Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Bí bách vì thiếu tiền mặt
Nguyên Đức - 05/07/2013 07:17
 
Những tên tuổi lớn cả trong và ngoài nước từng lâm vào cảnh hết tiền khi dự án đang dang dở. Phải làm gì trước tình huống này, khi sức ép từ đối thủ cạnh tranh dồn dập đến, thậm chí muốn nhân dịp này "nuốt" luôn dự án?  
TIN LIÊN QUAN

Khá lạc quan, ông Võ Trường Thành, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Gỗ Trường Thành cho biết, bước sang quý III, quý IV năm nay, Tập đoàn sẽ có lợi nhuận tốt hơn.

Đơn hàng đã có và đó là lý do vì sao ông Thành tỏ ra tự tin, sau một thời gian Tập đoàn này kinh doanh khó khăn.

Ông Hồ Bảo Luân, CEO KIRECO Group ở vị trí CEO kỳ này

Trước đó, Báo cáo tài chính quý I/2013 của Gỗ Trường Thành cho thấy, doanh thu của Tập đoàn giảm khoảng 30% so với quý I năm ngoái.

Thiếu tiền, các đơn hàng của Tập đoàn đã không tiếp tục được giao đúng hẹn như dự kiến.

Do Gỗ Trường Thành phải vay vốn nhiều, với chi phí lãi vay trong quý I/2013 lên tới 51,7 tỷ đồng, tuy giảm 200 triệu đồng so với quý IV/2012, nhưng cũng khiến lợi nhuận sau thuế trong quý đầu năm giảm 48% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trường Thành là một tên tuổi lớn trong ngành đồ gỗ xuất khẩu của Việt Nam và vì thế, ít có ai ngờ, cũng có lúc, Tập đoàn này thiếu tiền. Thiếu đến mức, đã có một lãnh đạo của Tập đoàn phải than rằng, tất cả những khó khăn của Trường Thành sẽ được giải quyết dứt điểm, nếu như có… “một cục tiền từ trên trời rơi xuống”.

Nhưng Trường Thành không phải là DN duy nhất thiếu tiền. Cứ nhìn vào hàng ngàn dự án bất động sản bất động hoặc đang triển khai dở dang, sẽ hiểu, DN đang thiếu tiền đến mức nào.

Công ty TNHH Thủy hải sản Mê Kông cũng thế. Chỉ vì thiếu tiền từ năm 2012 đến nay, mà Công ty đã không mua được nguyên liệu sản xuất, nên sản lượng xuất khẩu các mặt hàng cá tra, cá basa giảm 5%. Quý I/2013, dù Công ty có nhiều đơn hàng, nhưng vì không có tiền mua nguyên liệu, nên cũng đành phải từ chối.

Thiếu tiền, không ít dự án dở dang. Thiếu tiền, DN phải nợ lương, thưởng công nhân, nợ tiền của đối tác.

Không chỉ DN Việt Nam khó khăn, khổ sở vì thiếu tiền. Nokia, tập đoàn lừng danh thế giới vì thiếu tiền mà phải bán cả trụ sở chính ở Phần Lan. Ngay cả tập đoàn báo chí lừng danh Washington Post của Mỹ cũng tính chuyện bán trụ sở do thiếu tiền.

“Đại gia” thế giới còn vậy, huống gì DN nhỏ và vừa Việt Nam. Vì thế, gần đây, liên tiếp các vụ mua bán và sáp nhập (M&A) DN nổ ra, khiến nhiều chuyên gia lo ngại, rồi đây, DN Việt sẽ bị đối tác ngoại thâu tóm. Thiếu vốn, Công ty Đồ hộp Phú Nhật đã phải sang nhượng tài sản ở Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, Bình Chánh (TP.HCM) với giá 54 tỷ đồng để lấy vốn ổn định hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Trong bối cảnh như vậy, một tình huống giả định, nhưng lại không phải là hiếm gặp trong thực tế được đặt ra: một DN thủy sản đang xây dựng dở dang một nhà máy có công suất khá lớn thì phải dừng lại. Lý do là vì, một đối tác cam kết đầu tư đã không còn tiền để tiếp tục tham gia dự án. Trong khi đó, DN đang nợ đối tác xây dựng nhà máy khoản tiền 50 tỷ đồng và đã phải nhiều lần xin khất nợ. Biết DN gặp khó, một công ty đối thủ cùng ngành đến đề nghị mua lại nhà máy; còn đối tác xây dựng nhà máy lại đề nghị được chuyển khoản nợ 50 tỷ đồng thành vốn góp trong DN.

Đây là tình huống được đặt ra trong Chương trình CEO - Chìa khóa thành công phiên bản 2012, với chủ đề Quản trị tài chính - Chiến lược quản trị dòng tiền trong đầu tư, phát sóng trên VTV1 - Đài Truyền hình Việt Nam vào 10 h sáng Chủ nhật tuần này (7/7) và phát lại vào 8 h sáng thứ Hai (8/7). Người tham gia xử lý tình huống là ông Hồ Bảo Luân, Giám đốc Điều hành Công ty KIRECO Group.

Ông Luân cho rằng, với vai trò CEO, trước mắt, ông sẽ đàm phán và thuyết phục đối tác đầu tư trở lại, hoặc sẽ đồng ý để đối tác xây dựng chuyển nợ thành vốn góp.

Tuy nhiên, theo ông Dương Hải, Phó giám đốc Câu lạc bộ Giám đốc Tài chính Việt Nam (VCFO), chuyển nợ thành vốn góp là giải pháp tình thế và mang tính ngắn hạn. Điều quan trọng là, phải tìm hướng xử lý trung và dài hạn. “Bán nhà máy là phương án cuối cùng”, ông Hải bày tỏ quan điểm.

Liên quan đến vấn đề này, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển nhận định, điều quan trọng và cần thiết nhất là DN phải có một chiến lược quản trị dòng tiền chủ động, bài bản và được hoạch định một cách chắc chắn. “Để quản trị tốt dòng tiền, việc sử dụng vốn của DN phải đảm bảo tính phát triển bền vững, an toàn về cấu trúc tài chính, không tìm lợi nhuận cao trong ngắn hạn, nhưng làm giảm nguồn lực của DN”, ông Hiển nói.

Rõ ràng, việc quản trị dòng tiền một cách chủ động, bài bản và có hoạch định không chỉ giúp dòng tiền của DN được luân chuyển một cách trơn tru, cân đối và hiệu quả, mà còn đáp ứng được sự phát triển của DN trong mọi hoàn cảnh.n

Chuyên mục được thực hiện với sự hợp tác của Chương trình CEO - Chìa khóa thành công do Đài Truyền hình Việt Nam và Tổ hợp Truyền thông Hoàng Gia phối hợp sản xuất, với sự tài trợ của Công ty cổ phần Traphaco thông qua nhãn hàng Thuốc bổ não Cebraton.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư