Giải cứu siêu dự án Usilk City khỏi vũng lầy bằng cách nào?
Hải Duy - 19/07/2016 10:41
 
Những thông tin tràn lan về Công ty cổ phần Sông Đà Thăng Long lỗ lũy kế 2.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 2.200 tỷ đồng và tổng công nợ ngắn hạn vượt tổng tài sản ngắn hạn xấp xỉ 3.900 tỷ đồng, hàng loạt ngân hàng ngập trong núi nợ của Sông Đà Thăng Long… khiến chút hy vọng ít ỏi cuối cùng của khách hàng vào việc Sông Đà Thăng Long bắt buộc phải hoàn thành dự án Usilk City đã tắt hẳn.

Từ giấc mơ hoa lệ đến hiện thực bế tắc

Siêu dự án Usilk City luôn chiếm lĩnh vị trí top đầu trong “bảng xếp hạng” các dự án bất động sản tai tiếng trên thị trường bất động sản suốt từ 2009 đến nay.

Usilk City được khởi công giữa năm 2008 với quy mô 13 tòa nhà cao 25-50 tầng nổi, 2 tầng hầm thông nhau với tổng diện tích lên đến 1,6ha, tổng mức đầu tư trên 10.000 tỷ đồng. Được kỳ vọng trở thành một “Thành phố lụa” tráng lệ, Usilk City đã nhanh chóng “lọt mắt xanh” của người mua nhà. Hàng nghìn hợp đồng mua bán đã được ký kết, trong đó phần lớn khách hàng đã tin tưởng đóng tiền trên 50% đến 100% cho Sông Đà Thăng Long ngay từ khi dự án còn chưa xong móng.

“Thành phố lụa” quy mô và đẳng cấp bậc nhất trong giấc mơ ngày nào
“Thành phố lụa” quy mô và đẳng cấp bậc nhất trong giấc mơ ngày nào

Kỳ vọng, tin tưởng của khách hàng đi kèm với sự dễ dãi, không kiểm soát tình hình dự án, lại phải trải qua một cơn “bạo bệnh” của thị trường bất động sản những năm 2011-2012, chủ đầu tư lộ ra những yếu kém trong quản lý và đầu tư dự án. Hậu quả là toàn bộ 13 tòa nhà dự án Usilk City thi công dang dở. Đã quá thời hạn giao nhà 4-5 năm nhưng dự án vẫn án binh bất động. 

Của đau con xót, khách hàng đã làm mọi cách như khiếu nại, tố cáo, khởi kiện, biểu tình, nhờ cơ quan ngôn luận lên tiếng… để gây sức ép hòng buộc Sông Đà Thăng Long phải hoàn thành dự án, trả nhà cho khách hàng. Nhưng sau bao lần chủ đầu tư giãy giụa, tìm mọi cách trục vớt nhưng dự án càng chìm sâu hơn trong vũng lầy. 

Các khách hàng dự án Usilk City, mặc dù vẫn còn lo lắng, e dè, nhưng đã chuẩn bị sẵn sàng để lựa chọn lối đi mới, con đường mới cho Usilk City gắn với cái tên Hải Phát.

Trong khi các biện pháp giải cứu đều rơi vào bế tắc thì tình hình lại tồi tệ hơn vì quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế thuế đối với Công ty cổ phần Sông Đà Thăng Long cuối năm 2015, quyết định thanh tra toàn diện dự án của UBND Thành phố Hà Nội tháng 4/2016, và mới đây nhất, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội ra thông báo hạn chế giao dịch trên Upcom đối với toàn bộ cổ phiếu STL. Đây là những cánh cửa đóng lại mọi khả năng hồi phục của Sông Đà Thăng Long, càng đẩy dự án Usilk City vào thế bế tắc không có lối ra.

Usilk City từ một dự án đẳng cấp và quy mô bậc nhất phía Tây Hà Nội, giờ được nhắc đến như một vũng lầy giam chân các ngân hàng, tổ chức tín dụng, nhà thầu xây dựng, nhà cung cấp vật liệu, hàng nghìn khách hàng và trở thành một vấn đề nhức nhối của các cơ quan quản lý nhà nước.

Lối thoát khả thi cho Usilk City

Giữa tâm điểm bức tranh u ám Usilk City, có một điểm sáng duy nhất: Tòa CT2-105 sau khi về tay chủ đầu tư mới với tên mới là HPC Landmark 105 đã được thi công với tốc độ thần tốc 5 ngày/sàn, sẽ cất nóc tòa 35 tầng vào ngày 22/7/2016 và dự kiến sẽ cất nóc tòa 50 tầng vào tháng 11/2016.

Mặc dù dự án đang trong giai đoạn thanh tra toàn diện, nhưng UBND Thành phố Hà Nội đã chấp thuận chủ trương cho phép Sông Đà Thăng Long chuyển nhượng dự án CT2-105 Usilk City cho chủ đầu tư mới là Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát Thủ đô, đồng thời chấp thuận xem xét việc cho Hải Phát Thủ đô thực hiện thay nghĩa vụ nộp thuế của Sông Đà Thăng Long liên quan tới tòa CT2-105. Đây có lẽ là vấn đề mấu chốt nhất mà nếu được giải quyết sẽ mở ra lối thoát cho toàn dự án Usilk City.

Diện mạo mới của toà CT2-105 sau khi về tay Hải Phát
Diện mạo mới của toà CT2-105 sau khi về tay Hải Phát

Với thực trạng tài chính bết bát thì xét trên mọi khía cạnh: từ trả nợ ngân hàng đến tiếp tục thi công dự án, bàn giao nhà cho các khách hàng, Sông Đà Thăng Long đều khó có khả năng thực hiện. Chưa nói đến khoản nợ thuế gốc và tiền phạt nợ thuế của Sông Đà Thăng Long lên đến gần 400 tỷ đồng sẽ là rào cản trước hết đối với bất kỳ nỗ lực nào nhằm giải cứu Usilk City.

Vậy nên, khi Hải Phát Thủ đô đề xuất giải pháp “nhận lại nghĩa vụ thuế nợ đọng của chủ đầu tư cũ” với các cơ quan Nhà nước – một hành động chưa từng có tiền lệ trong các thương vụ chuyển nhượng dự án bất động sản – đã mở ra một lối thoát khả thi duy nhất với Usilk City. Ngoài ra, Hải Phát Thủ đô còn ứng tiền trước để thi công hoàn thiện hạ các hạng mục còn lại của 3 tòa CT1-101, 102, 103 (đổi lại bằng một nguồn thu dự kiến “trong tương lai” của Sông Đà Thăng Long), ký hợp đồng tổng thầu thi công CT3-106, 107 với tổng giá trị tạm tính 900 tỷ đồng, và lên kế hoạch khả thi cho việc nhận chuyển nhượng tòa CT1-104.

Đến lúc này, một số ngân hàng, tổ chức tín dụng “chủ nợ” đã thực sự tính đến khả năng thu hồi nợ xấu của “con nợ” Sông Đà Thăng Long thông qua phương án Hải Phát đề xuất. Các khách hàng dự án Usilk City, mặc dù vẫn còn lo lắng, e dè, nhưng đã chuẩn bị sẵn sàng để lựa chọn lối đi mới, con đường mới cho Usilk City gắn với cái tên Hải Phát. 

Bởi thế, giải pháp khả thi nhất để trục vớt Usilk City là có một nhà đầu tư mới như Hải Phát và nhà đầu tư này sẵn sàng thực hiện giải pháp đồng bộ, giải quyết tận gốc tất cả các vấn đề liên quan tới khách hàng, nghĩa vụ với nhà nước, ngân hàng, tổ chức tín dụng, các nhà thầu, đối tác và thậm chí với chính Sông Đà Thăng Long. Tất nhiên, nhà đầu tư mới cũng phải có năng lực, kinh nghiệm thực hiện dự án tương tự, có tiềm lực tài chính, có đủ tâm huyết với dự án, và có bản lĩnh, quyết tâm cao, thì mới có thể giải cứu thành công Usilk City.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản