Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Bị truy thu thuế giá trị gia tăng 10 năm, ngân hàng đồng loạt lên tiếng
Thùy Liên - 19/05/2020 07:09
 
Hiệp hội Ngân hàng nhận được phản ánh của hàng loạt ngân hàng hội viên về việc Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) đòi truy thu thuế gia trị gia tăng với dịch vụ thư tín dụng (L/C) từ năm 2011 đến nay.

Ngân hàng bất ngờ bị truy thu thuế gần 10 năm

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam vừa có văn bản số 117/HHNH-PLVN gửi Bộ Tài chính và NHNN liên quan đến thuế GTGT đối với dịch vụ thư tín dụng (L/C) của các tổ chức tín dụng. Trước đó, ngày 22/4/2020, Tổng cục Thuế - Bộ Tài chính ban hành Công văn số 1606/TCT-DNL về thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với dịch vụ thư tín dụng (L/C) của các  tổ chức tín dụng gửi Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Văn bản của Tổng cục Thuế cho rằng, kể từ ngày 1/1/2011, khi Luật các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12 có hiệu lực thi hành thì thư tín dụng (L/C) là hình thức cung ứng dịch vụ thanh toán. Do vậy sẽ không thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT, đồng thời yêu cầu  Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, hướng dẫn các  tổ chức tín dụng  rà soát, kê khai và nộp thuế GTGT đối với các khoản thu từ thư tín dụng phát sinh từ ngày 01/01/2011 đến nay.

Theo Hiệp hội ngân hàng, việc thu thuế GTGT với nghiệp vụ L/C là không hợp lý. Hiệp hội Ngân hàng cho rằng, theo các quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam về nghiệp vụ thư tín dụng chứng từ và thông lệ quốc tế (Bộ quy tắc về thực hành thống nhất về tín dụng chứng từ - UCP 600) thì thư tín dụng, trong đó ngân hàng đóng vai trò là ngân hàng phát hành/xác nhận L/C, về bản chất là cam kết/bảo lãnh thanh toán như đối với thư tín dụng nhập khẩu (bao gồm cả thư tín dụng dự phòng). Trong trường hợp này, ngân hàng cung cấp dịch vụ bảo lãnh thanh toán và được luật pháp coi là hình thức cấp tín dụng (Khoản 14 Điều 4 và Khoản 3 Điều 98 Luật các tổ chức tín dụng).

Mặt khác, NHNN cũng đã yêu cầu các  tổ chức tín dụng phải phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro cho các cam kết này theo quy định. Cho nên, các khoản phí liên quan trực tiếp đến việc phát hành, xác nhận, thông báo L/C để bảo lãnh thanh toán cho khách hàng là phí thu trên hoạt động cấp tín dụng và không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT theo quy định của Luật thuế GTGT, các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế.    

Ngoài ra, theo Hiệp hội Ngân hàng, lâu nay, căn cứ Luật thuế GTGT và các văn bản hướng dẫn thuế GTGT như Thông tư số 219/2013/TT-BTC, Công văn số 11754/BTC-CST ngày 06/9/2010 của Bộ Tài chính, Công văn số 4520/TCT-DNL ngày 4/10/2017 của Tổng cục Thuế…, các  tổ chức tín dụng đã và đang thực hiện đúng chính sách thuế GTGT trên cơ sở bóc tách rõ bản chất của các khâu trong dịch vụ là dịch vụ thanh toán hay hoạt động cấp tín dụng để xác định các loại phí liên quan đến thư tín dụng thuộc hay không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT.

“Những động thái của các Cơ quan thuế địa phương căn cứ Công văn số 1606/TCT-DNL của Tổng cục Thuế gây lo ngại cho các  tổ chức tín dụng trong việc diễn giải và áp dụng thực hiện pháp luật của các cơ quan quản lý”, Hiệp hội Ngân hàng lo lắng.

Không nên áp dụng hồi tố

Theo Hiệp hội ngân hàng,  việc áp dụng thu thuế GTGT không đúng bản chất của thư tín dụng, đặt vấn đề truy thu thuế, phạt kê khai sai và tiền chậm nộp thuế GTGT đối với các khoản thu liên quan đến thư tín dụng phát sinh từ đầu năm 2011 đến nay sẽ gây tác động xáo trộn lớn, ảnh hưởng xấu tới hoạt động của các NHTM, nhất là trong bối cảnh phải tập trung hỗ trợ chống dịch bệnh Covid-19 hiện nay. 

Ngoài ra, do thuế GTGT là thuế gián thu, nên trường hợp phải nộp bổ sung thuế GTGT dịch vụ thư tín dụng đã phát sinh thì ngân hàng phải thu lại từ khách hàng. Trong lúc nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh, theo Hiệp hội Ngân hàng việc đồng loạt truy thu tiền thuế GTGT là không khả thi, ảnh hưởng đến hoạt động ngân hàng và các doanh nghiệp liên quan. Ngoài ra, việc yêu cầu “hồi tố” sẽ làm phát sinh một loạt chi phí xã hội do phải điều chỉnh hóa đơn, số liệu về kê khai, nộp thuế, khấu trừ thuế…

Để đảm bảo việc thu thuế GTGT đối với nghiệp vụ thư tín dụng của các  tổ chức tín dụng thực hiện đúng quy định pháp luật, đúng bản chất nghiệp vụ, tránh mâu thuẫn, bất cập trong thực hiện quy định pháp luật về thuế GTGT và pháp luật chuyên ngành ngân hàng đối với nghiệp vụ thư tín dụng L/C, tạo điều kiện cho các  tổ chức tín dụng và các doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh, Hiệp hội Ngân hàng kiến nghị, Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Thuế hướng dẫn các Cục Thuế địa phương không áp dụng thuế GTGT đối với nghiệp vụ phát hành thư tín dụng và các khoản phí có liên quan đến quy trình cấp tín dụng thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT theo đúng tinh thần của Luật các  tổ chức tín dụng 2010, Luật thuế GTGT và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Đồng thời, không yêu cầu “hồi tố”, bắt các  tổ chức tín dụng rà soát, kê khai và nộp thuế GTGT đối với khoản thu từ nghiệp vụ thư tín dụng phát sinh từ năm 2011 đến nay.

Hiệp hội cũng kiến nghị NHNN Việt Nam phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan làm rõ các quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật để việc hiểu và áp dụng thuế GTGT đối với nghiệp vụ thư tín dụng đúng bản chất, thống nhất, không gây khó khăn trong hoạt động của các  tổ chức tín dụng.

Cước tin nhắn dịch vụ ngân hàng cao gấp 3 thông thường, Cục Viễn thông đề nghị nhà mạng giảm giá
Cục viễn thông vừa có công văn khẩn gửi tới các doanh nghiệp viễn thông di động, đề nghị các doanh nghiệp này xem xét giảm giá cước tin nhắn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư