Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Bộ Lao động – Thương binh và xã hội thông tin về 4.386 trẻ mồ côi do đại dịch Covid-19
Nguyễn Lê - 18/05/2023 19:08
 
Báo cáo kết quả thực hiện việc rà soát, ban hành chính sách bảo trợ đối với trẻ em mồ côi do dịch Covid-19, bảo đảm trẻ em có nơi nương tựa, không bị bỏ rơi.
.
Đã có nhiều sự quan tâm dành cho trẻ em mồ côi do đại dịch Covid-19.

Tất cả trẻ em mồ côi do Covid-19, đều đang được sống cùng gia đình hoặc người thân họ hàng.

Thứ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội Nguyễn Bá Hoan khẳng định như trên tại báo cáo việc thực hiện Nghị quyết số 41/2021/QH15 về hoạt động chất vấn đối với lĩnh vực lao động - thương binh và Xã hội, vừa được gửi đến các vị đại biểu Quốc hội.

Tại Kỳ họp thứ hai, sau khi chất vấn trực tiếp Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Quốc hội đã yêu cầu rà soát, ban hành chính sách bảo trợ đối với trẻ em mồ côi do dịch Covid-19, bảo đảm trẻ em có nơi nương tựa, không bị bỏ rơi.

Thống kê đến tháng 12/2022, Thứ trưởng cho biết cả nước có khoảng 25 triệu trẻ em trong đó có 141.256 trẻ em mồ côi (21.883 trẻ em mồ côi cả cha và mẹ). Trong số 21.883 trẻ em mồ côi cả cha và mẹ, hiện có 18.072 trẻ em đang được sống trong môi trường gia đình và 3.811 trẻ em đang sống tại các cơ sở nuôi dưỡng trẻ em.

Đặc biệt, trong thời gian qua do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều trẻ em mồ côi do cha hoặc, mẹ, hoặc cả cha và mẹ đều bị tử vong do Covid-19, hiện có 4.386 trẻ em mồ côi do Covid-19, trong đó có 144 em mồ côi cả cha và mẹ, 4.242 em mồ côi cha hoặc mẹ, hiện nay các em đều đang được sống cùng gia đình hoặc người thân họ hàng, Thứ trưởng nhấn mạnh. 

Theo Thứ trưởng, việc rà soát, ban hành chính sách bảo trợ đối với trẻ em mồ côi do dịch Covid-19 đã được triển khai kịp thời, hiệu quả.

Năm 2022, có 468.035 trẻ em phải điều trị do nhiễm Covid-19 hoặc cách ly y tế (F0, F1) đã được hỗ trợ với số tiền là 468,035 tỷ đồng (theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ).

Kết quả khác được nêu tại báo cáo là đã hỗ trợ khẩn cấp, kịp thời trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và trẻ em mồ côi do Covid-19 từ nguồn vận động xã hội của Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam (BTTEVN): Trẻ em là con của sản phụ bị nhiễm Covid-19 (mức hỗ trợ 1 triệu đồng/em); trẻ em có hoàn cảnh khó khăn mồ côi cha hoặc mẹ (mức hỗ trợ 5 triệu đồng/em); trẻ em mồ côi cả cha và mẹ chết do Covid-19 (hỗ trợ sổ tiết kiệm với định mức 20.000.000 đồng/sổ/trẻ em).

Ngoài ra, Quỹ BTTEVN cũng đã kêu gọi các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp hỗ trợ trẻ em bị ảnh hưởng bởi Covid-19 bao gồm hỗ trợ tiền mặt và hiện vật.

Cạnh đó là hỗ trợ trẻ em mồ côi cả cha và mẹ, trẻ em bị bỏ rơi chưa có người nhận con nuôi, trẻ em mồ côi cha hoặc mẹ người còn lại không thực hiện được chăm sóc nuôi dưỡng trẻ thuộc các trường hợp quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP theo quy định.

“Việc trẻ em được chăm sóc thay thế tại cơ sở trợ giúp xã hội chỉ là biện pháp sau cùng. Hiện nay, trẻ em mồ côi do Covid-19 đều được chăm sóc, nuôi dưỡng bởi gia đình họ hàng, thân thích, được chăm sóc đỡ đầu bởi các cá nhân, tổ chức”, báo cáo nêu rõ.

Lãnh đạo Bộ cũng cho hay, thời gian tới sẽ nghiên cứu, xây dựng chương trình khắc phục hạn chế, ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đối với trẻ em như: chăm sóc sức khỏe tâm thần, tâm lý xã hội, chăm sóc trẻ em mồ côi nhằm bảo đảm sự phát triển toàn diện của trẻ em.

Tình hinh thực hiện nhiệm vụ tăng cường các biện pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, đặc biệt quan tâm phòng, chống xâm hại trẻ em cũng được lãnh đạo Bộ báo cáo Quốc hội.

Dẫn số liệu báo cáo của Bộ Công an, Thứ trưởng thông tin Quý I/2023 phát hiện 577 vụ, 752 đối tượng, xâm hại 608 trẻ em, trong đó số vụ xâm hại tình dục trẻ em là 427 vụ (chiếm 74%), 446 đối tượng, 427 trẻ em.

Xâm hại và xâm hại tình dục trẻ em có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm 2022. Đáng chú ý xảy ra một số vụ việc xâm hại trẻ em gây hậu quả nghiêm trọng trong các cơ sở trông giữ trẻ ngoài công lập, chưa được cấp phép hoạt động, lãnh đạo Bộ nhìn nhận.

Thời gian tới, Bộ sẽ tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các chính sách, pháp luật về quyền trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em, bảo đảm thực hiện quyền trẻ em trong dịch bệnh Covid-19, chỉ đạo thanh tra, kiểm tra trên phạm vi toàn quốc các cơ sở trợ giúp xã hội công lập và ngoài công lập. Xác định rõ trách nhiệm của các ngành, các cấp, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra bạo lực, xâm hại trẻ em; xử lý nghiêm hành vi vi phạm quyền trẻ em, theo báo cáo. 

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư