Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng: Nhà đầu tư ngoại tăng “phủ sóng”
Vũ Anh - 09/04/2024 07:59
 
Lĩnh vực kinh doanh khách sạn nghỉ dưỡng tại Việt Nam chưa thoát “bóng đen”, nhưng các nhà đầu tư ngoại đang tranh thủ nắm bắt cơ hội, đón đầu giai đoạn thị trường phục hồi hoàn toàn.
bất động sản nghỉ dưỡng tại Việt Nam có nhiều tiềm năng trong dài hạn
Bất động sản nghỉ dưỡng tại Việt Nam có nhiều tiềm năng trong dài hạn.

Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam vẫn được coi trọng

Nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn luôn coi trọng tiềm năng của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng tại Việt Nam. Do còn nhiều rào cản đối với nhà đầu tư nước ngoài, như quy định, thủ tục liên quan đến phát triển dự án, nên nhà đầu tư thường có xu hướng tìm kiếm và mua bán - sáp nhập (M&A) các dự án đã đi vào hoạt động, đặc biệt là các khách sạn, resort chất lượng, thuộc phân khúc 5 sao tại các đô thị trung tâm như TP.HCM, Hà Nội. 

Tuy nhiên, các chủ đầu tư cũng lưu ý, việc lựa chọn mô hình, sản phẩm phù hợp với điều kiện thị trường và nhu cầu của khách hàng là yếu tố quan trọng để đảm bảo phát triển dự án thành công.

Dẫn chứng, Phú Quốc được mệnh danh là đảo ngọc nghỉ dưỡng, nhưng tình hình kinh doanh trong thời gian qua khá ảm đạm, khiến các nhà đầu tư nước ngoài chần chừ trong quyết định rót vốn.

Theo ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels, khi hoạch định dự án, chủ đầu tư cần cân nhắc kỹ nếu lựa chọn mô hình shophouse. Đơn cử, Phú Quốc đang có rất nhiều nguồn cung sản phẩm này, nhưng phần lớn chưa được đưa vào khai thác kinh doanh.

Ông Mauro Gasparotti phân tích, tùy thuộc vào tầm nhìn và chiến lược của chủ đầu tư, mỗi mô hình bất động sản nghỉ dưỡng đều có lợi thế riêng. Việc tự vận hành khách sạn giúp chủ đầu tư có thể độc lập trong quá trình phát triển, quản lý vận hành. Trong khi đó, các chuỗi khách sạn có nhiều ưu thế về chuyên môn quản lý, mức độ nhận diện thương hiệu, hệ thống phân phối và marketing.

“Việc song hành cùng các thương hiệu áp dụng hệ thống tiêu chuẩn khắt khe, đem đến các sản phẩm chất lượng cho thị trường sẽ giúp tăng tính cạnh tranh cho dự án. Tuy nhiên, điều này cũng đòi hỏi quá trình hoạch định, nghiên cứu kỹ lưỡng và thường sẽ yêu cầu chi phí đầu tư cao hơn”, ông Mauro Gasparotti chia sẻ.

Còn với dòng sản phẩm condotel, không chỉ ở Việt Nam, mà tại Indonesia, Thái Lan cũng có những dự án đối mặt với tình trạng tương tự, vì không được hoạch định, phát triển cẩn trọng.

Nhưng, ở góc độ tích cực, tại thị trường Việt Nam cũng có những sản phẩm condotel thành công, như Dự án Hyatt Regency Đà Nẵng, Melia Hồ Tràm. Điểm chung của những sản phẩm này là đều được hoạch định, xây dựng và quản lý tốt, đem đến giá trị cho chủ đầu tư và chủ sở hữu.

Nhìn chung, mỗi thị trường đều sẽ trải qua một chu kỳ nhất định. Tuy nhiên, so với Thái Lan và Indonesia, thị trường Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức hơn. Giai đoạn 2016 - 2019, Việt Nam ghi nhận một lượng lớn sản phẩm condotel được mở bán, trung bình khoảng 12.000 sản phẩm mở bán mỗi năm. Bên cạnh nguồn cung lớn, nhiều sản phẩm mở bán trong giai đoạn này chạy đua cam kết lợi nhuận, mà thiếu sự cân nhắc thấu đáo đến kết quả hoạt động tổng thể.

Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) nhận định, bất động sản nghỉ dưỡng vẫn chưa thoát khỏi trạng thái ảm đạm, dù nhiều phân khúc khác đã có dấu hiệu phục hồi. Theo dữ liệu của VARS, trong năm 2023, thị trường ghi nhận gần 3.200 sản phẩm thuộc phân phúc này, giảm hơn 80% theo năm. Lượng giao dịch cả năm chỉ đạt hơn 700 căn, chưa phục hồi như kỳ vọng.

Nguyên nhân là, các dự án nghỉ dưỡng vẫn vướng mắc về pháp lý nên chưa thể ra hàng. Trong khi đó, hàng tồn kho chủ yếu là sản phẩm cao cấp, giá trị lớn, phải cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm cắt lỗ từ nhóm nhà đầu tư trước đó. Trên thị trường thứ cấp, biệt thự biển, shophouse nghỉ dưỡng dù giảm giá sâu cũng khó thanh khoản.

“Nước cờ” táo bạo của tên tuổi ngoại

Mặc dù vẫn còn những điểm nghẽn ở phân khúc khách sạn nghỉ dưỡng hay condotel, nhưng loạt thương hiệu khách sạn quốc tế đang dần gia tăng độ hiện diện tại Việt Nam. Hiện nay, toàn thị trường có gần 200 khách sạn mang thương hiệu quốc tế. Các thương hiệu này tiếp nhận khai thác hoặc đầu tư, M&A. Có thể thấy, khối ngoại đang tranh thủ giá bất động sản tốt để “phủ sóng” kinh doanh khách sạn ở Việt Nam.

Trong năm 2023, Marriott International - thương hiệu quản lý khách sạn toàn cầu - đạt thỏa thuận tiếp nhận quản lý 7 khách sạn và resort của Vinpearl. Trong đó, có 3 khách sạn hiện hữu tại Nha Trang, Hội An, Đà Nẵng và 4 cơ sở sẽ được xây mới với tổng cộng hơn 1.200 phòng, dự kiến hoàn tất vào năm 2028.

Ông Rajeev Menon, Chủ tịch Marriott International châu Á - Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc đại lục) cho biết, động thái trên nhằm giúp Tập đoàn có vị thế thuận lợi, đáp ứng nhu cầu về khách sạn đa dạng tại nhiều điểm đến khắp Việt Nam. Marriott International đang điều hành 16 khách sạn và resort tại Việt Nam. Công ty có kế hoạch đưa thêm một số thương hiệu khách sạn mới đến Việt Nam, như The Ritz-Carlton, Westin, Element, Courtyard by Marriott.

Bên cạnh đó, phải kể đến thương vụ Lodgis Hospitality Holdings bắt tay Hanwha Group (Hàn Quốc) để đầu tư và quản lý các dự án khách sạn ở châu Á, bao gồm Việt Nam.

Thành lập năm 2016 bởi Warburg Pincus, VinaCapital và ông Don Lâm, Lodgis không phải cái tên xạ lạ ở Việt Nam khi đang sở hữu Sofitel Legend Metropole (Hà Nội), là cổ đông lớn của The Grand Hồ Tràm Strip (Vũng Tàu), quản lý hơn 1.950 phòng dưới các thương hiệu Maia Resort, Ixora và Hiive. Tổng cộng, Công ty có 11 khách sạn và resort thuộc quyền sở hữu và quản lý tại Việt Nam, Campuchia.

Giới chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp ngoại đang có những bước đi táo bạo, nắm bắt thời cơ định giá tài sản tốt, đẩy mạnh đầu tư trong lĩnh vực kinh doanh khách sạn tại Việt Nam nhằm chuẩn bị bàn đạp đón đầu giai đoạn phục hồi và phát triển của thị trường.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản