Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 15 tháng 09 năm 2024,
Bộ GTVT nói gì về giải pháp công nghệ làm đường mới của đại gia Đường "bia"?
Anh Minh - 04/08/2024 17:03
 
Đề xuất của Công ty Hòa Bình là một giải pháp kỹ thuật đã được xây dựng thí điểm và thử nghiệm thực tế với quy mô nhỏ, đánh giá sơ bộ có nhiều ưu điểm như thi công nhanh, thân thiện với môi trường.
Tàu điện vàng chạy trên đường mẫu đường sắt đô thị trên cao chịu lực bằng cọc bê tông ly tâm V+. Ảnh: Hồng Khanh.
Tàu điện vàng chạy trên đường mẫu đường sắt đô thị trên cao chịu lực bằng cọc bê tông ly tâm V+. Ảnh: Hồng Khanh.

Đây là một trong những đánh giá bước đầu của Bộ GTVT đối với đề xuất một số giải pháp đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông của Công ty TNHH Hòa Bình do ông Nguyễn Hữu Đường, vốn được biết nhiều hơn với cái tên Đường “bia” làm Chủ tịch.

Trong văn bản gửi Công ty TNHH Hoà Bình, Bộ GTVT cho biết là đã nhận được một số văn bản về đề xuất một số giải pháp đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông của doanh nghiệp này.

Bộ GTVT đánh giá cao việc Công ty TNHH Hòa Bình đã chủ động nghiên cứu, đề xuất sử dụng giải pháp cầu cạn cho các dự án xây dựng công trình giao thông, thể hiện sự quan tâm và tâm huyết đóng góp cho sự phát triển của đất nước, đặc biệt là đối với ngành GTVT.

Theo Bộ GTVT, đề xuất của Công ty Hòa Bình là một giải pháp kỹ thuật đã được xây dựng thí điểm và thử nghiệm thực tế với quy mô nhỏ, đánh giá sơ bộ có nhiều ưu điểm như thi công nhanh, thân thiện với môi trường.

Bộ GTVT đã giao Viện Khoa học và Công nghệ GTVT chủ trì phối hợp với Công ty Hòa Bình để làm rõ các nội dung liên quan đến giải pháp do Công ty đề xuất và xây dựng thí điểm: về quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế áp dụng; phương án thiết kế; công nghệ thi công; hiệu quả kinh tế; phạm vi áp dụng; các điều kiện để có thể sử dụng giải pháp này...

Trên cơ sở báo cáo của Viện Khoa học và Công nghệ GTVT, ý kiến của các cơ quan liên quan, giải pháp cầu cạn sử dụng dầm bản rỗng bê tông dự ứng lực, cọc ống bê tông dự ứng lực đúc sẵn có thể xem xét áp dụng trong xây dựng công trình giao thông đường bộ.

“Tuy nhiên, việc áp dụng giải pháp trên quy mô lớn (đường cao tốc) cần phải có sự nghiên cứu một cách toàn diện về giải pháp cũng như cấu tạo chi tiết, đáp ứng theo các tiêu chuẩn hiện hành và bảo đảm hiệu quả kinh tế khi áp dụng”, văn bản của Bộ GTVT do ông Nguyễn Duy Lâm, Thứ trưởng Bộ GTVT ký nêu rõ.

Trước đó, vào cuối tháng 3/2024, tại Khu công nghiệp Tiên Sơn (Tiên Du, Bắc Ninh), Công ty TNHH Hòa Bình (Công ty Hoà Bình) đã tổ chức lễ công bố quyền tác giả cho sản phẩm đường sắt đô thị trên cao chịu lực bằng cọc bê-tông ly tâm V+, đường cao tốc chịu lực bằng cọc bê-tông ly tâm V+ và khánh thành đường mẫu đường sắt trên cao và đường cao tốc trên cao.

Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả của hai mẫu công trình trên do Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả công nhận vào tháng 12/2023 cho ông Nguyễn Hữu Đường, Chủ tịch Công ty Hoà Bình.

Nói về quá trình khảo sát, nghiên cứu, thiết kế hai mô hình mẫu vừa được Cục Bản quyền tác giả công nhận quyền tác giả, ông Đường "bia" cho biết từ tháng 8/2023 đến nay, Tập đoàn Hòa Bình đã lập trung tâm khảo sát thiết kế, thi công đường cao tốc trên cọc dự ứng lực, đường sắt đô thị trên cọc dự ứng lực và nhà ở thương mại giá rẻ. Đến đầu tháng 2/2024, tất cả các mô hình thử nghiệm đã hoàn thành.

Ông Đường mong muốn việc công bố các mô hình mẫu về cao tốc cầu cạn, đường sắt đô thị trên cao sẽ giúp giảm một phần chi phí đầu tư các tuyến cao tốc cầu cạn, đường sắt đô thị trên cao thời gian tới.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư