Thâu tóm dự án để rồi…mắc kẹt
- 30/05/2014 07:43
 
TIN LIÊN QUAN

Cuối cùng, Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát cũng phải “nhả” khu đất rộng 3.600 m2 tại 36 - Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội cho Tập đoàn FLC.

   
  Hiện trạng Dự án Hanoi Time Towers mà Ocean Group bị mắc kẹt  

Mảnh đất có vị trí đắc địa này được Hải Phát thâu tóm cách đây vài năm, với mục tiêu xây dựng một cao ốc 35 tầng làm trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê và căn hộ để bán.

Nhưng cho đến nay, toà cao ốc này vẫn chỉ tồn tại trên giấy. Do thiếu vốn triển khai các dự án khác, cực chẳng đã, Hải Phát buộc phải bán lại dự án này.

Trên thực tế, những doanh nghiệp thừa tiền đi thâu tóm dự án trong lúc thị trường bất động sản khủng hoảng, nhưng rồi chính họ lại mắc kẹt do khủng hoảng kéo dài và rơi vào bẫy đầu tư dàn trải như Hải Phát không phải là hiếm. Công ty cổ phần Phát triển đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà (Sudico) cũng rơi vào vũng lầy tương tự.

Trong thời kỳ bất động sản sốt nóng 2006-2008, Sudico phất như diều gặp gió, thu lợi hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Thừa tiền, Sudico đã đi thâu tóm một loạt dự án. Cách đây 4 năm, Sudico ký hợp đồng góp 70% trong tổng vốn đầu tư 397 tỷ đồng của Khu du lịch Cartus Cam Ranh Resort tại Khánh Hòa.

Mạnh tay nhất là khoản đầu tư tới hơn 900 tỷ đồng để mua lại Dự án Khu đô thị Hòa Hải rộng 12 ha tại Đà Nẵng.  Nhưng kể từ năm 2008, việc kinh doanh của Sudico liên tục tụt dốc và đến năm 2012 đã lỗ tới hơn 300 tỷ đồng. Không những đói vốn để triển khai các dự án đã mua lại, Sudico cũng gặp khó khăn trong việc triển khai các dự án một thời “đẻ trứng vàng” như Khu đô thị Nam An Khánh.

Tình thế khó khăn đã buộc Sudico phải thoái vốn khỏi Dự án Cartus Cam Ranh Resort. Nhưng đối với Dự án Khu đô thị Hòa Hải thì Sudico vẫn mắc kẹt, khi đã rao bán nhưng không có người mua. Việc triển khai kinh doanh tiếp cũng không khả thi, vì giá đất thời điểm hiện tại ở Đà Nẵng đã giảm 50% so với lúc mua, thanh khoản của thị trường bất động sản địa phương này vẫn đang đóng băng.

Trong khi đó, Công ty cổ phần Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group) từng gây ngạc nhiên với giới đầu tư bất động sản và chứng khoán, khi mua lại phần vốn góp rất lớn của Tổng công ty Xây lắp Dầu khí tại Công ty cổ phần Bất động sản cao cấp dầu khí (PVCR) với giá cao gấp vài lần so với giá thị trường. PVCR chính là chủ đầu tư tháp đôi Hanoi Time Towers tại Khu đô thị Văn Phú (quận Hà Đông, Hà Nội). Dự án này đã xây dựng được 2 tầng hầm và 4 tầng nổi trước khi dừng lại hẳn.

Những tưởng khi Ocean Group nhảy vào cứu thì dự án sẽ hồi sinh, nhưng cho đến thời điểm này, Dự án vẫn bất động do khách hàng không chịu đóng tiếp tiền đợt 2. Không chỉ PVCR mắc kẹt với dự án này, vì đã chi tới 382 tỷ đồng nhận chuyển nhượng và nộp lệ phí sử dụng đất cho khu đất phát triển Dự án từ Văn Phú Invest, mà chính người thâu tóm tiếp theo là Ocean Group cũng lại mắc kẹt với dự án này.

Một số doanh nghiệp ở TP.HCM cũng rơi vào vũng lầy sau khi thâu tóm dự án. Công ty cổ phần Địa ốc Đông Dương là một ví dụ. Công ty đã từng thâu tóm khu đất xây dựng trung tâm thương mại và văn phòng cho thuê từ Công ty cổ phần Xây dựng và Địa ốc Hoà Bình với giá trị chuyển nhượng hơn 12 triệu USD. Tuy nhiên, sau khi thâu tóm, Đông Dương cũng chỉ đủ lực xây dựng xong phần thô, rồi để dự án nằm bất động suốt hơn một năm qua.

TIN LIÊN QUAN
Hé lộ bàn tay đạo diễn những vụ thâu tóm dự án ở Hà Nội
Hồi sinh nhiều dự án “trùm mền”
M&A dự án bất động sản bắt đầu "dậy sóng"
M&A dự án bất động sản: Sóng ở đáy sông
Sẽ có luồng tiền từ Đài Loan chảy vào địa ốc TP.HCM
Đại gia Việt mua Vincom Center A từng bỏ dở dự án
Điểm mặt thương vụ M&A bất động sản kỷ lục
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản