Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Lạng Sơn "hái quả ngọt" nhờ chính sách đột phá trong thu hút đầu tư
Như Loan - 20/06/2022 08:00
 
Trong 3 năm thực hiện Nghị quyết số 12 năm 2018/HĐND bức tranh thu hút đầu tư của địa phương đã thực sự khởi sắc với hàng loạt dự án lớn đang chọn Lạng Sơn làm điểm đến.

Đã có 94 dự án được phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng số vốn đăng ký 22.108 tỷ đồng... là những con số nổi bật được UBND tỉnh Lạng Sơn tổng kết trong báo cáo Kết quả thực hiện Nghị quyết số 12/2018/NQ-HĐND ngày 10/12/2018 của HĐND tỉnh về chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

Theo Nghị quyết số 12 có hiệu lực thi hành từ ngày 20/12/2018, quy định đối với các dự án đầu tư thuộc Danh mục ngành, nghề và địa bàn ưu đãi đầu tư được hưởng 05 chính sách ưu đãi hỗ trợ đầu tư gồm: (1) ưu đãi về tiền thuê đất, (2) Hỗ trợ công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; (3) hỗ trợ giá trị xây lắp trước thuế thực hiện đường giao thông, đường điện và hệ thống cấp, thoát nước đến hàng rào của dự án; (4) Hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề cho lao động; (5) hỗ trợ miễn phí lập hồ sơ đề xuất dự án đầu tư và hồ sơ đề nghị hưởng ưu đãi, hỗ trợ đầu tư.

Tỉnh Lạng Sơn cho biết, riêng với chính sách ưu đãi tiền thuê đất, trong 3 năm 2019, 2020, 2021 triển khai Nghị quyết, Cục Thuế tỉnh đã thực hiện thủ tục miễn giảm tiền thuê đất cho 45 doanh nghiệp với số tiền là 136,8 tỷ đồng. Trong đó, miễn giảm theo ngành nghề ưu đãi về hỗ trợ đầu tư và loại hình của các cơ sở thực hiện xã hội hóa theo Nghị quyết số 12/2018/NQ-HĐND cho 04 doanh nghiệp với tổng số tiền là 4,46 tỷ đồng, và miễn giảm theo địa bàn ưu đãi về hỗ trợ đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư cho 41 doanh nghiệp với tổng số tiền là 132,35 tỷ đồng.

Nhờ những chính sách đột phá này mà hàng loạt doanh nghiệp đã lựa chọn Lạng Sơn để “làm tổ”, trong đó có một số dự án với nguồn vốn lớn, hứa hẹn đóng góp rất tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lạng Sơn trong tương lai gần như: Khu đô thị thương mại, căn hộ và shophouse Diamond Park (tổng vốn đầu tư 1.582 tỷ đồng); Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Emer Hill (tổng vốn đầu tư 460 tỷ đồng); Đầu tư xây dựng Nhà máy chế biến gỗ huyện Lộc Bình (tổng vốn đầu tư 421 tỷ đồng); Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Hồ Bản Nầng (tổng vốn đầu tư 838 tỷ đồng); Thủy điện Tràng Định 2 (1.048 tỷ đồng); Khu đô thị mới Mai Pha, thành phố Lạng Sơn (3.380 tỷ đồng)…

“Đây là tín hiệu khả quan trong việc thu hút nguồn vốn đầu tư của tỉnh so với giai đoạn trước đó”, ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho hay.

Được biết, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lạng Sơn đang tham mưu cho HĐND tỉnh sớm ban hành Quy định một số chính sách hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn để tạo bứt phá về thu hút đầu tư trong thời gian tới, trong đó có nhiều chính sách hỗ trợ vượt trội.

Về hỗ trợ thủ tục đầu tư, tỉnh sẽ tư vấn miễn phí về thủ tục thành lập doanh nghiệp, các thủ tục hành chính về đầu tư, kinh doanh, đất đai, xây dựng, môi trường và các thủ tục hành chính khác thuộc thẩm quyền của địa phương từ giai đoạn khảo sát, nghiên cứu lập đề xuất dự án đầu tư đến khi dự án đi vào hoạt động. Đồng thời, cung cấp thông tin miễn phí về quy hoạch, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lạng Sơn, cam kết đồng hành cùng nhà đầu tư khảo sát các địa điểm đầu tư đã phù hợp quy hoạch.

Riêng với các đề xuất dự án do Trung tâm xúc tiến đầu tư (Sở Kế hoạch và Đầu tư) thực hiện, tỉnh sẽ hỗ trợ 30% chi phí lập hồ sơ đề xuất dự án.

Bên cạnh đó, tỉnh Lạng Sơn cũng sẽ có các chính sách hỗ trợ nhà đầu tư tiếp cận mặt bằng sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp với mức hỗ trợ 200 triệu đồng/ha, tổng mức hỗ trợ không quá 10 tỷ đồng/cụm công nghiệp.

Để giải quyết vấn đề mà các nhà đầu tư rất chú trọng hiện nay là nguồn nhân lực, tỉnh Lạng Sơn dự kiến, đối với những dự án thuộc đối tượng được hưởng hỗ trợ đầu tư sử dụng lao động từ 50 lao động trở lên, nhà đầu tư có ký hợp đồng với người lao động từ 12 tháng trở lên, tham gia đóng bảo hiểm xã hội, có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Lạng Sơn chưa qua đào tạo hoặc chuyên ngành đào tạo chưa phù hợp với nhu cầu sử dụng của dự án, cần đào tạo và đào tạo lại, tỉnh sẽ “chung tay” hỗ trợ đào tạo mỗi lao động 1 lần trong suốt thời gian làm việc tại dự án sử dụng lao động cùng chuyên ngành đạo tạo, với mức hỗ trợ tối đa không quá 02 tỷ đồng/dự án.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư