Dự án Gamuda Garden đã giải ngân 50 triệu USD
- 14/05/2013 08:21
 
TIN LIÊN QUAN

Ông Cheong Ho Kuan, Tổng giám đốc Gamuda Land Việt Nam

Tiến độ Dự án tính đến thời điểm này ra sao, thưa ông?

Hạng mục Công viên Yên Sở đã xây dựng xong và đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ, thẩm định lần cuối để bàn giao UBND TP. Hà Nội.

Hạng mục thứ hai là Nhà máy Xử lý nước thải Yên Sở cũng đã hoàn thành và chạy thử thành công.

Khu đô thị Gamuda Garden (tại quỹ đất đối ứng 73 ha), được bàn giao quỹ đất năm 2011, đã được khởi công xây dựng từ năm 2012. Tính đến thời điểm hiện tại, có 364 căn nhà được xây dựng và đang hoàn thiện phần nóc tầng 3.

Ngoài ra, các hạng mục tiện ích, như câu lạc bộ rộng 1,4 ha dành cho cư dân đang được xây dựng, dự kiến bàn giao cùng thời điểm bàn giao nhà cho cư dân. Những hạng mục khác, như cảnh quan, cây xanh, hạ tầng kỹ thuật cũng đang được gấp rút xây dựng.

Riêng hạng mục Trường quốc tế sẽ được khởi công xây dựng vào tháng 8/2013.

Hiện Gamuda đã giải ngân được bao nhiêu vốn vào Dự án Gamuda Garden?

Chúng tôi chưa có con số chính xác, vì công trường đang được tiến hành xây dựng với nhiều hạng mục đang thi công. Tuy nhiên, theo tính toán từ những hạng mục đã quyết toán, thì chúng tôi đã chi cho Dự án Gamuda Garden khoảng 50 triệu USD, trong tổng vốn đầu tư hơn 300 triệu USD của toàn bộ Dự án.

Kết quả bán hàng hiện tại của Dự án có khả quan hay không? Nguồn vốn thu được từ khách hàng có giúp Gamuda đẩy nhanh tiến độ?

Về bán hàng, trong tổng số 364 căn trong giai đoạn I, chúng tôi đã bán được khoảng 45%. Hy vọng cuối 2013 và năm 2014, tình hình sẽ khá hơn và thanh khoản của dự án sẽ cao hơn.

Với Dự án Gamuda City nói chung và Gamuda Garden nói riêng, chúng tôi cam kết phát triển dự án trong dài hạn, 8 - 10 năm, và sẽ theo đuổi mục tiêu đến cùng.

Phần lớn nguồn vốn cho Dự án đến từ công ty mẹ ở Malaysia và chỉ có một phần rất nhỏ được huy động ở Việt Nam. Huy động vốn từ người mua tại Dự án tính đến thời điểm này chỉ có 1,3 triệu USD.

Với tình hình của thị trường như hiện nay, việc triển khai dự án không thể phụ thuộc vào người mua. Thậm chí, trong số những khách hàng đã mua nhà, thì cũng không ít người gặp khó khăn về dòng tiền, nên đóng tiền chậm so với tiến độ xây dựng.

Với những khó khăn hiện nay, theo ông, cần có giải pháp gì để thị trường có thể thoát hiểm vào lúc này?

Theo tôi, trong ngắn hạn, giải pháp tích cực nhất là phải đưa ra được một mức giá bán nhà hợp lý, hấp dẫn để người dân có thể mua nhà, từ đó làm tăng tính thanh khoản cho thị trường.

Về trung hạn, cần có những biện pháp thiết thực và cụ thể nhằm lấy lại niềm tin của khách hàng để từ đó, thị trường có thể hoạt động bình thường trở lại như những năm trước.

Ông có đánh giá gì về chính sách cho phép người nước ngoài mua nhà ở tại Việt Nam?

Việc cho phép người nước ngoài mua nhà đã được nhiều nước trong khu vực áp dụng, như Thái Lan, Indonesia. Tôi cho rằng, chính sách này của Chính phủ Việt Nam sẽ giúp có thêm nhiều khách hàng nước ngoài tiếp cận nhà ở tại Việt Nam, đồng thời góp phần làm giảm hoạt động đầu cơ.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản