Hà Nội: Dự án cải tạo tập thể cũ được xây cao 21 - 24 tầng
Thu Trang - 06/04/2016 10:20
 
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung vừa ký ban hành Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử thành phố Hà Nội. Đây là "chìa khóa" cho việc xây dựng các công trình cao tầng ở khu vực trung tâm Thủ đô.
1
Các khu tập thể cũ tại Hà Nội được cho phép xây dựng cao 21 - 24 tầng

Theo đó, quy chế quy định rõ về điều kiện để nghiên cứu xây dựng công trình cao tầng, số tầng cao, chiều cao tối đa cho phép; về quản lý không gian, kiến trúc cảnh quan đô thị; các khu vực không được phép xây dựng công trình cao tầng; về kiểm soát dân số... được áp dụng trên khu vực có quy mô diện tích khoảng 3.881 ha, thuộc địa giới hành chính của 5 quận: Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm, một phần phía Bắc của quận Hai Bà Trưng và một phần phía Nam của quận Tây Hồ. 

Cụ thể, Hà Nội cho phép nghiên cứu xây dựng công trình cao tầng tại hai bên đường vành đai, trục hướng tâm, tuyến phố chính, khu vực điểm nhấn. Khu vực Vành đai I, chiều cao tối đa công trình là 24 tầng, 86m; Vành đai 2, chiều cao tối đa 27 tầng, 97m; đường ven đê Sông Hồng, chiều cao 21 tầng, 76m… Đối với dự án tái thiết đô thị là chung cư cũ có quy mô 2 ha trở lên, phải bảo đảm các điều kiện tạo nhiều không gian mở, hạn chế tăng dân số, bố trí đất cho công trình giáo dục, tăng cây xanh, diện tích công cộng.

Tầng cao tối đa một số khu như sau: Nguyễn Công Trứ 25 tầng; Giảng Võ, Hào Nam, Ngọc Khánh 21 tầng; các khu Thành Công, Khương Thượng, Vĩnh Hồ, Nam Đồng, Kim Liên, Láng Hạ, Phương Mai, Thanh Nhàn… 24 tầng. Riêng khu Văn Chương cao tối đa 18 tầng. Quỹ đất di dời cơ sở công nghiệp, giáo dục, cơ quan ưu tiên phát triển công trình công cộng, hạ tầng, không để xây dựng chung cư cao tầng sai quy hoạch.

Theo quy chế, khu đất xây dựng công trình cao tầng phải đảm bảo có kích thước, diện tích đất đáp ứng đủ khoảng lùi tối thiểu theo quy chuẩn hiện hành; khả năng tiếp cận về giao thông và đáp ứng đủ các quy định về phòng cháy, chữa cháy... và một số điều kiện khác được quy định cụ thể tại quy chế.

Khu vực nội đô lịch sử thành phố Hà Nội được chia thành 7 khu vực để kiểm soát và quản lý tầng cao, chiều cao công trình, trong đó nhấn mạnh tới khu vực hai bên đường vành đai I, vành đai II; hai bên các tuyến phố hướng tâm như Giảng Võ - Láng Hạ, Văn Cao - Liễu Giai - Nguyễn Chí Thanh, Giải Phóng - Lê Duẩn...; khu vực hai bên tuyến phố chính như Hào Nam - Hoàng Cầu - Yên Lãng, Hàng Đậu - Phan Đình Phùng - Hoàng Hoa Thám...; các khu vực điểm nhấn đô thị như xung quanh hồ Giảng Võ, ga Hà Nội...

Đặc biệt, quy chế này sẽ cụ thể hóa các chỉ tiêu quy hoạch tới từng ô, tuyến phố, tức là quản lý rất chặt chẽ quá trình phát triển đô thị ở khu vực trung tâm. Các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động đầu tư xây dựng công trình cao tầng có thể soi chiếu vào quy chế này để tìm kiếm cơ hội đầu tư cho mình, tránh được tình trạng đầu tư kiểu “thầy bói xem voi” như trước. Trường hợp khác với các quy định trên (ngoài vị trí, vượt quá quy mô cho phép), sẽ do UBND TP báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản