm đến mới nhiều tiềm năng, thu hút đông đảo giới đầu tư bất động sản. Đặc biệt, TP. Lạng Sơn được định hướng trở thành trung tâm thương mại, du lịch, dịch vụ của vùng Đông Bắc, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn.

Bên cạnh lợi thế từ kinh tế cửa khẩu, bất động sản Lạng Sơn ghi nhận đà bật mạnh mẽ từ hạ tầng giao thông được đầu tư và phát triển không ngừng, thúc đẩy kết nối và giao lưu trong vùng. Hiện nay, hàng loạt tuyến giao thông “huyết mạch” đi qua Lạng Sơn đang được đẩy mạnh xây dựng, mở rộng và nâng cấp như: cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, quốc lộ 1, quốc lộ 4B đi Quảng Ninh, quốc lộ 4A đi Cao Bằng… Đặc biệt, với tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, khoảng cách di chuyển từ Hà Nội đến thành phố Lạng Sơn chỉ còn khoảng 2 tiếng lái xe.

Trong bối cảnh giá bất động sản trung tâm tăng vọt, quỹ đất khan hiếm, nhiều nhà đầu tư sành sỏi có xu hướng dịch chuyển về thị trường tiềm năng, trong đó có các thành phố cửa khẩu. Nhiều chuyên gia nhận định, bất động sản Lạng Sơn đang ghi nhận cú chuyển mình mạnh mẽ, được nhiều nhà đầu tư săn đón trong xu hướng bất động sản cửa khẩu trở thành “điểm sáng” mới của thị trường.

Với những ưu thế hiện có, Lạng Sơn được nhiều “ông lớn” bất động sản nhắm đến để đầu tư dự án như Apec, Vingroup, Kosy…

Giới chuyên gia nhận định, triển vọng khả quan cùng dư địa lớn đã tạo tiềm năng cho thị trường bất động sản nơi đây. Chính quyền cũng thể hiện sự chuyên nghiệp, cầu thị khi đưa ra hàng loạt chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đơn giản hóa quy trình thủ tục, trải thảm đỏ đón nhà đầu tư. Đồng thời, sau cơn sốt đất tại các vùng ven Hà Nội, Lạng Sơn cũng trở thành khu vực được nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp lẫn cá nhân gọi tên, săn đón.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản