Tài trợ lập quy hoạch khu đô thị: Thận trọng, nhưng không cứng nhắc
Nhiệt Băng - 25/08/2022 13:57
 
Cùng với “sốt đất”, tại nhiều địa phương ở miền Trung và Tây Nguyên thời gian qua rộ lên tình trạng doanh nghiệp hoặc liên danh xin tài trợ kinh phí lập quy hoạch khu đô thị, khu dân cư…
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đến Lâm Đồng xin tài trợ quy hoạch, đăng ký dự án đầu tư.

Đua xin tài trợ lập quy hoạch

Tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, đã xuất hiện nhiều doanh nghiệp, nhất là các “ông lớn” bất động sản “đua nhau” tài trợ kinh phí lập quy hoạch. Đáng chú ý, việc tài trợ kinh phí lập quy hoạch này thường gắn với diện tích đất lập quy hoạch rất lớn, lên đến hàng trăm héc-ta.

Tháng 3/2022, Công ty cổ phần Tổng công ty Đầu tư Hợp Nghĩa đề xuất tài trợ lập quy hoạch Khu dân cư Tịnh Phong và Công viên Trung tâm TP. Quảng Ngãi mở rộng.

Đối với đề xuất này, Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, việc tài trợ lập quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị được Nhà nước khuyến khích thực hiện tại khoản 2, Điều 19, Luật Xây dựng và khoản 2, Điều 12, Luật Quy hoạch đô thị. Tuy nhiên, tại các điều khoản nêu trên, Luật chỉ quy định khuyến khích việc tài trợ kinh phí để lập quy hoạch. Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị và các văn bản hướng dẫn thi hành luật hiện chưa có quy định việc tài trợ lập quy hoạch theo hình thức hợp đồng 3 bên.

Cho rằng, qua khảo sát cách làm của một số tỉnh như Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Hải Dương, Bắc Cạn, Lạng Sơn… đã triển khai hình thức này, Sở Xây dựng đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh thực hiện như các tỉnh nêu trên, hoặc xin chủ trương đề xuất UBND tỉnh làm thí điểm, với điều kiện: “Việc tài trợ kinh phí lập quy hoạch phải đảm bảo tự nguyện, không điều kiện, không vì lợi ích của nhà tài trợ kinh phí, làm ảnh hưởng tới lợi ích chung của cộng đồng, của xã hội, cũng như đảm bảo tính minh bạch trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch. Việc lựa chọn chủ đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng trong phạm vi khu vực được tài trợ kinh phí lập quy hoạch thực hiện theo đúng quy định của pháp luật hiện hành. Nhà tài trợ kinh phí lập quy hoạch không được ưu tiên trong quá trình lựa chọn chủ đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng”.

Mới đây, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Newhaus (quận Bình Thạnh, TP.HCM) đề xuất tài trợ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 tại xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa và xã Đức Lợi, huyện Mộ Đức trên diện tích 195 ha. Đề xuất này được sở, ngành, địa phương liên quan phần diện tích tài trợ quy hoạch ủng hộ, thống nhất.

Việc tài trợ quy hoạch trên sẽ không có gì “tranh cãi”, nếu không liên quan đến 2 dự án mà UBND tỉnh Quảng Ngãi đã cấp quyết định chủ trương đầu tư từ trước. Đó là Dự án Tổ hợp chăm sóc phục hồi sức khỏe, làm đẹp và nghỉ dưỡng được cấp quyết định chủ trương đầu tư ngày 14/11/2019 cho Công ty TNHH Đầu tư và Du lịch Long Phụng. Diện tích đất và mặt nước mà tỉnh Quảng Ngãi cho doanh nghiệp này thuê là gần 96 ha, tại các xã Đức Lân, Đức Lợi và Đức Thắng (huyện Mộ Đức); vốn đầu tư 570 tỷ đồng.

Cũng trong năm 2019, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã cấp quyết định chủ trương đầu tư Dự án Khu du lịch sinh thái Bãi Dừa (giai đoạn II) cho Công ty TNHH Phú Điền. Dự án được cấp quyết định chủ trương đầu tư tại xã Nghĩa Hòa và xã Đức Lợi trên tổng diện tích 53,32 ha, tổng vốn đầu tư 270 tỷ đồng.

Theo quyết định chủ trương đầu tư, đến quý III/2022, Dự án Tổ hợp chăm sóc phục hồi sức khỏe, làm đẹp và nghỉ dưỡng và Dự án Khu du lịch sinh thái Bãi Dừa (giai đoạn II) phải hoàn thành đưa vào hoạt động, nhưng đến tháng 5/2022, chủ đầu tư vẫn chưa được giao đất, cho thuê đất.

Từ sự chồng chéo này, việc lập quy hoạch mới, theo đề xuất tài trợ kinh phí của Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Newhaus, liệu có “đụng chạm” đến quyền lợi của chủ đầu tư 2 dự án mà UBND tỉnh Quảng Ngãi đã cấp chủ trương đầu tư trước đó?

Tại Lâm Đồng, nhiều doanh nghiệp cũng “đổ xô” xin tài trợ kinh phí lập quy hoạch. Đầu năm 2022, Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Nam Miền Trung đề nghị UBND tỉnh chấp thuận chủ trương được tài trợ nghiên cứu, khảo sát và lập đồ án nghiên cứu quy hoạch phân khu 1/2.000 Khu đô thị du lịch Liên Nghĩa (huyện Đức Trọng) với diện tích 335 ha. Tuy vậy, Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng, cần đánh giá, rà soát, tránh làm ảnh hưởng đến việc sử dụng đất rừng phòng hộ, đất có rừng tự nhiên, đất quốc phòng, đất trồng lúa…,, đồng thời, cần kế thừa các quy hoạch đã được phê duyệt.

Vị trí đề xuất lập quy hoạch phân khu 1/2.000 Khu đô thị du lịch Liên Nghĩa đã vấp phải phản ứng từ UBND huyện Đức Trọng. Theo đó, UBND huyện Đức Trọng cho rằng, vị trí đề xuất lập quy hoạch không phù hợp, vì hiện trạng trong ranh giới đề xuất khảo sát lập quy hoạch đã có quy hoạch chi tiết khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cánh đồng Liên Nghĩa - Phú Hội tỷ lệ 1/2.000, quy mô 271,26 ha, được UBND huyện Đức Trọng phê duyệt vào ngày 4/4/2014.

Từ đó, UBND huyện Đức Trọng đề nghị không xem xét đề xuất tài trợ quy hoạch tại vị trí nêu trên.

Đáng chú ý, tháng 3/2022, UBND tỉnh Lâm Đồng đã đồng ý về nguyên tắc để Công ty cổ phần Đầu tư Eden Dallas nghiên cứu, đăng ký dự án đầu tư Khu đô thị du lịch trên phần diện tích khoảng 19 ha thuộc quyền sử dụng của Công ty tại xã Đạ Sar (huyện Lạc Dương) và đồng ý về nguyên tắc để Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Sao Đỏ tổ chức khảo sát, nghiên cứu và đề xuất ý tưởng quy hoạch (khoảng 820 ha) tại xã Đạ Sar (huyện Lạc Dương).

Sở Xây dựng sau đó đã đề nghị UBND huyện Lạc Dương phối hợp, làm việc với Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Sao Đỏ tổ chức kiểm tra, rà soát, xác định phạm vi ranh giới lập ý tưởng quy hoạch, đảm bảo không trùng lắp với phạm vi, ranh giới khu vực có diện tích khoảng 19 ha mà UBND tỉnh đã chấp thuận cho Công ty cổ phần Đầu tư Eden Dallas nghiên cứu, đăng ký dự án đầu tư Khu đô thị du lịch tại xã Đạ Sar...

Không để lợi dụng trục lợi, lợi ích nhóm

Theo ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng tại Văn bản 3026 (ngày 4/5/2022), thời gian qua, có nhiều doanh nghiệp đề xuất nghiên cứu, khảo sát và tài trợ kinh phí lập quy hoạch và đề xuất các dự án đầu tư liên quan đến phát triển đô thị, hình thành đô thị du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí…

Trong bối cảnh ngân sách địa phương eo hẹp, việc xã hội hóa kinh phí tài trợ từ các doanh nghiệp là cần thiết. Tuy nhiên, việc đánh giá một quy hoạch do doanh nghiệp tài trợ để địa phương lập có minh bạch hay không là không hề dễ.

UBND tỉnh Lâm Đồng thống nhất chủ trương việc tiếp nhận tài trợ nguồn kinh phí hợp pháp từ các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước để lập quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị (chỉ tiếp nhận nguồn kinh phí tài trợ; không tiếp nhận tài trợ các sản phẩm quy hoạch) để thực hiện các quy hoạch trên địa bàn tỉnh theo 4 nguyên tắc.

Thứ nhất, việc tài trợ, sử dụng kinh phí tài trợ lập quy hoạch phải đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật về Luật Ngân sách và các quy định có liên quan.

Thứ hai, việc tổ chức lập đồ án quy hoạch xây dựng, đô thị phải đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật về trách nhiệm, thẩm quyền và trình tự, thủ tục tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt theo quy định tại Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị.

Thứ ba, việc lựa chọn tư vấn lập quy hoạch phải được thực hiện theo các quy định của pháp luật về đấu thầu.

Thứ tư, việc lựa chọn nhà đầu tư và thực hiện các dự án đầu tư theo quy hoạch được duyệt phải tuân thủ theo quy định của pháp luật hiện hành về đầu tư, đấu thầu, kinh doanh bất động sản, nhà ở, đất đai và pháp luật khác có liên quan, nhất là không để lợi dụng trục lợi, lợi ích nhóm.

Lý thuyết là vậy, nhưng tại Lâm Đồng vẫn có doanh nghiệp đề xuất tài trợ cả sản phẩm quy hoạch như Đồ án quy hoạch xây dựng tỷ lệ 1/500 Khu dân cư Lữ Gia kết hợp với phố đi bộ và chợ đêm tại phường 9, TP. Đà Lạt. Tuy nhiên, đề xuất trên đã “kịp thời” bị “lắc đầu” tại Sở Xây dựng.

Đối với việc doanh nghiệp đề xuất tài trợ theo hình thức “tài trợ sản phẩm là đồ án quy hoạch”, Bộ Xây dựng khẳng định, pháp luật về xây dựng chỉ quy định về việc tài trợ kinh phí để lập quy hoạch xây dựng.

Chưa kể, theo tài liệu của phóng viên Báo Đầu tư, một số doanh nghiệp khi xin khảo sát, nghiên cứu tài trợ quy hoạch đã “tranh thủ” đăng ký luôn dự án đầu tư.

Ngày 15/3/2022, Sở Kế hoạch và Đầu tư Lâm Đồng lấy ý kiến việc Liên danh Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư quốc tế DHR và Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển thương mại Đại An đề xuất khảo sát, nghiên cứu tài trợ quy hoạch và đăng ký dự án đầu tư Quần thể vui chơi giải trí làng Hà Lan tại xã Phú Hội, huyện Đức Trọng. Điều lạ là khu vực đề xuất nghiên cứu, tài trợ quy hoạch đã quy hoạch lâm nghiệp đối tượng rừng sản xuất (khoảng 1.144,35 ha); đối tượng rừng phòng hộ (khoảng 569,11 ha). Bất ngờ, ngày 10/8/2022, UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo tạm dừng tiếp nhận tài trợ kinh phí lập quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị sau khi có hướng dẫn cụ thể từ Trung ương.

Mới đây, Bộ Xây dựng đã đề nghị các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm đảm bảo việc tài trợ kinh phí lập quy hoạch là tự nguyện, không điều kiện, không vì lợi ích của nhà tài trợ làm ảnh hưởng tới lợi ích chung của cộng đồng, của xã hội, cũng như tính minh bạch trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch và không gắn với việc lựa chọn nhà đầu tư.

Một chuyên gia về lĩnh vực xây dựng cho rằng, trong bối cảnh ngân sách địa phương eo hẹp, việc xã hội hóa kinh phí tài trợ từ các doanh nghiệp là cần thiết. Tuy nhiên, việc đánh giá một quy hoạch do doanh nghiệp tài trợ để địa phương lập có minh bạch hay không là không hề dễ. “Nếu hoạt động này núp bóng “lợi ích” dưới dạng này hay dạng khác, thì cơ quan có trách nhiệm và người dân địa phương cũng khó phát hiện”, chuyên gia này chia sẻ.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản