Nhà băng cùng doanh nghiệp bất động sản cùng gỡ khó, khơi thông luồng vốn
Trọng Tín - 16/11/2023 08:29
 
Cuối tháng 10/2023, sau một thời gian dài tìm hiểu kỹ các dự án của Tập đoàn Hưng Thịnh, Ngân hàng LPBank quyết định cấp hạn mức cho vay 5.000 tỷ đồng, giúp các doanh nghiệp trong Tập đoàn và hàng trăm nhà thầu tại các dự án dang dở có thêm vốn đầu tư.

Sau khi ký kết hợp đồng tín dụng, Hưng Thịnh đã lên kế hoạch đưa dòng tiền này vào các dự án, tạo hàng chục ngàn công ăn, việc làm, phát triển thêm sản phẩm mới. Đến nay, Hưng Thịnh đã được phê duyệt vay vốn khoảng 2.000 tỷ đồng, song vì Ngân hàng LPBank hết room tín dụng bất động sản, nên việc giải ngân lượng vốn tiếp theo chắc chắn sẽ gặp khó.

Câu chuyện của Tập đoàn Hưng Thịnh trong cuộc họp giữa Ngân hàng Nhà nước với các doanh nghiệp bất động sản diễn ra vào đầu tuần này không làm quá nhiều người bất ngờ, song xót xa trước tình cảnh “thấy vốn, nhưng chưa thể chạm tới” vì ngân hàng hết “room”.

Hết “room” tín dụng là một chuyện, nhưng thừa “room” mà không thể giải ngân lại là câu chuyện khác đang diễn ra tại không ít ngân hàng. Lý do là khi cho vay, ngân hàng cũng dần phải thu hồi vốn, bởi nếu không sẽ phát sinh nợ xấu, thua lỗ, không thể trả lãi cho người gửi.

Điều này khiến ngân hàng phải cân nhắc lựa chọn khách hàng cho vay, nhất là trong bối cảnh không ít doanh nghiệp bất động sản gặp vướng mắc về pháp lý.

Novaland là một thí dụ. Doanh nghiệp này đang triển khai cụm các dự án ở khu vực trung tâm TP.HCM, Dự án Aqua City, Dự án NovaWorld Ho Tram và Dự án NovaWorld Phan Thiet. Các dự án trên nhận được sự hỗ trợ tích cực và tài trợ từ phía các ngân hàng thương mại như TPBank, MBBank, VPBank, PVcomBank.

Thực tế cho thấy, có không ít dự án bất động sản dù đã bàn giao, đang triển khai hay đang làm thủ tục triển khai đều ít nhiều gặp vướng mắc về mặt pháp lý. Trong khi đó, với Novaland, khoản phải thu từ những sản phẩm đã bán rất lớn, nên nếu không xử lý được các vướng mắc này thì ngân hàng không thể giải toả tiền tạm khoá, không thể giải ngân vốn mới và khó có thể tiếp tục tài trợ cho người mua nhà. Như vậy, nếu không tháo gỡ được những vướng mắc về pháp lý, thì doanh nghiệp không thể vay được vốn từ ngân hàng, không thể bán dự án hay hợp tác làm ăn.

Với doanh nghiệp bất động sản, khi đã bỏ ra lượng vốn lớn để tạo lập quỹ đất, nhưng chưa đủ điều kiện huy động vốn bán nhà hình thành trong tương lai, thì nguồn vốn vay tín dụng có vị trí rất quan trọng, là "bà đỡ" giúp chủ đầu tư triển khai các bước tiếp theo. Trong bối cảnh thị trường bất động sản đang xuất hiện những đợt sóng hồi, các doanh nghiệp địa ốc cho rằng, ngân hàng nên tối giản điều kiện cho vay.

Trước mắt, như đề xuất của Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, là ngân hàng không hạ chuẩn song có thể xem xét nới các điều kiện vay vốn như bỏ trần chi phí lãi vay 30%; không yêu cầu chủ đầu tư phải cung cấp văn bản thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở… Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cũng kiến nghị, Ngân hàng Nhà nước cần có chính sách cụ thể, đặc thù, áp dụng tại từng thời điểm, phù hợp với từng sự vụ để góp phần hỗ trợ giải quyết một cách nhanh nhất, kịp thời nhất vấn đề vốn tín dụng cho bất động sản. Trong đó, cần sớm có cơ chế áp dụng với nhóm những doanh nghiệp bất động sản, dự án bất động sản có phát hành trái phiếu doanh nghiệp, vay tín dụng… nhưng hiện gặp khó khăn, phải thực hiện nghĩa vụ trong năm 2024, tránh tình trạng “nước đến chân mới nhảy”, gây “tăng áp”.

Khách quan mà nói, doanh nghiệp cũng phải thông cảm với ngân hàng, bởi cho vay nhiều chưa chắc đã tốt. Điều quan trọng là nguồn vốn tín dụng phải đến được những doanh nghiệp làm ăn hiệu quả, những dự án có tính khả thi, những dự án có khả năng thu hồi vốn và trả nợ, khi đó, ngân hàng mới có thể tạo cơ hội cho doanh nghiệp vay vốn. Như vậy, để nguồn vốn cho bất động sản trúng và đúng đích, thì như quan điểm của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, bà Nguyễn Thị Hồng, các tổ chức tín dụng cần tiếp tục xem xét, rà soát thủ tục để có thể rút ngắn tối đa thời gian phê duyệt tín dụng; doanh nghiệp cũng phải minh bạch hồ sơ, rõ ràng, lành mạnh trong hoạt động. Và lúc này, bài toán tiếp cận và giải ngân tín dụng cho doanh nghiệp bất động sản mới có lời giải hợp lý cho các bên.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản