Nhiều doanh nghiệp bất động sản không “bất động”
Việt Dũng - 06/09/2021 09:44
 
Ngay trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, không ít doanh nghiệp bất động sản vẫn có động thái quyết liệt để tạo dựng niềm tin cho thị trường và khách hàng.
Bất chấp Covid-19, nhiều doanh nghiệp vẫn liên tục phát triển dự án. Trong ảnh: Phối cảnh Dự án Lagi New City tại Bình Thuận

Chuyển động tích cực

Covid-19 bùng phát trở lại đã làm đảo lộn hoạt động kinh doanh và việc tiếp cận sản phẩm của khách mua nhà. Tuy nhiên, không khó để nhận ra rằng, dịch đang trì hoãn mọi thứ nhưng không trì hoãn chiến lược phát triển dự án của doanh nghiệp bất động sản, một số doanh nghiệp vẫn có những chuyển động tích cực.

Mới đây, Tập đoàn Danh Khôi và Công ty cổ phần DKRA Việt Nam đã chính thức hợp tác phát triển Dự án phức hợp đô thị Thương mại - Dịch vụ và Du lịch biển Lagi New City tại Bình Thuận. Dự án có quy mô 43,4 ha, với các dòng sản phẩm nhà phố thương mại biển, shophouse biển và biệt thự biển. Dự án cũng hưởng trọn lợi thế và tiềm năng phát triển của vùng, đồng thời hội tụ đầy đủ các giá trị của một đô thị thương mại - dịch vụ sôi động.

“Chúng tôi mong muốn đem lại cho khách hàng những trải nghiệm mới mẻ với một khu phức hợp được đầu tư quy mô từ quy hoạch, thiết kế, kiến trúc cảnh quan cho đến hệ thống tiện ích đồng bộ. Lagi New City sẽ trở thành tâm điểm mới thu hút đông đảo du khách, cư dân địa phương đến trải nghiệm và khám phá”, đại diện Tập đoàn Danh Khôi cho biết.

Tương tự, trong thời gian gần đây, ngoài việc giới thiệu căn hộ Dự án EHome Southgate tại khu Tây TP.HCM, Nam Long Group cũng chuẩn bị giới thiệu các sản phẩm nhà phố, biệt thự tại Dự án Izumi City. Dự án tọa lạc tại xã Long Hưng, TP. Biên Hòa (Đồng Nai), quy mô 170 ha với đa dạng sản phẩm từ căn hộ, nhà phố đến biệt thự, đáp ứng nhu cầu linh hoạt của khách mua.

Ngoài ra, các “ông lớn” như Công ty cổ phần Địa ốc Nova (Novaland), Hưng Thịnh, An Gia… cũng có chiến lược rõ ràng trong việc phát triển dự án mới ra thị trường khi Covid-19 được kiểm soát. Ông Nguyễn Thái Phiên, Phó tổng giám đốc NovaGroup tiết lộ, nhiều dự án do Novaland triển khai có kết quả kinh doanh khả quan. Tại 2 dự án trọng điểm là Novaworld Hồ Tràm và Novaworld Phan Thiết, hàng bán khá tốt.

Cụ thể, với 10 phân khu của Dự án Novaworld Hồ Tràm, nhiều phân khu mở bán từ đầu năm 2021 như Habana Island hiện đã bán hết 100%, hoạt động bán hàng diễn ra cả trong thời gian giãn cách xã hội. Còn đối với Novaworld Phan Thiết, những phân khu đã mở bán đều đạt tỷ lệ hấp thụ 90 - 95%, doanh nghiệp đang có kế hoạch mở bán các phân khu tiếp theo của dự án.

“Để hoàn thành mục tiêu trong năm 2021, Novaland đã có kế hoạch chi tiết cho 3 tháng cuối năm, sau khi giãn cách xã hội kết thúc”, ông Phiên thông tin.

Cũng trong tháng 8, Tập đoàn Hưng Thịnh đã có văn bản gửi UBND tỉnh Lâm Đồng đề xuất được mở rộng ranh giới lập quy hoạch phân khu tại TP. Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm với diện tích lên đến 5.985 ha.

Trước đó, liên danh Tập đoàn Hưng Thịnh - Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả - Công ty cổ phần Tập đoàn Nam Miền Trung đã có đề xuất tài trợ lập quy hoạch và đăng ký đầu tư dự án tại huyện Lâm Hà. UBND huyện Lâm Hà cũng đã đồng ý cho tiếp cận thông tin, tài trợ khảo sát, lập quy hoạch chi tiết theo đề xuất của liên danh.

Ngoài ra, liên danh 3 nhà đầu tư này cũng  khảo sát, nghiên cứu và đề xuất đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc theo phương thức đối tác công - tư (PPP). Tỉnh Lâm Đồng cũng giao liên danh tiếp tục khảo sát, nghiên cứu và đề xuất đầu tư dự án đoạn cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương.

Cần thêm trợ lực

Theo các chuyên gia và lãnh đạo doanh nghiệp, thị trường bất động sản vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển do nhu cầu về nhà ở thực cũng như đầu tư rất lớn. Tuy nhiên, nhiều quy định pháp lý “trói chân” khiến doanh nghiệp gặp khó.

Ông Phạm Lâm, Tổng giám đốc DKRA Vietnam, kiêm Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, dịch bệnh bùng phát khiến 70% sàn bất động sản phải điều chỉnh, cắt giảm lương của nhân viên hoặc ngừng hoạt động. Doanh nghiệp bất động sản đang như người bệnh và rất cần hỗ trợ “ô xy” từ Chính phủ.

Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, ông Lâm kiến nghị, Chính phủ có chính sách giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm thuế thu nhập cá nhân... Hỗ trợ doanh nghiệp môi giới bất động sản vay vốn với lãi suất 0% để chi trả các khoản cố định đầu vào hoạt động kinh doanh nhằm sớm có doanh thu trở lại. Hỗ trợ nhân viên môi giới bất động sản vay vốn với mức ưu đãi để ổn định cuộc sống và đầu tư kinh doanh.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) lưu ý, hỗ trợ doanh nghiệp lĩnh vực bất động sản là vấn đề được đặt ra nhiều lần, nhưng việc thực thi vẫn còn quá chậm, cần sự thay đổi toàn diện và mạnh mẽ hơn. Trong văn bản kiến nghị mới ban hành, HoREA đưa ra nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp bất động sản, trong đó có đề xuất các ngân hàng thương mại cần xem xét giảm lãi suất cho vay khoảng 2%/năm đối với các khoản vay, không chuyển nhóm nợ (xấu hơn) đối với các khoản vay đến hạn.

Đáng chú ý, HoREA tiếp tục đề nghị Bộ Xây dựng chủ động phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính thống nhất quy trình thủ tục đầu tư xây dựng đối với nhà đầu tư có quyền sử dụng đất thực hiện dự án nhà ở thương mại để hướng dẫn UBND cấp tỉnh thống nhất thực hiện.

Covid-19 đang trì hoãn mọi thứ, nhưng không trì hoãn chiến lược phát triển dự án của doanh nghiệp bất động sản, một số doanh nghiệp vẫn có những chuyển động tích cực.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản