Thái Nguyên “mảnh đất hứa” cho nhà đầu tư bất động sản công nghiệp
Anh Hoa - 24/05/2023 16:25
 
Với những cam kết mạnh mẽ, hành động quyết liệt, Thái Nguyên khẳng định vị thế là một trong những địa phương năng động nhất cả nước về thu hút đầu tư vào bất động sản công nghiệp.

“Địa chỉ đỏ” dẫn lối cho nhà đầu tư

Công ty cổ phần Công nghệ Viễn thông Sài Gòn (Saigontel, mã SGT - sàn HoSE) vừa thông qua kế hoạch mở rộng thêm chi nhánh mới ở Thái Nguyên. Trong đó, Công ty giao ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Saigontel thực hiện các thủ tục liên quan tới việc thành lập chi nhánh.

Saigontel được biết đến là nhà đầu tư vào khu công nghiệp “mới nổi” ở Thái Nguyên.

Tháng 11/2022, Saigontel đồng loạt khởi công 3 cụm công nghiệp ở Thái Nguyên. Cụ thể, Cụm công nghiệp Tân Phú 1, Tân Phú 2 và cụm công nghiệp Lương Sơn, với tổng số vốn ước tính từ 800 triệu USD, có tổng diện tích khoảng 165,5ha và dự kiến sẽ thu hút khoảng 200-350 doanh nghiệp vào đầu tư. Ngoài ra, Saigontel còn là đơn vị phát triển hạ tầng tại Khu công nghiệp Phú Bình, với vốn đầu tư ước tính là hơn 131 triệu USD.

Với vị trí chiến lược thuận tiện, các cụm công nghiệp này  được chủ đầu tư và tỉnh kỳ vọng các cụm công nghiệp này khi đi vào hoạt động sẽ tạo động lực cho phát triển ngành công nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa của Thái Nguyên.

Đặc biệt, các dự án này sẽ sử dụng có hiệu quả nguồn lực đất đai, liên kết các khu, cụm công nghiệp trong vùng tạo thành các hệ sinh thái công nghiệp gắn với chuỗi giá trị bền vững. Đây cũng là một trong những vấn đề đặt ra theo như Quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của tỉnh.

Phối cảnh Dự án một trong 3 cụm công nghiệp của Saigontel) ở Thái Nguyên
Phối cảnh dự án một trong 3 cụm công nghiệp của Saigontel ở Thái Nguyên.

Theo ông Trịnh Việt Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên, chính quyền tỉnh cam kết luôn sẵn sàng hỗ trợ các nhà đầu tư bất kể mới hay cũ, đầu tư trong hay ngoài khu công nghiệp đều sẽ nhận được sự hỗ trợ nhanh chóng, kịp thời trong quá trình thực hiện các dự án.

Ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Công nghệ Viễn thông Sài Gòn (Saigontel), chia sẻ, Thái Nguyên đã thực sự tạo dấu ấn với các nhà đầu tư.

“Các nhà đầu tư đã thấu hiểu tinh thần, chủ trương, chiến lược về thu hút đầu tư của tỉnh, tạo tiền đề để sớm đầu tư tại Thái Nguyên trong thời gian tới”, ông Đặng Thành Tâm cho biết.

Theo các chuyên gia, những biến động của thị trường thế giới, xung đột Nga - Ukraine, khủng hoảng năng lượng, xu hướng bảo hộ sản xuất trong nước gia tăng... dẫn tới những thay đổi đáng kể trong môi trường kinh doanh và đầu tư toàn cầu. Dòng vốn FDI từ đó có sự dịch chuyển mạnh mẽ với các nước đang phát triển ở khu vực châu Á. 

Các chuyên gia cho rằng, chính quyền tỉnh Thái Nguyên đã tiếp tục phát huy tinh thần năng động và sự ủng hộ mạnh mẽ với khu vực kinh tế tư nhân.

Những năm gần đây, điểm số PCI của Thái Nguyên cao hơn giá trị trung vị cả nước, đứng Top đầu các tỉnh trung du miền núi phía Bắc.

Năm 2022, PCI Thái Nguyên đạt 66,10 điểm, xếp thứ 25 toàn quốc, tăng 3 bậc so với năm 2021.

Giai đoạn 2015 - 2020, Thái Nguyên luôn đứng Top cao cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh (xếp hạng từ 7 - 18).

Với việc lọt Top 4 các tỉnh dẫn đầu thu hút FDI cả nước năm 2022, Thái Nguyên tiếp tục đón nhận những dòng vốn đầu tư từ nước ngoài trong những tháng đầu năm

Đối với Việt Nam nói chung và tỉnh Thái Nguyên nói riêng, sự tác động đó được đánh giá là tích cực do các nhà đầu tư nước ngoài đang quan tâm tìm đến như một thị trường ổn định, nhiều tiềm năng.

Thống kê từ Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Thái Nguyên cho thấy, tính riêng trong 3 tháng đầu năm 2023, Ban đã làm việc với 11 nhà đầu tư đến tìm hiểu thuê đất tại khu công nghiệp, đang hướng dẫn thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 3 doanh nghiệp để thực hiện dự án trong Khu công nghiệp Sông Công I, Khu công nghiệp Yên Bình, Khu công nghiệp Điềm Thụy (Khu A).

Theo ông Lê Kim Phúc, Trưởng ban Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Thái Nguyên, tỉnh tiếp tục đón nhận những dòng vốn FDI đầu tư vào tỉnh, hứa hẹn bức tranh sáng màu trong năm 2023.

Trong 4 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh có 8 dự án FDI được cấp mới, với tổng số vốn đăng ký là 98,2 triệu USD. Lũy kế đến nay trong các khu công nghiệp có tổng số 274 dự án được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư còn hiệu lực, trong đó có 180 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký đầu tư là 10.617,776 triệu USD và 133 dự án DDI với tổng số vốn đăng ký đầu tư 16.090,913 tỷ đồng.

Chương trình xúc tiến đầu tư của tỉnh Thái Nguyên thời gian tới sẽ tập trung vào phát triển cơ sở hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; phát triển khu vực phía Nam (hạ tầng du lịch, thể thao, giải trí, nghỉ dưỡng ở phía Đông dãy núi Tam Đảo, hồ Núi Cốc phát triển các khu đô thị bám theo tuyến đường liên kết vùng Bắc Giang - Vĩnh Phúc và đường vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội).

Trong đó, chú trọng thu hút các dự án công nghệ cao, thân thiện với môi trường, hình thành và phát triển chuỗi sản xuất, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận mặt bằng sản xuất - kinh doanh, tiếp cận các thông tin về thị trường, đầu tư và doanh nghiệp…

“Kim chỉ nam” từ tầm nhìn quy hoạch tỉnh

Theo Quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tỉnh Thái Nguyên phấn đấu đến năm 2030 trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của vùng Thủ đô Hà Nội gắn với phát triển bền vững, có sức lan tỏa, tác động đến phát triển công nghiệp toàn vùng Trung du và miền núi phía Bắc.

Trên cơ sở đó, Thái Nguyên xác định bước đột phá trong phát triển là tập trung phát triển cơ sở hạ tầng tại khu vực phía Nam của tỉnh; ưu tiên đầu tư giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất thu hút nhà đầu tư; phát triển hạ tầng giao thông và khu công nghiệp gắn kết với sự phát triển của vùng Thủ đô Hà Nội.

KCN Phú Bình có tổng diện tích 675 ha, vốn đầu tư 3.000 tỷ đồng Thời điểm có thể bàn giao đất: Q1/2024 (dự kiến) Khu công nghiệp (dự kiến 2022-2072) – Thời điểm có thể bàn giao đất: Q1/2024 (
Khu công nghiệp Phú Bình ở huyện Phú Bình có tổng diện tích 675 ha, vốn đầu tư 3.000 tỷ đồng. Dự kiến sẽ  có thể bàn giao đất vào quý I/2024.

Bên cạnh đó, Thái Nguyên cũng chú trọng phát triển khu vực kinh tế tư nhân, công nghệ cao; khuyến khích hình thành những cụm ngành, cụm sản xuất có sự tương quan cùng lĩnh vực làm tiền đề, cơ sở kết nối chuỗi sản xuất, chuỗi sản phẩm, chuỗi giá trị nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Trong đó, việc quy hoạch các khu công nghiệp, cụm công nghiệp được coi là một trong những bệ phóng chính để Thái Nguyên bứt tốc.

Thời kỳ 2021-2030, tỉnh Thái Nguyên sẽ phát triển, mở rộng 11 khu công nghiệp và 1 khu công nghệ thông tin tập trung; phát triển 41 cụm công nghiệp; quy hoạch các khu chức năng tổng hợp và nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí, trong đó có 13 sân gôn…

Tính đến nay, Thái Nguyên đã có 5 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích gần 1.500 ha, gồm: Khu công nghiệp Sông Công I (thành phố Sông Công) 196,88 ha, trong đó mở rộng 1,88ha; Khu công nghiệp Điềm Thụy (Phú Bình và Phổ Yên) 361,1 ha trong đó mở rộng thêm 11,1 ha; Khu công nghiệp Nam Phổ Yên (Phổ Yên) 263 ha, trong đó mở rộng thêm 143 ha; Khu công nghiệp Yên Bình (Phổ Yên) 400 ha; Khu công nghiệp Sông Công II (thành phố Sông Công) 250 ha.

Thái Nguyên cũng đã có 3 khu công nghiệp có trong quy hoạch gồm: Khu công nghiệp Sông Công II giai đoạn 2 (thành phố Sông Công 300 ha); Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Phú Bình (tổng diện tích 900 ha, trong đó đất khu công nghiệp 675 ha tại huyện Phú Bình và Khu công nghệ tập trung Yên Bình (Phổ Yên và Phú Bình) 200 ha.

Theo định hướng, tới năm 2030, Thái Nguyên sẽ thêm 4 khu công nghiệp mới với khoảng gần 1.600 ha nữa là: Khu công nghiệp Yên Bình 2 (Phổ Yên và Phú Bình 301 ha); Khu công nghiệp Yên Bình 3 (Huyện Phú Bình 300 ha); Khu công nghiệp Thượng Đình (Huyện Phú Bình 130 ha) và Khu công nghệ - đô thị - dịch vụ Tây Phổ Yên (Quy hoạch toàn khu là 1.128 ha, trong đó có 868 ha đất khu công nghiệp, 260 ha đất đô thị - dịch vụ).

Có thể nói, Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt  là “kim chỉ nam” cho các hoạt động, các bước phát triển tiếp theo, không chỉ cho thời kỳ này mà còn cho cả các thời kỳ sau.

Với những cam kết mạnh mẽ và hành động quyết liệt, Thái Nguyên tiếp tục khẳng định vị thế là một trong những địa phương năng động nhất cả nước về thu hút đầu tư. Và chính sự năng động này của tỉnh đang tạo nên kỳ vọng lớn trong thu hút đầu tư của Thái Nguyên trong thời gian tới.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản