Hậu giãn cách, doanh nghiệp bất động sản phía Nam phân hóa mạnh
Việt Dũng - 09/11/2021 17:34
 
Dù chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhưng các “ông lớn” trong ngành bất động sản vẫn báo lãi. Trong khi đó, nhiều công ty bất động sản, chủ yếu là công ty môi giới vẫn chưa hoạt động.
Trải qua 4 làn sóng dịch Covid-19, đặc biệt là làn sóng thứ tư, các doanh nghiệp bất động sản gặp rất nhiều khó khăn.

Cuộc đua không đều

Trước khi Covid-19 bùng phát, những tuyến đường như Nguyễn Duy Trinh, Lã Xuân Oai, Nguyễn Xiển…tại TP. Thủ Đức (TP.HCM) từng được ví như “phố địa ốc”, bởi các công ty môi giới bất động sản mọc lên như nấm sau mưa và hoạt động rất sôi nổi.

Nhưng nay mọi thứ đã thay đổi. TP.HCM và các tỉnh, thành phố lân cận đã nới lỏng và mở cửa trở lại, nhưng nhiều công ty bất động sản vẫn nằm im. Thậm chí, không ít công ty đã trả lại mặt bằng thuê.

Giám đốc một công ty môi giới bất động sản trên đường Nguyễn Xiển cho biết, có hai nguyên nhân khiến nhiều công ty chưa mở cửa.

Một là, tâm lý e ngại dịch bệnh còn phức tạp của khách hàng khiến nhu cầu nhà đất chưa nhiều. Hai là, doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch bệnh không còn dòng tiền ổn định để duy trì, một số khác thì nhân viên nghỉ việc hoặc về quê chưa quay trở lại…, nên công ty chưa thể hoạt động trở lại.

Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, trải qua 4 làn sóng dịch Covid-19, đặc biệt là làn sóng thứ tư, các doanh nghiệp bất động sản gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp bất động sản vẫn có lãi lớn và chủ yếu tập trung ở nhóm doanh nghiệp đã niêm yết trên sàn chứng khoán. Còn các công ty địa ốc chưa lên sàn hầu như khó có được kết quả kinh doanh tích cực.

Ghi nhận thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn vẫn đạt được kết quả kinh doanh tích cực và đã nhanh chóng trở lại “đường đua” khi việc giãn cách được nới lỏng. Điển hình như Tập đoàn Hưng Thịnh vừa ra mắt Dự án Moonlight Centre Point tại Khu Y tế kỹ thuật cao quận Bình Tân (TP.HCM); Tập đoàn An Gia cũng tiếp tục triển khai kế hoạch hoàn tất bán hàng, xây dựng và bàn giao sản phẩm của các dự án đang kinh doanh như Sky89 (tại TP.HCM) và The Sóng (Bà Rịa - Vũng Tàu); Tập đoàn Vạn Phúc có kế hoạch mở bán 100 căn nhà phố, biệt thự ở Dự án Van Phuc City tại TP. Thủ Đức; Tập đoàn Thắng Lợi tiếp tục mở bán Dự án The Sol City tại Long An; Công ty Golf Long Thành công bố ra thị trường phân khu nhà phố biển Para Sol thuộc Dự án KN Paradise Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa)…

Sẽ thắng nếu sở hữu quỹ đất lớn

Theo nhận định của một số chuyên gia trong ngành, sau khi Covid-19 được kiểm soát tốt, thanh khoản bất động sản sẽ tăng trở lại. Chủ đầu tư dự án có đủ năng lực để chào bán sản phẩm ở giai đoạn này, sản phẩm chất lượng tốt, giá cả phù hợp, thì chắc chắn sẽ thu hút được sự quan tâm của đông đảo khách hàng.

Tuy nhiên, để có thể phát triển trong dài hạn, ưu thế sẽ thuộc về những doanh nghiệp đang sở hữu quỹ đất lớn. Nói như ông Cao Hữu Phi, Tổng giám đốc Công ty COPiHOME, quỹ đất sẽ là bộ rễ sống còn của doanh nghiệp bất động sản. Bộ rễ càng vươn xa, thì doanh nghiệp càng hút nhiều lợi nhuận, phát triển xum xuê. Do vậy, trong 2 năm qua, hàng loạt giao dịch chuyển nhượng bất động sản trị giá hàng trăm triệu USD được “sang tay”.

Theo báo cáo mới đây của Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect, Công ty cổ phần Vinhomes (VHM) đang là “ông trùm” về quỹ đất khi sở hữu  16.400 ha, tính đến tháng 3/2021.

Còn Công ty cổ phần Đầu tư địa ốc No Va (Novaland) sở hữu quỹ đất hơn 5.400 ha. Mục tiêu đến năm 2030, Novaland bổ sung thêm 10.000 ha, nâng tổng quỹ đất lên 15.000 ha để chuẩn bị cho các giai đoạn phát triển tiếp theo.

Công ty cổ phần Tập đoàn Đất Xanh cũng không đứng ngoài cuộc đua khi đang xúc tiến phát triển quỹ đất 2.300 ha trải dài khắp cả nước và có kế hoạch gia tăng thêm 1.000 ha quỹ đất trong năm nay. Đây là kế hoạch nằm trong chiến lược hướng đến mục tiêu trở thành tập đoàn bất động sản sở hữu danh mục dự án và quỹ đất lớn trên khắp cả nước của Đất Xanh.

Ngay cả tân binh như Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển bất động sản An Gia cũng bắt đầu dồn nguồn lực cho chiến lược này. An Gia đang sở hữu quỹ đất 103 ha, trong đó, gần một nửa tại TP.HCM.

Bà Trang Bùi, Giám đốc cấp cao thị trường Việt Nam của Công ty JLL chia sẻ, đối với  thị trường bất động sản đang phát triển nhanh chóng như Việt Nam, việc tìm mua được quỹ đất tốt không chỉ dựa vào nguồn tài chính, mà còn phụ thuộc vào chiến lược kinh doanh rõ ràng và bền vững, tầm nhìn dài hạn, năng lực phát triển, sự am hiểu thị trường sâu sắc và khả năng tiếp cận quỹ đất phù hợp. Đây là điều không thể thiếu đối với bất kỳ chủ đầu tư nào để có thể thành công trong ngắn hạn và dài hạn.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản