Thị trường bất động sản ĐBSCL 2021: Phục hồi nhưng chưa đột phá
Trúc Giang - 20/03/2021 08:54
 
Dự kiến năm 2021, nguồn cung nhà, đất trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sẽ khoảng 10.000 sản phẩm, với mức giá tăng từ 15 - 20%.

Tại Hội nghị tổng kết năm 2020, dự báo thị trường bất động sản (BĐS) ĐBSCL năm 2021 do Hiệp hội BĐS TP. Cần Thơ tổ chức chiều 19/3, các chuyên gia, doanh nghiệp BĐS đã có những chia sẻ thông tin, nhận định về thị BĐS trong vùng.

Ông Phạm Văn Luận, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. Cần Thơ phát biểu khai mạc Hội nghị

Ông Hồ Quang Tây, Văn phòng đại diện Hội môi giới BĐS Việt Nam khu vực ĐBSCL cho rằng, là trung tâm khu vực ĐBSCL và được đầu tư mạnh trong những năm qua, Cần Thơ đang lọt vào tầm ngắm của giới đầu tư.

Mặt bằng giá BĐS ở TP. Cần Thơ nhìn chung không cao so với các đô thị lớn, nhưng sản phẩm chưa có sự đa dạng. Do đó, các doanh nghiệp BĐS đang có xu hướng mở rộng địa bàn hoạt động ra các tỉnh lân cận Cần Thơ, như: Vĩnh Long, Hậu Giang, An Giang và các tỉnh có tiềm năng như Bạc Liêu, Kiên Giang. Về lâu dài, nếu TP. Cần Thơ tập trung đa dạng hóa sản phẩm BĐS ở nhiều phân khúc khác nhau sẽ phát huy hơn nữa sức hút của một thị trường BĐS sôi động, đầy tiềm năng, trung tâm của vùng ĐBSCL.

Ông Hồ Quang Tây dự báo trong năm 2021, thị trường BĐS khu vực ĐBSCL sẽ có sự phục hồi nhưng chưa có sự đột phá. Nguồn cung sẽ có sự cải thiện, các chủ đầu tư sẽ đa dạng hóa sản phẩm để phù hợp với nhu cầu của thị trường.

Về tổng quan tình hình bất động sản ĐBSCL, theo báo cáo của Hiệp hội BĐS Việt Nam, những Dự án được đầu tư hoàn thiện hạ tầng, đầy đủ pháp lý được phát triển bởi các chủ đầu tư uy tín, được thị trường đón nhận tích cực. Các Dự án vị trí trung tâm thành phố mức giá bình quân từ 40 - 60 triệu đồng/m2. Dự án khu vực cửa ngõ mức giá từ 20 - 30 triệu đồng/m2. Mức tăng bình quân khoảng 7- 10% so với năm 2019.

Ông Phạm Văn Luận, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. Cần Thơ

“Hạ tầng giao thông chính là yếu tố then chốt quyết định tiềm năng của BĐS. Trong những năm gần đây, phát triển hạ tầng giao thông trong vùng ĐBSCL nhận được sự quan tâm đầu tư từ Chính phủ với hàng loạt dự án đang triển khai sẽ thúc đẩy nhanh tiến trình đô thị hóa tại các tỉnh thành ĐBSCL, và là “cú hích” tạo đà cho sự phát triển của thị trường BĐS Tây Nam Bộ trong năm 2021”, ông Tây nói.

Theo ông Dương Quốc Thủy, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đất Xanh Miền Tây, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. Cần Thơ, tại ĐBSCL, cấu trúc sản phẩm ngày càng đa dạng nhiều tiềm năng lợi thế như: nhà phố, xây sẵn, shophouse thương mại, biệt thự... Hiện tại quỹ đất tại trung tâm và cửa ngõ đô thị tại miền Tây đang dồi dào hơn các khu vực khác.

Riêng thị trường BĐS Cần Thơ, theo nhận định của ông Thủy, đang trên đà tăng trưởng tốt nhờ hạ tầng giao thông đang được đầu tư hoàn thiện. Khu vực quận Bình Thủy cũng sẽ đón nhận mặt bằng giá mới khi được quy hoạch đến năm 2030 trở thành đô thị trung tâm của TP. Cần Thơ.

Khu nhà ở Nam Long được xem là khu dân cư đầu tư bài bản ở Cần Thơ. Ảnh: Hữu Phúc

Đối với các thị trường lân cận TP. Cần Thơ như Hậu Giang, mức giá BĐS sẽ cạnh tranh và hấp dẫn nhà đầu tư tại Cần Thơ do có vị trí địa lý gần TP. Cần Thơ và mức giá còn khá rẻ, từ vài trăm triệu đồng đến trên 1 tỷ đồng/sản phẩm. Tại An Giang, mức giá nhà đất chưa bị đẩy lên quá cao (giá khu vực cửa ngõ khoảng 25 - 30 triệu đồng/m2) và có xu hướng tăng, đây cũng sẽ là thị trường hấp dẫn nhà đầu tư. Còn Vĩnh Long sẽ thu hút nhiều hơn nhà đầu tư vào BĐS, đặc biệt là trong phân khúc đất nền, giá đất có thể tăng lên 15%.

Dự báo trong năm 2021, cùng với chính sách thông thoáng, bên cạnh yếu tố quy hoạch hạ tầng, một số thị trường sẽ có nhiều sản phẩm mới hoặc có dấu hiệu giao dịch sôi động hơn như: các quận/huyện ngoại ô của TP. Cần Thơ; An Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang, khu vực cửa ngỏ Cà Mau, Sóc Trăng, Kiên Giang. Nguồn cung sẽ đa dạng hơn nhờ việc hoàn thiện các thủ tục pháp lý: BĐS nền, nhà ở xây sẵn mức giá từ 2 - 3 tỷ đồng/căn, chung cư giá trung bình, BĐS khu công nghiệp tiếp tục phát triển mạnh nhờ đón đầu cơ sở hạ tầng giao thông và khả năng tài chính của khách hàng miền Tây. Dự kiến năm 2021 nguồn cung nhà, đất trong vùng sẽ khoảng 10.000 sản phẩm, với mức giá tăng từ 15 - 20%.

GS Đặng Hùng Võ phát biểu tại hội nghị

Còn theo nhận định của GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong khoảng 5 năm qua, số nhà đầu tư BĐS chuyên nghiệp đã quan tâm nhiều đến ĐBSCL nói chung và Cần Thơ. Thị trường BĐS ở đây đang trong tình trạng chuyển đổi từ một thị trường thiếu chuyên nghiệp sang thị trường mang tính chuyên nghiệp cao hơn với quan niệm sự tiện lợi trong BĐS, như: hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, vấn đề môi trường... sẽ quyết định giá thành BĐS.

Ông Đặng Hùng Võ cho rằng, đầu tư BĐS ở ĐBSCL, Cần Thơ mức sinh lợi sẽ cao do mức độ tăng giá đất ở đây vượt cao hơn so với việc tăng giá đất theo quy luật thông thường. Đầu tư ở đây hứa hẹn giá đất sẽ tăng nhiều so với miền Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Hồng, ven biển miền Trung..., những nơi được xem là có quá trình phát triển thị trường BĐS lâu hơn.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản