Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
BIDV sốt ruột về Công ty tái cho vay thế chấp nhà ở Quốc gia
Hà Tâm - 06/06/2013 06:43
 
Sốt ruột vì các đề xuất đưa ra được triển khai quá chậm, BIDV tiếp tục đề nghị Chính phủ, đặc biệt là Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Bộ Xây dựng triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ thị trường bất động sản, trong đó có việc thành lập Công ty tái cho vay thế chấp nhà ở quốc gia.
BIDV tiếp tục kiến nghị Chính phủ nhiều giải pháp hỗ trợ thị trường
bất động sản
. (Ảnh : Chí Cường)

Kiến nghị hàng loạt
chính sách hỗ trợ thị trường bất động sản

Đứng trước thực trạng tình hình thị trường bất động sản, từ năm 2012, BIDV đã chủ động đề xuất Chính Phủ về 04 nhóm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, bao gồm các nhóm giải pháp chung về quản lý nhà nước, nhóm giải pháp kích cầu, nhóm giải pháp về thuế, nhóm giải pháp giải phóng hàng tồn kho.

Đến nay, cơ bản cả 4 nhóm giải pháp của BIDV đều được các Cơ quan, bộ, ngành đồng tình, ủng hộ, chỉ đạo thông qua các cơ chế chính sách pháp lý để triển khai.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nội dung chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa đầy đủ.

Cụ thể, đề xuất thành lập công ty tái cho vay thế chấp nhà ở Quốc gia của BIDV, dù Văn phòng Chính phủ đã có phiếu chuyển số 83/VP-CP ngày 25/01/2013 gửi NHNN có ý kiến. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có kết quả triển khai cụ thể.

BIDV cũng đề xuất có biện pháp mạnh yêu cầu các giao dịch bất động sản của các dự án phải được giao dịch qua sàn giao dịch bất động sản, song đến nay, Bộ Xây dựng mới đang xây dựng dự thảo Nghị định xử phạt hành chính.

Về đề xuất thu hồi các dự án không phù hợp, đáp ứng yêu cầu, Bộ Xây dựng đã triển khai, tuy nhiên đến nay, chế tài thực hiện vẫn chưa rõ ràng.

Việc triển khai cho vay nhà xã hội vẫn còn khó khăn, do chưa có hướng dẫn của NHNN và các Bộ ngành liên quan về trình tự thế chấp, đăng ký giao dịch bảo đảm và xử lý tài sản đảm bảo là nhà ở xã hội để thu nợ.

Riêng về giải pháp Chính phủ xem xét, chỉ đạo và cho phép UBND các địa phương mua một phần (30%) sản phẩm đầu ra của dự án nhà ở xã hội, cho phép chủ dự án nộp tiền đất bằng các căn hộ đã đầu tư, đến nay vẫn chưa có đề xuất triển khai thực hiện.

Đề nghị Chính phủ tiếp tục gỡ khó

Trước tình trạng tiếp tục khó khăn của thị trường bất động sản, BIDV tiếp tục đề xuất Chính phủ và các cơ quan nhà nước cần tiếp tục nghiên cứu các giải pháp tháo gỡ khó khăn thị trường bất động sản trong thời gian tới.

Cụ thể, tiếp tục thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội. Triển khai mạnh gói giải pháp nhà ở xã hội, trong đó tháo gỡ những khó khăn còn tồn tại hiện nay. Theo đó, Bộ xây dựng cần chỉ rõ những doanh nghiệp mà Bộ có phê duyệt dự án nhà ở xã hội sẽ được công bố và gửi đến NHNN để kịp thời giải ngân và cho vay tại thời điểm thông tư có hiệu lực ngày 01/06/2013.

Bộ xây dựng cũng cần sớm hoàn thiện và ban hành Quy định, quy hoạch, tiêu chuẩn về Phát triển nhà ở xã hội tạo cơ sở pháp lý cho việc đầu tư xây dựng, giao dịch và sử dụng nhà ở xã hội.

Các cơ quan chức năng (Chính phủ, NHNN, Bộ xây dựng) cần nghiên cứu xem xét việc dùng tài sản hình thành từ vốn vay là nhà ở xã hội. Do chưa có hướng dẫn của NHNN và các bộ ngành liên quan về trình tự thế chấp, đăng ký giao dịch bảo đảm và xử lý tài sản đảm bảo là nhà ở xã hội để thu hồi nợ nên trong thời gian tài sản chưa được phép mua bán, chuyển nhượng, các ngân hàng sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý tài sản thu hồi nợ.

Khách hàng vay là những người có thu nhập thấp và không ổn định, do đó việc xác định nguồn thu nhập để trả nợ vay là tương đối khó khăn và rủi ro phát sinh từ những khoản vay này tương đối lớn, nên NHNN cần có giải pháp cụ thể tránh để phát sinh nợ xấu đối với nhóm khách hàng này.

Đồng thời, Chính phủ tiếp tục xem xét, chỉ đạo và cho phép UBND các tỉnh/địa phương mua một phần (30%) sản phẩm đầu ra của dự án nhà ở xã hội, cho phép chủ dự án nộp tiền đất bằng các căn hộ đã đầu tư.

UBND tỉnh và Quỹ đầu tư phát triển các địa phương có phương án bảo lãnh vay vốn cho chủ đầu tư và người mua khi vay vốn ngân hàng.

Bộ Xây dựng nghiên cứu đơn giản hóa thủ tục chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội để tạo nguồn cung nhà ở xã hội cũng như điều kiện tái cấu trúc thị trường bất động sản.

Mở rộng nội dung, phạm vi tháo gỡ khó khăn thị trường bất động sản tới thị trường nhà ở thương mại

BIDV cũng cho rằng, Chính Phủ cần đẩy nhanh tiến độ xem xét phê duyệt đề án thành lập Công ty tài chính tái cho vay thế chấp nhà ở Quốc gia. Đây sẽ là định chế tài chính nhà ở chuyên biệt đầu tiên tại Việt Nam có khả năng tập trung nguồn vốn tài chính cho nhà ở thương mại và nhà ở xã hội góp phần thực hiện tốt chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đồng thời góp phần tháo gỡ khó khăn thị trường Bất động sản hiện nay.

Với giải pháp kích cầu, BIDV cho rằng, Chính phủ xem xét mở rộng đối tượng hỗ trợ mua nhà ở không phân biệt theo đối tượng chính sách và ngoài chính sách, mà thay thế bằng đối tượng thực sự có nhu cầu do chưa có nhà ở và đang có khó khăn về nhà ở.

Các cơ quan chức năng xem xét nghiên cứu mở rộng đối tượng và tạo thuận lợi hơn về điều kiện mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam cho tổ chức, cá nhân nước ngoài.

NHNN nên nghiên cứu theo hướng không áp dụng hệ số rủi ro 250% đối với cho vay nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp và đối với cả nhà ở thương mại khi tính tỷ lệ an toàn vốn để các tổ chức tín dụng có thể mạnh dạn đẩy mạnh cho vay gói hỗ trợ nhà ở xã hội...

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư