Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Biểu dương hơn 100 doanh nghiệp, tổ chức sử dụng lao động là người khuyết tật
Hải Hà - 30/11/2017 21:25
 
Chiều nay, 30/11, tại Hà Nội, Ủy ban Quốc gia về Người khuyết tật Việt Nam đã tổ chức hội nghị biểu dương cho hơn 100 doanh nghiệp, tổ chức ưu tiên sử dụng lao động là người khuyết tật.

Ông Nguyễn Văn Hồi, Chánh Văn phòng Quốc gia về Người khuyết tật Việt Nam, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) cho biết: “Hiện cả nước có hơn 15.000 lao động là người khuyết tật đang làm việc tại hơn 400 cơ sở sản xuất kinh doanh của người khuyết tật và khoảng trên 16.000 lao động khuyết tật khác đang làm việc trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, hộ gia đình”.

Theo thống kê, tính đến hết năm 2016 có khoảng 17.000 người khuyết tật được hỗ trợ đào tạo nghề và việc làm thông qua các chương trình hỗ trợ đào tạo nghề, vay vốn từ quỹ quốc gia về việc làm. Đến nay, nhiều địa phương đã thành lập và bố trí kinh phí từ quỹ việc làm cho người khuyết tật để hỗ trợ tạo việc làm.

Tuy nhiên, ông Hồi cũng thừa nhận một thực tế là mặc dù khu vực thành thị hỗ trợ người khuyết tật tốt hơn khu vực nông thôn. Tuy nhiên, tỷ lệ người khuyết tật được hỗ trợ học nghề và tạo việc làm ở thành thị cũng chỉ dừng ở mức 27% và tỷ lệ này ở khu vực nông thôn là 16,9%.

Trong khi đó, trong số 8 triệu người khuyết tật cả nước, chiếm 7,8% dân số, có tới 60% người khuyết tật đang trong độ tuổi lao động, 75% số này đang tham gia hoạt động kinh tế nhưng có tới trên 70% hoạt động kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp; tự làm hoặc lao động gia đình, chỉ có 15% là lao động làm công ăn lương.

Hiện, Việt Nam vẫn còn trên 1,2 triệu người khuyết tật trong độ tuổi lao động còn khả năng lao động cần hỗ trợ dạy nghề.

Mặc dù doanh nghiệp sử dụng lao động là người khuyết tật đã có ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, ưu đãi thuê đất nhưng vấn đề giải quyết việc làm cho người khuyết tật cũng gặp nhiều khó khăn.

Ông Đoàn Xuân Tiếp , Tổng giám đốc Tập đoàn Chân-Thiện-Mỹ cho biết: “Chúng tôi hiện đào tạo cho khoảng 1.000 người khuyết tật và tạo việc làm cho hơn 500 người khuyết tật. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là người khuyết tật có đặc thù riêng, trong đó, mỗi loại khuyết tật lại có đặc thù khác nhau. Do đó, doanh nghiệp chúng tôi phải bố trí khu vực riêng để họ làm việc và học tập thuận lợi”.

Theo ông Tiếp, để khuyến khích doanh nghiệp tạo cơ hội việc làm cho người khuyết tật, Nhà nước cần quy định chi tiết tỷ lệ % số lao động doanh nghiệp sử dụng tương ứng với mức hỗ trợ vì thực tế doanh nghiệp sử dụng 10 người khuyết tật cũng nhận ưu đãi như doanh nghiệp nhận hàng trăm người khuyết tật.

Ông Tiếp cũng đề xuất: “Những sản phẩm do người khuyết tật làm ra nên được miễn thuế VAT để tạo giá thành cạnh tranh bên cạnh quy định mức lương tối thiểu của người khuyết tật bằng 70% người thường tương ứng với mức đóng bảo hiểm cũng bằng 70% và độ tuổi nghỉ hưu của lao động nữ nên là 50 tuổi và lao động nam là 55 tuổi.

Lý do theo ông Tiếp là người khuyết tật không thể có năng suất lao động bằng người bình thường và tuổi thọ của họ cũng không thể bằng người bình thường.

 “Người khuyết tật các nước có quỹ phúc lợi rất lớn nhưng họ vẫn tạo việc làm cho người khuyết tật, nếu chúng ta có chương trình xúc tiến sản phẩm của người khuyết tật Việt Nam tới người tiêu dùng là người khuyết tật các nước thì tôi tin các sản phẩm của người khuyết tật Việt Nam có thể tìm được đầu ra cho sản phẩm”, ông Tiếp nói.

Tại hội nghị, một số doanh nghiệp tiêu biểu trong số các doanh nghiệp được biểu dương có thể kể tới như Công ty Chan Sin Việt Nam sử dụng 358 người khuyết tật; Tập đoàn Chân-Thiện-Mỹ sử dụng 500 người khuyết tật, Công ty CP 27/7 Hải Hậu sử dụng 170 người khuyết tật, Doanh nghiệp Sáu Toàn sử dụng 525 người khuyết tật….

Từ kẻ giang hồ thành võ sư Aikido cho người khuyết tật
Từ một thiếu niên bụi đời, hút chích trở thành huấn luyện viên dạy võ cho trẻ em, người khuyết tật, công nhân lao động… võ sư Lê Hoàng Mai...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư