Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 23 tháng 04 năm 2024,
Bí quyết khởi nghiệp thành công của quốc gia dân số chưa bằng TPHCM
Nhung Bùi - 25/10/2022 08:35
 
Nằm ở vùng khí hậu sa mạc, tài nguyên lại hạn chế nhưng Israel đã vươn lên trở thành quốc gia sở hữu số công ty khởi nghiệp nhiều nhất thế giới.
TIN LIÊN QUAN

“Khó khăn là cơ hội để Israel vươn lên, tận dụng nguồn lực tối thiểu để phát huy ở mức tối đa”, bà Maayan Ben Tura, Phó đại sứ Israel tại Việt Nam chia sẻ tại Diễn đàn Khởi nghiệp Sáng tạo Việt Nam 2022, do Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia tổ chức.

Vị phó đại sứ cho biết Israel là quốc gia nhỏ bé ở Trung Đông, có diện tịch chỉ lớn hơn Nghệ An một chút và tổng số dân còn ít hơn TPHCM. Chưa kể, thiên nhiên cũng không đứng về phía quốc gia này khi Israel nằm ở vùng khí hậu sa mạc, lượng mưa quanh năm không nhiều và nguồn nước sinh hoạt đều phải lấy trực tiếp từ Biển Chết.

Tuy nhiên Israel đã biến khó khăn thành động lực, phát triển nền kinh tế dựa vào công nghệ cao. Ví dụ trong mảng nông nghiệp, để khắc phục vấn đề thiếu nước ngọt, Israel đẩy mạnh hệ thống tưới nhỏ giọt và tưới phun sương. 90% lượng nước thải sinh hoạt sau đó đều được tái chế lại và đưa vào tưới tiêu cho cây trồng.

Tinh thần vượt khó vươn lên như trên biến Israel trở thành cái nôi khởi nghiệp với nhiều con số ấn tượng. Theo bà Maayan Ben Tura, trong vòng 10 năm từ 2009 đến 2018, Israel có tới hơn 10.000 startup được thành lập; hơn 42,8 tỷ USD vốn đầu tư được rót vào các công ty công nghệ cao. Xuyên suốt quốc gia nhỏ bé này là hàng loạt các cơ sở được tạo ra để hỗ trợ startup, với khoảng 300 quỹ đầu tư mạo hiểm, 351 trung tâm R&D, 296 quỹ tăng tốc khởi nghiệp, cùng hàng loạt vườn ươm.

Đặc biệt, vị phó đại sứ Israel tại Việt Nam nhấn mạnh, có hai nguyên tắc để biến Israel thành “quốc gia khởi nghiệp” của thế giới, bất chấp những hạn chế về tài nguyên.

Thứ nhất là nguyên tắc không sợ sai.

Cụ thể, bà Maayan Ben Tura khẳng định với Israel, thất bại là bài học vô giá nếu các công ty biết ghi chép lại và học hỏi từ những thất bại đó.

Người Israel quan niệm trong quá trình khởi nghiệp sáng tạo và ngay cả trong cuộc sống, thất bại là giai đoạn quá độ để tiến tới một giai đoạn thành công hơn, chứ không phải vì thất bại mà suy sụp, bế tắc. Đó là nét văn hóa độc đáo của người Israel, có nét tương đồng với văn hóa Việt Nam khi coi “thất bại là mẹ thành công”.

Ngoài ra, Israel có chính sách hỗ trợ kinh phí để các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.  Cơ quan Đổi mới Sáng tạo Israel sẽ cung cấp tiền cho các doanh nghiệp trong trường hợp doanh nghiệp có ý tưởng hay nhưng gặp khó khăn về tài chính

Có những trường hợp doanh nghiệp được nhà nước cho vay với điều kiện: Nếu sản phẩm được sản xuất thành công thì doanh nghiệp phải trả lại cho Nhà nước Israel 3-5% giá trị sản phẩm. Ngược lại, nếu sản phẩm làm ra gặp thất bại do yếu tố khách quan, hợp lý thì khoản nợ này được xóa. Như vậy, dù doanh nghiệp khởi nghiệp thất bại nhưng vẫn có cơ hội khởi nghiệp trở lại.

Thứ hai, luôn luôn đề cao tính kết nối.

Theo bà Maayan Ben Tura, tính kết nối không chỉ giữa các doanh nghiệp với nhau mà còn giữa chính phủ với doanh nghiệp. Với các doanh nghiệp, tuy bên ngoài có thể là đối thủ cạnh tranh với nhau, nhưng ở phía sau, họ cùng kết nối và học hỏi lẫn nhau.

Về phía chính phủ, từ cách đây hơn 40 năm, Chính phủ Israel đã bắt đầu có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp để khởi nghiệp sáng tạo. Theo tính toán của các cơ quan chức năng Israel, khi chính phủ đầu tư 1 USD cho khởi nghiệp sáng tạo thì mang lại lợi nhuận 5-8 USD, thậm chí là 17 USD cho đất nước. Chính phủ cũng không lấy cổ phần mà chỉ hỗ trợ để các startup đủ khả năng phát triển thị trường.

Tuy nhiên, có một nguyên tắc mà chính phủ Israel luôn yêu cầu các doanh nghiệp khởi nghiệp được nhà nước hỗ trợ vốn phải tuân thủ nghiêm ngặt, đó là bằng sáng chế phải được đăng ký tại Israel và phải được cấp bởi cơ quan chức năng của Israel. Mặt khác, doanh nghiệp khởi nghiệp không được chuyển giao các sáng chế đó cho  công ty nước ngoài nếu không được sự đồng ý của Chính phủ Israel.

 Vượt qua mọi khó khăn, ngày nay nền kinh tế Israel được đánh giá ở mức “rất phát triển”, GDP đầu người lên đến hơn 44.000 USD, cao hơn nhiều quốc gia châu Âu như Anh, Pháp. Trong Báo cáo hạnh phúc Thế giới 2022, Israel là quốc gia hạnh phúc thứ 9 thế giới khi đời sống kinh tế liên tục được cải thiện, tuổi thọ dân cư cao và xã hội cởi mở, năng động, bất chấp thực tế nguy cơ chiến tranh vẫn luôn rình rập.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư