Xuất khẩu xi măng lo đi giật lùi vì thuế phí
Thế Hoàng - 12/05/2017 17:51
 
Việc áp dụng mức thuế suất 5% đối với xi măng xuất khẩu hiện nay là chưa phù hợp với điều kiện thực tế, do nguồn cung đang dư thừa. Áp thuế 5% sẽ làm khó cho xuất khẩu, khiến lượng xi măng bị dồn ứ lại thị trường nội địa thì rất khó khăn cho các nhà sản xuất trong nước.
xi măng trong nước đang trong tình thế khó khăn, nên việc vừa đánh thuế xuất khẩu, vừa không hoàn thuế giá trị gia tăng đối với xi măng có thể khiến doanh nghiệp giảm sức cạnh tranh mạnh trên thị trường quốc tế
Mi măng trong nước đang ở trong tìnhy trạng dư cung, nên việc vừa đánh thuế xuất khẩu, vừa không hoàn thuế giá trị gia tăng đối với xi măng có thể khiến doanh nghiệp giảm sức cạnh tranh mạnh trên thị trường quốc tế

Doanh nghiệp đồng loạt phản pháo thuế xuất khẩu xi măng

Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho biết, sau một thời gian áp dụng Nghị định số 100/2016/NĐ-CP và số 122/2016/NĐ-CP, trong đó: Nghị định số 100/2016/NĐ-CP quy định sản phẩm xuất khẩu là hàng hóa được chế biến từ tài nguyên khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản xuất sản phẩm trở lên sẽ được xếp vào đối tượng không chịu thuế GTGT, không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào – áp dụng từ 01/07/2016.

Nghị định số 122/2016/NĐ-CP quy định: vật tư, nguyên liệu, bán thành phẩm có giá trị tài nguyên khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên sẽ chịu thuế suất xuất khẩu 5% - áp dụng từ 01/09/2016, các doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu xi măng, clinker chịu ảnh hưởng nặng nề.

Trong bối cảnh nguồn cung xi măng đang dư thừa như hiện nay, các doanh nghiệp đều khẳng định, việc áp thuế 5% và không được hoàn thuế VAT sẽ đẩy doanh nghiệp vào cảnh thuế chồng thuế, làm khó cho hoạt động xuất khẩu. Doanh nghiệp và giới luật sư cho rằng, việc đánh thuế xuất khẩu và không hoàn thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng xi măng\

Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) cho biết, kế hoạch trong năm 2017 của Vicem là sản xuất 28 triệu tấn xi măng, trong đó, 25 triệu tấn phục vụ nhu cầu trong nước và 3 triệu tấn còn lại mục tiêu là phải xuất khẩu. 

Mục tiêu đề ra là vậy, nhưng rào cản về áp thuế xuất khẩu đối với  mặt hàng này đã đẩy doanh nghiệp vào tình thế khó khăn, đời sống của nhân công bị ảnh hưởng. Do vậy, việc áp mức thuế suất này đã kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp.

Ông Ngô Đức Lưu, đại diện Công ty CP Vicem Thương mại Xi măng cho rằng, quy định về biểu thuế xuất khẩu này cần phải xem xét lại cho phù hợp với tình hình của thị trường xi măng trong nước. Còn nếu lấy lý do là hạn chế sử dụng tài nguyên để áp thuế cho xi măng xuất khẩu thì doanh nghiệp nhận thấy chưa thỏa đáng.

Hơn nữa, doanh nghiệp tự kê khai chi phí năng lượng trên hoặc dưới 51% thì khó có thể đảm bảo tính chính xác, khách quan.

Theo Cục trưởng Cục thuế xuất nhập khẩu, Tổng Cục Hải quan Lưu Mạnh Tường,  “việc xem xét tạm dừng áp dụng mức 5% đối với mặt hàng xi măng xuất khẩu  là rất khó, vì mức 5% hiện nay là mức thấp nhấp trong khung thuế từ 5 - 20%”.

Nhà nước chủ trương không khuyến khích xuất khẩu tài nguyên, khoáng sản, mà chỉ sử dụng cho sản xuất trong nước. Bởi thực tế vừa qua có rất nhiều sản phẩm là tài nguyên, khoáng sản,.. chỉ được chế biến thô sơ rồi xuất khẩu đi, cũng có nhiều mặt hàng chiếm tới 70% đến 80% là tài nguyên, khoáng sản, năng lượng.

Chủ tịch Hiệp hội xi măng Việt Nam, TS Nguyễn Quang Cung cho rằng, rất khó để xác định chi phí năng lượng 51% đối với mặt hàng xi măng. Không những thế, nếu xem xuất khẩu xi măng là xuất khẩu tài nguyên và cần hạn chế thì là quan niệm hết sức sai lầm.

Theo ông Cung, xi măng trong nước đang trong tình thế khó khăn, nên việc vừa đánh thuế xuất khẩu, vừa không hoàn thuế giá trị gia tăng đối với xi măng có thể khiến doanh nghiệp giảm sức cạnh tranh mạnh trên thị trường quốc tế.
Do vậy, cần phải giải quyết những vướng mắc về biểu thuế liên quan căn cứ 51% hiện nay để xi măng thông quan dễ dàng hơn.

Trong đó, đề xuất áp cách đánh thuế xi măng xuất khẩu tương tự như cách tính thuế thu nhập cá nhân, nghĩa là cứ vượt quá ngưỡng thì mới tính thuế và chỉ tính phần vượt ngưỡng. Còn như hiện này, nếu vượt quá 51% thì cả phần trên 51% và dưới 49% đều phải bị áp thuế, rất bất cập.

Giảm xuất khẩu vì thuế phí

Theo Luật sư Lê Đình Vinh, Giám đốc Công ty Luật Vietthink, thuế VAT cũng như thuế xuất khẩu là thuế gián thu và người nộp thuế và chịu thuế là khác nhau. Đối với các loại thuế gián thu thì người chịu thuế là người tiêu dùng cuối cùng.

Nếu chúng ta áp thuế xuất khẩu cao thì người tiêu dùng phải gánh chịu, đôi khi vượt quá sức chịu đựng của ngươi tiêu dùng và làm giảm sức mua.

Hiện nay thì các yếu tố cấu thành trong giá thành xi măng như: nguyên liệu, nhân công, năng lượng... đều đang có xu hướng tăng. Nếu nhà nước tiếp tục tăng thuế xuất khẩu và không cho hoàn thuế VAT thì sẽ gây áp lực rất lớn lên giá thành của mặt hàng xi măng. Do vậy sẽ làm giảm sức cạnh tranh của mặt hàng xi măng trên thị trường quốc tế, nhất là trong bối cảnh các nước trong khu vực như Trung Quốc, Nhật Bản, Indonesia ... đang đẩy mạnh việc khuyến khích xuất khẩu xi măng.

Xuất khẩu xi măng, clinker đạt 14,7 triệu tấn trong năm 2016, trị giá 561 triệu USD.

So với năm 2015, xuất khẩu xi măng và clinker trong năm 2016 giảm 7,1% về lượng và 16% về trị giá.

Philippiness và Bangladesh là hai thị trường xuất khẩu xi măng và clinker lớn nhất của Việt Nam.

Sản lượng xuất khẩu của ngành xi măng hiện đã giảm đáng kể từ năm 2015 đến nay do sự cạnh tranh gay gắt với  xi măng giá rẻ của Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan. Bên cạnh đó, chi phí xuất khẩu tăng cũng khiến cho xuất khẩu giảm sút...

Theo quan điểm của các doanh nghiệp, với xi măng,  thuế tài nguyên ngày càng tăng, cộng với chi phí nhân công ngày càng tăng, lại thêm thuế phí khiến giá thành sản xuất cao thì xi măng trong nước không thể nào cạnh tranh được.

Hệ lụy từ giá bán sau áp thuế xuất khẩu sẽ cao hơn hẳn các đối thủ trong khu vực sẽ các các đối tác, bạn hàng, khách hàng đang mua xi măng, clinker sẽ phải từ bỏ thị trường Việt Nam, chuyển hướng sang mua của các thị trường khác trong khu vực có sự ổn định và giá bán cạnh tranh hơn nhiều.

Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho biết, ngành xi măng ngày càng hội nhập sâu, và những năm qua, xuất khẩu xi măng đã mang về nguồn thu ngoại tệ đáng kể.  Khi  thực thi chính sách về thuế xuất khẩu 5% và không đươc hoàn thuế VAT thì giảm sức cạnh tranh của xi măng trong nước..

Tại cuộc họp của Hiệp hội xi măng Đông Nam Á trước đó, các nhà sản xuất tại Indonesia, Thái Lan... đều cho rằng chưa có tiền lệ thu thêm thuế, vì sẽ khiến cạnh tranh của xi măng nước ta giảm. Khi xuất khẩu bị ảnh hưởng thì lượng xi măng dư thừa sẽ tạo áp lực lên thị trường nội địa.

Trước những ý kiến phân tích và đề xuất trên, đại diện Tổng Cục Hải quan cho biết sẽ tiếp thu ý kiến, kiểm tra lại việc thực thi các quy định về áp thuế 5% đối với xi măng xuất khẩu như hiện nay và sẽ có tham vấn cho cơ quan chức năng để có thể có chính sách phù hợp.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản