Người mua nhà vỡ mộng khi chủ đầu tư “quên” xây tiện ích
Thiện Minh - 14/09/2020 08:52
 
Nhiều người mua nhà vỡ mộng vì ngôi nhà mình được nhận khác xa so với gì chủ đầu tư quảng cáo, tô vẽ. Đây cũng là nguồn cơn cho các cuộc cãi vã dai dẳng giữa hai bên.

Khi mở bán, nhiều dự án được chủ đầu tư “tô vẽ” lung linh với những khu công viên cây xanh, trường học..., nhưng sau khi nhận nhà, khách hàng mới té ngửa vì thực tế không bay bổng như những lời quảng cáo.

Bãi giữ xe tại Dự án Khu đô thị Him Lam - Kênh Tẻ, nơi được xác định là lối đi chung của cư dân. Ảnh: Trọng Tín
Bãi giữ xe tại Dự án Khu đô thị Him Lam - Kênh Tẻ, nơi được xác định là lối đi chung của cư dân. Ảnh: Trọng Tín

Vỡ mộng

Mới đây, UBND TP.HCM ra văn bản chỉ đạo UBND quận 7 khẩn trương kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm đối với các công trình tại Khu đô thị Him Lam - Kênh Tẻ (quận 7). Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị có liên quan giám sát việc thực hiện phần diện tích đất dùng để xây dựng các công trình công cộng, cây xanh, vườn hoa… tại Dự án theo đúng quy hoạch được duyệt.

Khu đô thị Him Lam - Kênh Tẻ do Công ty TNHH Thương mại Him Lam làm chủ đầu tư, từng được quảng cáo là khu đô thị văn minh ở phía Nam TP.HCM. Đi vào hoạt động đã 8 năm, nhưng nhiều hạng mục hạ tầng tại khu đô thị này vẫn chưa được đầu tư xây dựng. Đáng nói, nhiều diện tích đất công viên, đường giao thông lại đang “nhường chỗ” cho nhà hàng, bãi giữ xe.

Theo phản ánh của cư dân, dọc bờ sông Rạch Bàng được quy hoạch công viên diện tích khoảng 1.000 m2, nhưng lại được trưng dụng làm nhà hàng, quán nhậu. Phía đường dẫn dưới chân cầu Nguyễn Thị Thập là lối đi chung của dân cũng bất ngờ mọc lên bãi giữ xe khoảng 250 m2. Người dân nhiều lần phản ánh với chủ đầu tư và chính quyền địa phương, nhưng tình hình không được cải thiện.

Cách đó không xa là khu dân cư SaiGonRes (quận 8) có quy mô 102 nền biệt thự. Ngoài hạng mục chính này, khi bán, chủ đầu tư còn giới thiệu, Dự án có hạ tầng kỹ thuật chất lượng, đường rộng 20 m, công viên gần 2.000 m2 nằm giữa khu dân cư…

Trong hình dung của người dân khi mới đến mua đất, SaiGonRes là khu dân cư hạng sang. Thế nhưng, sau nhiều năm sinh sống, ai nấy đều ngán ngẩm do chủ đầu tư - Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn “quên” một hạng mục quan trọng là khu công viên cây xanh.

Khu dân cư Khang An (quận 9) do Công ty cổ phần Địa ốc An Khang làm chủ đầu tư cũng trong tình cảnh tương tự. Dự án có tổng diện tích gần 116.000 m2 với 350 nền, gồm biệt thự đơn lập, biệt thự song lập, nhà liên kế có vườn.

Lúc quảng cáo mở bán, chủ đầu tư vẽ nên bức tranh tuyệt đẹp về cuộc sống trong Dự án Khu dân cư Khang An với nhiều tiện ích quan trọng như trường học, công viên cây xanh rộng gần 10.000 m2. Tuy nhiên, sau nhiều năm bàn giao nhà cho khách hàng, khu đất để triển khai công viên vẫn chỉ là nơi cỏ mọc, tập kết rác thải, còn đường sá trong khu dân cư thì xuống cấp nặng nề.

Ngoài việc “quên” xây dựng công viên, một số dự án được quảng cáo sẽ có trường học trong khu dân cư, nhưng sau nhiều năm bàn giao nhà cho khách hàng, hạng mục này vẫn chưa hẹn ngày khởi công.

Đó là trường hợp Dự án Hà Đô Centrosa Garden do Công ty cổ phần Hà Đô - 756 Sài Gòn làm chủ đầu tư. Dự án được xây dựng trên khu đất có diện tích hơn 6,8 ha, gồm khu nhà phố liên kế, 8 tòa nhà căn hộ cao tầng cùng trường học và công viên.

Được khởi công xây dựng từ năm 2016 - 2017, đến nay, chủ đầu tư đã hoàn thành thi công và bàn giao nhà cho khách hàng. Tuy nhiên, khu đất được quy hoạch làm trường học trong Dự án đến nay vẫn chỉ là bãi đất trống được quây tôn kín mít.

Phóng viên Báo Đầu tư đã liên hệ với đại diện truyền thông của Công ty CP Hà Đô - 756 Sài Gòn để tìm hiểu thông tin về thời điểm xây dựng trường học, nhưng chính vị này cũng không biết rõ khi nào tiện ích đó sẽ được triển khai.

Cần chế tài nghiêm khắc

Luật sư Nguyễn Bích Trâm (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, theo quy định, tùy vào quy mô dự án, số lượng hộ dân mà công viên cây xanh, số lượng đường giao thông, chiều ngang đường sẽ được đầu tư, xây dựng với diện tích tương ứng. Khi dự án hoàn thành, căn hộ, đất nền bán xong, chủ đầu tư có trách nhiệm bàn giao toàn bộ công trình cho chính quyền địa phương quản lý.

Việc quên xây dựng tiện ích sau khi đã quảng cáo rầm rộ sẽ khiến uy tín của chủ đầu tư bị giảm sút. Các hạng mục tiện ích cũng là yếu tố tác động không nhỏ đến tính thanh khoản của Dự án. Nếu không có những tiện ích này, chắn chắn, giá thương mại của Dự án sẽ không thể nào tăng được.

- Ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group

“Thời điểm bàn giao công trình được quy định cụ thể trong Nghị định số 139/2017/NĐ-CP, ngày 27/11/2017 của Chính phủ, không phải chủ đầu tư muốn bàn giao lúc nào thì bàn giao”, bà Trâm nhấn mạnh.

Theo vị luật sư này, tại nhiều dự án bất động sản hiện nay, một số chủ đầu tư vi phạm không xây dựng công viên, trưng dụng diện tích đất công viên để xây dựng hạng mục khác. Trong khi đó, chính quyền địa phương lại bỏ lơ, thiếu quyết liệt trong việc kiểm tra, xử lý vi phạm. Tình trạng buông lỏng quản lý này cần phải được khắc phục ngay.

Mặt khác, để tránh việc chủ đầu tư “đem con bỏ chợ”, luật sư Nguyễn Thiện Hiển (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng, cần nâng mức xử phạt hành chính đối với chủ đầu tư vi phạm. “Mức phạt chỉ từ 40 đến 50 triệu đồng được quy định trong Nghị định  số 139/2017/NĐ-CP chưa đủ sức răn đe đối với các chủ đầu tư dự án bất động sản, bởi lợi nhuận từ kinh doanh bất động sản rất lớn, do đó tình trạng vi phạm cứ kéo dài, phổ biến”, ông Hiển phân tích.

Từ góc nhìn của doanh nghiệp, ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group đánh giá, những chủ đầu tư chỉ “chăm chăm” xây dựng căn hộ mà chưa chú trọng đầu tư xây dựng các khu công viên cây xanh, tiện ích là có thiếu sót lớn. Điều này khiến dự án kém hấp dẫn, gặp khó khăn trong việc hình thành, phát triển khu dân cư có chất lượng sống tốt.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản