Giá nhà cần được giảm thêm; Cà Mau có dự án NƠXH 1.000 tỷ; Gamuda “thay tên đổi họ” dự án
Thanh Vũ - 16/12/2023 10:53
 
Thị trường đã đi qua giai đoạn khó khăn nhất; HoREA đề nghị các chủ đầu tư giảm giá nhà; Quảng Trị có khu công nghiệp mới; Khởi công dự nhà ở xã hội 1.000 tỷ đồng ở Cà Mau; Gamuda “thay tên đổi họ” dự án.

Thị trường đã đi qua giai đoạn khó khăn nhất

Theo VinaCapital, giới đầu tư đang chứng kiến hai chỉ báo sớm cho thấy thị trường đang dần hồi phục. Một là, khối lượng giao dịch đất nền, phân khúc có tính đầu cơ cao nhất, đã tăng đáng kể trong thời gian gần đây. Hai là, một số bất động sản cao cấp ở trung tâm TP.HCM và Hà Nội đã tăng giá mạnh, nhất là với những căn đã có giấy tờ sở hữu/quyền sở hữu rõ ràng.

Thị trường đất nền đang rục rịch sôi động trở lại. Ảnh: Thanh Vũ

Giá bất động sản ở trung tâm thành phố vốn luôn ở mức cao. Do đó, động thái tăng giá gần đây phần lớn là vì các nhà đầu tư đã rút tiền ra khỏi ngân hàng và chuyển sang tìm mua bất động sản, trong bối cảnh lãi suất huy động giảm. 

Các hoạt động của giới đầu tư chính là một chỉ báo sớm cho sự dịch chuyển của dòng tiền trong nhiều lĩnh vực như bất động sản, cổ phiếu, tiền gửi ngân hàng và vàng.

HoREA đề nghị các chủ đầu tư giảm giá nhà

Trong 9 tháng đầu năm 2023, TP.HCM chỉ có 13 doanh nghiệp có sản phẩm đưa ra thị trường với tổng cộng 15.020 căn hộ. Trong đó, số lượng căn hộ cao cấp đã lên tới 9.969 căn, chiếm đến 66,37% nguồn cung. Phần còn lại là 5.051 căn hộ trung cấp và không có căn hộ bình dân.

Trước thực trạng trên, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đề nghị các doanh nghiệp địa ốc thực hiện giảm giá bán sản phẩm nhà ở, hạ bớt kỳ vọng lợi nhuận, tăng chiết khấu và có các chính sách khuyến mãi, hậu mãi nhằm kích cầu thị trường.

Đồng thời, HoREA còn đề nghị các chủ đầu tư chuyển hướng phát triển phân khúc nhà ở bình dân và nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có thể tham gia thực hiện các chương trình xây dựng lại nhà chung cư cũ; chỉnh trang, di dời nhà trên và ven kênh rạch; tái phát triển các khu vực đô thị cũ lụp xụp tại các địa phương, nhất là tại các thành phố trực thuộc trung ương.

Quảng Trị có khu công nghiệp mới

Vào ngày 15/12, lễ khởi công dự án khu công nghiệp Quảng Trị đã diễn ra tại huyện Hải Lăng. Dự án rộng 481 ha và có tổng vốn đầu tư lên tới 2.074 tỷ đồng. 

Phối cảnh khu công nghiệp Quảng Trị. Ảnh: QTiP

Dự kiến sau 12 năm phát triển, nơi đây sẽ tạo việc làm cho 30.000 - 40.000 lao động. Các ngành công nghiệp mục tiêu của dự án bao gồm dệt may, giày dép, bao bì, in ấn, chế biến gỗ và nội thất, thực phẩm và đồ uống.

Khu công nghiệp Quảng Trị nằm cách sân bay quốc tế Phú Bài (Thừa Thiên Huế) khoảng 60 km. Dự án được kỳ vọng sẽ đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy sự phát triển lâu dài của tỉnh Quảng Trị. 

Khởi công dự nhà ở xã hội 1.000 tỷ đồng ở Cà Mau

UBND tỉnh Cà Mau đã phối hợp Tập đoàn T&T Group khởi công dự án khu đô thị mới khóm 5 (khóm 5, phường 1) với quy mô lên đến gần 23 ha, tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng.

Phối cảnh dự án khu đô thị mới khóm 5. Ảnh: T&T Group

Theo quy hoạch, dự án sẽ có tổng số 1.307 sản phẩm, đa dạng các loại hình như nhà ở liền kề kết hợp thương mại dịch vụ, nhà ở liền kề, biệt thự, nhà ở hỗn hợp và nhà ở xã hội… Khi hoàn thành, dự án sẽ là nơi an cư của gần 5.000 người dân tại tỉnh Cà Mau.

Theo ông Lâm Văn Bi, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết hiện chủ đầu tư đã giải phóng lượng mặt bằng sạch đạt trên 90% diện tích toàn dự án.

Gamuda “thay tên đổi họ” dự án 

Thông qua thương vụ thâu tóm Bất động sản Tâm Lực giá trị gần 316 triệu USD, Gamuda chính thức sở hữu dự án The Riverdale (TP. Thủ Đức) và quyết định đổi tên thành Eaton Park. Dự án được định vị ở phân khúc cao cấp, mức giá khoảng 4.000 - 7.000 USD/m2.

"Ông lớn" bất động sản đến từ Malaysia dự định phát triển khu đất này thành một dự án cao tầng hỗn hợp, bao gồm 1.968 căn hộ độc quyền, 12 căn penthouse, 51 cửa hàng tại khối đế và 21 căn shophouse. 

Gamuda định hướng dự án Eaton Park nhắm tới phân khúc cao cấp. Ảnh: Gamuda

Eaton Park tọa lạc tại phường An Phú, TP. Thủ Đức, TP.HCM. Vị trí của dự án tiếp giáp với Xa Lộ Hà Nội và nút giao thông An Phú. Đây là cửa ngõ của đường cao tốc Bắc Nam, nối TP.HCM và Hà Nội.

Đây là dự án thứ năm của Gamuda tại Việt Nam. Thương vụ này nằm trong kế hoạch kinh doanh quay vòng nhanh của tập đoàn nhằm mở rộng quy mô hoạt động. Đáng chú ý, đây là giao dịch M&A (mua bán và sáp nhập) lớn thứ hai trong lĩnh vực bất động sản và lớn thứ 4 trong nhóm các thương vụ M&A lớn nhất Việt Nam sau 10 tháng đầu năm 2023.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản