Gọi vốn vào dự án nhà ở công nhân tại khu công nghiệp
Hồng Sơn - 11/12/2017 16:37
 
Trước thực trạng các dự án hiện có mới đáp ứng khoảng 15% nhu cầu, các nhà đầu tư đang rốt ráo triển khai các dự án nhà ở cho chuyên gia, công nhân tại các khu công nghiệp TP.HCM.
.
Theo Sở Xây dựng TP.HCM, trong giai đoạn 2017 - 2020, sẽ có thêm 8 dự án nhà lưu trú cho công nhân được các doanh nghiệp đầu tư, đáp ứng thêm khoảng 31.000 chỗ ở

Ông Trần Như Hùng, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn VRG (chủ đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Lê Minh Xuân 3, huyện Bình Chánh, TP.HCM) cho biết, với tổng vốn đầu tư dự kiến 1.200 tỷ đồng, Dự án đang được triển khai rốt ráo và hoàn thành nhiều hạng mục như nhà máy xử lý nước thải, hệ thống cấp hơi, cấp nhiệt, xây dựng hạ tầng, thực hiện công bố quy hoạch, thu hút đầu tư…

Trong đó, để chủ động thu hút đầu tư, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đến triển khai dự án, chủ đầu tư đã chủ động làm dự án nhà lưu trú cho công nhân tại Khu công nghiệp. “Dự án này đã hoàn thành quy hoạch 1/500 để trình Thành phố phê duyệt và dự kiến sẽ tạo ra khoảng 10.000 chỗ ở cho công nhân”, ông Hùng thông tin và cho biết, VRG đang chuẩn bị các nguồn lực để ngay sau khi Dự án được phê duyệt, sẽ tiến hành làm ngay.

Trong khi đó, nguồn tin từ Ban Quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP) cho biết, Dự án Trung tâm thương mại dịch vụ Đông Sài Gòn có vốn đầu tư hơn 453 tỷ đồng do Công ty Beton 6 làm chủ đầu tư cũng đang rốt ráo triển khai và đã gần hoàn thành phần móng. Dự án có khả năng cung cấp khoảng 10.000 m2 diện tích văn phòng làm việc và khoảng 10.000 m2 dành cho mục đích lưu trú của các chuyên gia.

Ông Lê Hoài Quốc, Trưởng ban Quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP) cho biết, để chủ động về chỗ ở cho chuyên gia và người lao động, SHTP đã đề xuất Dự án Khu nhà ở phục vụ người làm việc trong Khu công nghệ cao với tổng diện tích 20,17 ha. Đến thời điểm này, Dự án đã hoàn thành quy hoạch 1/500 để trình Thành phố phê duyệt. SHTP sẽ kêu gọi đầu tư cho Dự án từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước và nếu có nhiều nhà đầu tư quan tâm, thì sẽ tổ chức đấu thầu.

Theo Sở Xây dựng TP.HCM, trong giai đoạn 2017-2020, sẽ có thêm 8 dự án nhà lưu trú cho công nhân được các doanh nghiệp đầu tư, đáp ứng thêm khoảng 31.000 chỗ ở.

 

Theo thống kê mới nhất của Sở Xây dựng TP.HCM, Thành phố hiện có 17 khu chế xuất, khu công nghiệp, một khu công nghệ cao và 16 cụm công nghiệp, thu hút gần 370.000 lao động, khoảng 70% trong đó có nhu cầu về nơi lưu trú. Tuy nhiên, số lượng dự án nhà ở dành cho chuyên gia, công nhân tại các khu công nghiệp hiện có chỉ đáp ứng được 39.400 chỗ ở, tức chỉ khoảng 15% nhu cầu.

Cũng theo Sở Xây dựng TP.HCM, trong giai đoạn 2017-2020, sẽ có thêm 8 dự án nhà lưu trú cho công nhân được các doanh nghiệp đầu tư, đáp ứng thêm khoảng 31.000 chỗ ở. Các dự án này phân bố ở Khu chế xuất Linh Trung, các khu công nghiệp Tân Tạo, Lê Minh Xuân 3…

Tuy nhiên, với kế hoạch này, câu chuyện cung còn xa cầu lại được đặt ra, bởi với tỷ lệ tăng số lượng lao động bình quân 2%/năm, thì dự báo đến năm 2020, TP.HCM sẽ có trên 400.000 công nhân làm việc tại các khu công nghiệp. Như vậy, nếu chiếu theo tỷ lệ 70% số lao động có nhu cầu lưu trú, thì đến năm 2020, cần có thêm hơn 200.000 chỗ ở nữa mới có thể đáp ứng nhu cầu.

Theo tìm hiểu, một trong những nguyên nhân của tình trạng cung còn xa cầu về nhà ở công nhân tại khu công nghiệp là do khi làm quy hoạch, các khu công nghiệp tập trung chưa dành quỹ đất phù hợp để xây dựng dự án nhà ở cho công nhân. Có một nghịch lý là, nhiều dự án nhà lưu trú cho công nhân được đặt ở xa các khu công nghiệp, nên có tình trạng dự án còn thừa chỗ, nhưng một lượng rất lớn công nhân có nhu cầu lại không có chỗ ở.

Cùng với đó, chưa có cơ chế chính sách ưu đãi hợp lý để thu hút đầu tư các dự án này. Thực tế, Thành phố đã có chương trình cấp bù lãi vay để đầu tư nhà lưu trú cho công nhân, nhưng do ngân sách dành cho chương trình còn hạn chế, thủ tục vẫn phức tạp, nên các doanh nghiệp chưa mặn mà.

Do đó, để thu hút thêm doanh nghiệp tham gia đầu tư nhà lưu trú cho công nhân, chính quyền Thành phố cần ưu tiên bố trí các quỹ đất sạch ngay trong các khu công nghiệp và khu vực lân cận để mời gọi nhà đầu tư. Ngoài ra, cần tiếp tục hỗ trợ vốn vay ưu đãi đầu tư dự án với thời hạn từ 10 năm trở lên để tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, nhất là các doanh nghiệp trong nước vốn luôn có nguồn tài chính hạn hẹp.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản