Huế đạt tổng doanh thu bất động sản hơn 1.623 tỷ đồng trong năm 2024
Ngọc Tân - 16/01/2025 15:24
 
Theo Sở Xây dựng TP. Huế, thị trường bất động sản địa bàn TP. Huế trong quý IV/2024 và cả năm 2024 nhìn chung vẫn còn trầm lắng, chưa có dấu hiệu khởi sắc, giao dịch về bất động sản diễn ra vẫn còn chậm.

Theo đó, việc áp dụng Luật Đất đai năm 2024 ban đầu liên quan đến bảng giá đất đã có phần ảnh hưởng đến các giao dịch bất động sản.

Về lượng giao dịch, trong quý 4/2024, lượng giao dịch bất động sản thành phố Huế đạt 30 sản phẩm nhà ở riêng lẻ, thu về 215,1 tỷ đồng (giảm gần 65 tỷ đồng so với quý 3/2024).

Tính chung cả năm 2024, Huế thu về hơn 1.623 tỷ đồng từ các hoạt động liên quan đến giao dịch bất động sản. Tuy vậy, lượng tồn kho bất động sản của các dự án đủ điều kiện đưa vào giao dịch hiện nay vẫn còn 840 căn.

Đối với tình hình triển khai đầu tư nhà ở xã hội và thực hiện gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, đến UBND thành phố Huế đã chấp thuận đầu tư cho 11 dự án nhà ở xã hội, trong đó một số dự án đã và đang triển khai xây dựng, bao gồm: 4 dự án độc lập đến nay đã hoàn thành và bàn giao căn hộ cho khách hàng với 1.764 căn trên tổng số 1.773 căn.

Thị trường bất động sản Huế vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển
Mặc dù còn nhiều khó khăn, tuy nhiên thị trường bất động sản Huế vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển

Có 5 dự án nhà ở xã hội sử dụng quỹ đất 20% tại các dự án thương mại, khu đô thị với tổng diện tích đất khoảng 12,282 ha. Hiện nay mới chỉ có 1 dự án đang triển khai xây dựng, các dự án còn lại đang giai đoạn chuẩn bị dự án và thủ tục giao đất.

Theo ông Hoàng Minh Khang, Phó giám đốc Sở Xây dựng thành phố Huế, thời gian qua, mặc dù Chính phủ đã có những động thái quyết liệt tháo gỡ pháp lý cho hàng loạt dự án, Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất điều hành, liên tục giảm lãi suất huy động để có thể hạ lãi suất cho vay..., tuy nhiên các chính sách này vẫn chưa thực sự thẩm thấu vào thị trường bất động sản.

“Hiện nay, một số dự án bất động sản trên địa bàn thành phố vẫn đang tồn tại một số khó khăn, vướng mắc như: vướng mắc về pháp lý bao gồm việc xác định nghĩa vụ tài chính mà nhà đầu tư phải nộp, thủ tục giao đất, cho thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xác nhận đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai. Bên cạnh đó, các khó khăn về nguồn vốn (vốn tín dụng ngân hàng, vốn trái phiếu doanh nghiệp, vốn từ thị trường chứng khoán và vốn huy động từ khách hàng) dẫn đến một số doanh nghiệp thiếu vốn phải giãn tiến độ hoặc tạm dừng triển khai thực hiện dự án”, ông Khang thông tin.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản