Triển khai dự án nhà ở giá rẻ: Bất khả thi nếu chính quyền không vào cuộc
Hà Quang - 02/12/2017 10:16
 
Theo một số doanh nghiệp địa ốc, vẫn có cách làm nhà giá rẻ tại các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM, nếu nhà đầu tư và chính quyền thực sự quyết tâm.
.
Hành lang pháp lý cần thiết cho việc phát triển và quản lý nhà ở xã hội ngày càng đầy đủ và hoàn thiện

Khung chính sách đã đủ

Chia sẻ bài học thành công tại các dự án Ehome và Ehome S (căn hộ dành cho các gia đình trẻ và có thu nhập trung bình) tại TP.HCM trong khuôn khổ Diễn đàn bất động sản Việt Nam 2017 diễn ra gần đây, ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long, chủ đầu tư dự án cho biết, chỉ cần thực hiện được tốt những chính sách Nhà nước đã ban hành thì thị trường nhà giá rẻ đã hấp dẫn nhà đầu tư.

“Trong khoảng mười năm trở lại đây, hành lang pháp lý cần thiết cho việc phát triển và quản lý nhà ở xã hội ngày càng đầy đủ và hoàn thiện, mà mới nhất là Nghị định 100/NĐ-CP/2015 của Chính phủ về việc quản lý và phát triển nhà ở xã hội, tạo ra nhiều động lực mới để doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội”, ông Quang nói.

Tuy nhiên, trong thực tế khi triển khai nhà ở xã hội tại TP.HCM, lãnh đạo Công ty Nam Long cũng chỉ ra nhiều vấn đề cần giải đáp. Trong đó, quan trọng nhất là chính quyền địa phương hình thành và triển khai kế hoạch hành động cụ thể như: Ban hành bộ tiêu chuẩn kỹ thuật riêng cho nhà ở xã hội, nhà thương mại giá rẻ; quy hoạch quỹ đất công để phát triển nhà ở xã hội; triển khai các cơ chế ưu đãi về tài chính, tín dụng và thuế cho người mua nhà và các tổ chức phát triển nhà được Chính phủ cho phép. Đồng thời, giải quyết hai vướng mắc lớn nhất trong phát triển nhà ở xã hội là chi phí giải tỏa và đền bù giải phóng mặt bằng cho các dự án và khung định mức để hạch toán các chi phí xây dựng hạ tầng kỹ thuật và đấu nối cho các dự án phát triển nhà ở xã hội hiện nay.

Đối với các dự án cải tạo chung cư, phát triển nhà ở xã hội, ông Bùi Khắc Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Xuân Mai cho rằng, có thể thực hiện được nếu nhà đầu tư nghiêm túc và minh bạch, khi đó người dân được hưởng lợi, doanh nghiệp cũng được hưởng lợi.

“Tôi tin rằng, hơn 80% người dân ủng hộ cải tạo chung cư cũ, bởi theo quy định đền bù với hệ số 1,3 hay 1,4 thì với căn nhà 40 m2, người dân đã được cỡ 70 - 80 m2. Điều quan trọng là doanh nghiệp phải minh bạch và giữ chữ tín, xây dựng đúng tiến độ”, ông Sơn nói.

Mong muốn hỗ trợ về tài chính

Trao đổi về cách thức thực hiện các dự án cải tạo chung cư, nhà ở xã hội, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) đặt câu hỏi: Vì sao việc triển khai các dự án nhà ở xã hội và nhà ở giá rẻ thời gian qua vẫn chậm? Phải chăng cấp chính quyền chưa quyết tâm hay sợ cái gì? Nếu chính quyền không vào cuộc, chắc chắn không làm được.

Theo Bộ Xây dựng, từ nay đến năm 2020, các khu vực đô thị cả nước có hơn 1,5 triệu người khó khăn về nhà ở (diện tích bình quân dưới 5 m2/người) và 1,7 triệu công nhân có nhu cầu ổn định chỗ ở. Để đáp ứng nhu cầu nhà ở, cần phải xây dựng khoảng 700.000 căn hộ.

“Ở TP. Hải Phòng, chính quyền cho tạm ứng trước từ quỹ phát triển đất, lấy tiền đó để giải phóng mặt bằng. Cả hệ thống vào cuộc để vận động người dân hiểu và thực hiện”, ông Khởi nêu kinh nghiệm của Hải Phòng.

Về vấn đề này, ông Trần Đức Vinh, Tổng giám đốc Trần Anh Group cho rằng, quan trọng là cơ chế thuận lợi. Lấy thí dụ ở TP.HCM, quỹ đất không thiếu. Hàng chục ngàn ha đất tại Bình Chánh, Nhà Bè đang bỏ hoang, dừa nước mọc um tùm… Đây là quỹ đất dồi dào cho phát triển nhà ở giá rẻ. Vậy tại sao doanh nghiệp vẫn ngại đầu tư?

Theo ông Vinh, chính vì chưa tạo được cơ chế đủ hấp dẫn nhà đầu tư, nhất là cơ chế tài chính. Khi gói 30.000 tỷ đồng kết thúc, trong khi chưa có gói hỗ trợ mới, doanh nghiệp muốn làm dự án nhà ở xã hội, nhưng không vay được vốn ưu đãi nên không triển khai.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản