Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 19 tháng 09 năm 2024,
Giảm lãi vay: Tập trung hỗ trợ mua nhà hay cứu doanh nghiệp bất động sản?
Trần Mạnh - 28/08/2021 08:18
 
Doanh nghiệp bất động sản vừa kêu cứu Ngân hàng Nhà nước, đề nghị được cơ cấu nợ, đẩy mạnh cho vay mới và giảm thêm 2% lãi suất cho vay.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, nếu không có đủ nguồn lực, ngân hàng nên tập trung hỗ trợ cá nhân mua nhà. 

Doanh nghiệp bất động sản vừa kêu cứu Ngân hàng Nhà nước, đề nghị được cơ cấu nợ, đẩy mạnh cho vay mới và giảm thêm 2% lãi suất cho vay.

Cạn nguồn trả nợ, cá nhân và doanh nghiệp đều than khó

Tuần này, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước với hai đề xuất đáng lưu ý.

Thứ nhất, cho phép ngân hàng cơ cấu nợ (áp dụng Thông tư 03/2021/TT-NHNN) với cả doanh nghiệp bất động sản.

Thứ hai, giảm thêm 2% lãi suất cho vay với khách hàng.

Mặc dù gần đây, hàng loạt ngân hàng rầm rộ công bố giảm lãi suất cho vay, song bà Nguyễn Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land cho hay, nhiều doanh nghiệp bất động sản “thiếu ô-xy tín dụng”, rất cần cấp cứu, song chưa nhận được sự hỗ trợ.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cũng cho biết, với việc thực hiện giãn cách xã hội trên diện rộng, các dự án bất động sản phải tạm dừng, nhà không bán được, vốn không thể huy động được…, khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản rơi vào cảnh kẹt vốn, nguy cơ mất thanh khoản. Nhiều doanh nghiệp phải “vay nóng” để trả lương nhân viên, trả lãi ngân hàng, duy trì hoạt động tối thiểu...

“Được tiếp cận tín dụng trong lúc này, hơn lúc nào hết, chính là “ô-xy tín dụng” cấp cứu cho doanh nghiệp và phải trông cậy vào “máy trợ thở dòng tiền” từ nguồn tín dụng của các ngân hàng thương mại”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA khẳng định.

Theo thông tin của một số doanh nghiệp bất động sản, dịch bệnh xảy ra khiến hoạt động bán hàng và triển khai dự án của doanh nghiệp đình trệ. Thậm chí, nhiều khách hàng đã đặt cọc mua nhà, nhưng nay không có thu nhập nên đã chấp nhận bỏ cọc hoặc chịu phí phạt để trả nhà, khiến doanh nghiệp bị đứt dòng tiền, không có nguồn thu trả nợ ngân hàng, không đủ điều kiện vay mới. Khi liên hệ ngân hàng đề nghị giãn nợ, giảm lãi, cấp tín dụng mới, doanh nghiệp được phía ngân hàng thông tin là chỉ cơ cấu nợ, giảm lãi suất cho khách hàng thuộc lĩnh vực ưu tiên, khách hàng cá nhân và khách hàng thuộc các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19.

“Phía ngân hàng cho biết, bất động sản là lĩnh vực đầu cơ, rủi ro, nên không nằm trong nhóm đối tượng được hỗ trợ. Đây là điều rất vô lý, bất động sản đóng góp lớn cho tăng trưởng GDP, góp phần không nhỏ tạo ra lợi nhuận cho ngân hàng, song khi doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn, thì ngân hàng lại từ chối hỗ trợ vì bị coi là đầu cơ”, tổng giám đốc một doanh nghiệp bất động sản bức xúc.

Không chỉ doanh nghiệp, mà các cá nhân mua nhà cũng khốn đốn vì thu nhập sụt giảm, trong khi lãi vay vẫn phải đều đặn trả. Chị Phan Thu Hiền, giáo viên một trường mầm non tư thục tại Hà Nội cho hay, năm 2019, vợ chồng chị vay ngân hàng T. hơn 700 triệu đồng để mua căn hộ chung cư. Tuy nhiên, dịch bệnh xảy ra, trường mầm non đóng cửa, thu nhập của cả hai vợ chồng chị đều bấp bênh. Đầu năm nay, chị có làm đơn đề nghị ngân hàng giảm lãi, gia hạn thời gian trả nợ, song không nhận được phản hồi.

Ngân hàng giãn nợ, giảm lãi có chọn lọc

Phủ nhận chuyện gạt doanh nghiệp bất động sản ra khỏi đối tượng hỗ trợ, phó giám đốc một ngân hàng TMCP cho hay, mỗi ngân hàng có hàng triệu khách vay. Trong bối cảnh nguồn lực có hạn, ngân hàng không thể hỗ trợ tất cả khách hàng, mà phải đưa ra thứ tự ưu tiên. Nếu hỗ trợ hết đối tượng ưu tiên mà ngân sách vẫn còn dư, thì mới có thể hỗ trợ lĩnh vực khác, trong đó có bất động sản.

Ông Phạm Như Ánh, thành viên Ban điều hành Ngân hàng MB thừa nhận, đợt bùng phát Covid-19 lần thứ tư đang khiến dòng tiền trả nợ của nhiều khách hàng bị ảnh hưởng và ngân hàng tiếp tục có chính sách giảm lãi suất hỗ trợ khách hàng. Tuy nhiên, tại MB, việc giảm lãi suất áp dụng với nhóm khách hàng ưu tiên theo định nghĩa của Ngân hàng Nhà nước và của MB. Theo ông Ánh, mức giảm lãi suất mà MB áp dụng với từng khách hàng là 0,5 - 1,5%, tùy theo nhóm khách hàng và mức độ khách hàng chịu ảnh hưởng của đại dịch.

“Tại mức lãi suất này, có khoảng 70.000 tỷ đồng dư nợ đối với khách hàng cá nhân, 50.000 tỷ đồng dư nợ với khách hàng doanh nghiệp được hưởng chính sách giảm”, ông Ánh cho biết.

Hay tại Agribank, ngân hàng này cũng mạnh tay cơ cấu nợ cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp. Tính đến ngày 15/7/2021, Ngân hàng đã giảm lãi suất cho 3,1 triệu khách hàng với hơn 1 triệu tỷ đồng dư nợ, tương đương số lãi giảm hơn 4.600 tỷ đồng. Tuy nhiên, với ngân hàng có hàng chục triệu khách vay như Agribank, sẽ còn rất nhiều khách hàng có nhu cầu giảm lãi suất, nhưng chưa được đáp ứng, trong đó có doanh nghiệp và khách hàng vay vốn thuộc lĩnh vực bất động sản.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng cho rằng, việc ngân hàng giảm lãi, giãn nợ cho khách hàng là hoàn toàn hợp lý. Tuy vậy, trong bối cảnh nhiều cá nhân, doanh nghiệp kiến nghị giải cứu thì ngân hàng nên ưu tiên giảm lãi suất cho người vay mua nhà lần đầu (tức hỗ trợ khách hàng có nhu cầu mua nhà ở thực). Đối với doanh nghiệp bất động sản, theo ông Hiếu, ngân hàng chỉ nên hỗ trợ những doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, chứ không thể hỗ trợ tràn lan.

Theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN và Thông tư 03/2021/TT-NHNN, khách hàng được tổ chức tín dụng đánh giá đáp ứng các điều kiện như không có khả năng trả đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng do doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19; có khả năng trả nợ đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại; khoản vay, cho thuê tài chính phát sinh nghĩa vụ nợ, trả nợ gốc, lãi trong thời gian quy định… thì được tổ chức tín dụng xem xét, cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Ngân hàng Nhà nước không quy định lĩnh vực cụ thể được cơ cấu nợ, mà việc xem xét, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi… thuộc thẩm quyền của tổ chức tín dụng.
Giảm lãi suất là “liều thuốc bổ”, song doanh nghiệp bất động sản cần nhiều hơn thế
Nhằm giảm gánh nặng cho doanh nghiệp bị tác động bởi Covid-19, nhiều ngân hàng đã đồng loạt giảm lãi suất đối với khoản vay hiện hữu. Song,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư