Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 10 tháng 05 năm 2024,
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Nợ XDCB hoàn toàn được kiểm soát
Mạnh Bôn - 11/06/2014 07:25
 
Trả lời các câu hỏi chất vấn của nhiều đại biểu Quốc hội liên quan đến tiêu chí “đo” hiệu quả đầu tư và nợ đọng xây dựng cơ bản (XDCB) vào chiều muộn ngày 10/6, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đã đi trực diện vào vấn đề không chỉ khiến hầu hết đại biểu Quốc hội hài lòng mà Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng cũng thẳng thắn nhận xét: “Tôi thấy đồng chí nói như thế là rất rõ ràng”.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Thanh tra diện rộng dự án đầu tư xây dựng cơ bản
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh gửi thông điệp tới nhà đầu tư nước ngoài
Cắt 9 dự án sử dụng vốn trái phiếu chính phủ
Nợ xây dựng cơ bản đã giảm 42.000 tỷ đồng
Hạn chế ứng vốn xây dựng cơ bản cho doanh nghiệp

Về tiêu chí đánh giá hiệu quả XDCB, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định, trên thế giới không nước nào đưa ra tiêu chí đánh giá chung về hiệu quả đầu tư XDCB cho quốc gia hay cho khu vực mà hầu hết đều đánh giá tiêu chí hiệu quả theo dự án đầu tư.  

  Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh  
  Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh  

“Khi xây dựng Luật Đầu tư công cũng đã có rất nhiều ý kiến đặt vấn đề đánh giá hiệu quả XDCB thế nào. Về nội dung này, chúng tôi đã giao cho nhiều viện nghiên cứu và các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, và tiêu chí đánh giá XDCB được khẳng định là đánh giá dự án đầu tư tác động thế nào đến phát triển kinh tế - xã hội của vùng, khu vực hoặc cả cho quốc gia”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh lấy ví dụ, xây dựng Quốc lộ 1 hoặc Quốc lộ 14 chắc chắn đem lại lợi ích. Còn lợi ích cụ thể thế nào thì khó có thể cân đo, đong đếm hết được, vì 2 dự án này tác động rất nhiều chiều, tác động lâu dài, tác động lan tỏa đến sự phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương mà dự án đi qua.

Tương tự như vậy, khi đầu tư xây dựng dự án thủy lợi với suất đầu tư 70 triệu đồng/ha chẳng hạn. Khi dự án hoàn thành, cơ quan chức năng tiến hành rà soát xem suất đầu tư có tăng hay không, nếu tăng thì có phù hợp không, chất lượng công trình có bảo đảm không, thời gian thi công có bảo đảm không, chất lượng tưới tiêu có bảo đảm không, mục tiêu của dự án có đạt được không... nếu đạt các chỉ tiêu này thì dự án được coi là có hiệu quả về mặt kinh tế. Còn hiệu quả về mặt xã hội rất khó đánh giá vì công trình thủy lợi sẽ giúp người nông dân tăng được năng suất cây trồng, cải thiện được đời sống trong rất nhiều năm.

Còn hiệu quả về mặt chính trị, dự án đầu tư XDCB bằng nguồn vốn ngân sách hay nguồn vốn có nguồn gốc ngân sách, theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, rất khó tính toán hết được.

Đơn cử như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) kéo điện cho các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc chắc chắn là không hiệu quả về mặt kinh tế, chưa làm đã biết là lỗ, thậm chí là lỗ rất nhiều trong cả quá trình đưa điện tới vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo vì giá bán điện không được cao hơn bán cho khu vực khác. Nhưng hiệu quả về mặt chính trị thì rất lớn, hiệu quả về mặt an ninh, quốc phòng vô cùng lớn vì Nhà nước đưa điện đến vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo góp phần rất lớn đến công tác thông tin truyên truyền, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần, giải phóng sức lao động cho người nghèo ở vùng biên cương của Tổ quốc.

Tiếp tục trả lời chất vấn của Đại biểu Trương Văn Vở liên quan đến phân bổ vốn đầu tư phát triển, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, phân bổ vốn cho đầu tư phát triển so với tổng chi ngân sách đang giảm rất mạnh từ mức 32% tổng chi ngân sách trong giai đoạn 2005-2010, trong đó, năm 2010, vốn đầu tư phát triển chỉ còn tương đương 21,6% tổng chi ngân sách.

Trong 3 năm tiếp theo, tỷ lệ này tiếp tục giảm xuống tương đương với 20,9%; 19,9% và năm 2013 chỉ đạt 17,9%.

“Năm 2014, theo dự toán, chi cho đầu tư phát triển chỉ bằng 16,2% tổng chi ngân sách. Trên thế giới, chưa có quốc gia nào đang phát triển lại bố trí vốn đầu tư phát triển thấp như chúng ta. Và đây chính là lý do vì sao nợ đọng XDCB lớn, dự án đầu tư dở dang từ năm nọ qua năm kia, từ nhiệm kỳ này đến nhiệm kỳ khác”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh giải thích.

Để khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, hiệu quả thấp, dự án đầu tư dở dang kéo dài, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh một lần nữa khẳng định, Chỉ thị 1792/CT-TTg đã ngăn chặn kịp thời tình trạng này, chấm dứt tình trạng vốn triển khai các công trình đang dở dang còn thiếu lại khởi công công trình mới khiến nợ đọng XDCB trở thành căn bệnh kinh niên.  

“Chỉ thị 1792/CT-TTg là quyết tâm rất mạnh của Chính phủ và đã được rất nhiều đại biểu Quốc hội ủng hộ vì chấn chỉnh được các hạn chế cố hữu trong đầu tư XDCB trước đây”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh.

Liên quan đến triển khai Chỉ thị 1792/CT-TTg, Đại biểu Trần Văn Minh cho rằng, quản lý đầu tư XDCB vẫn còn nhiều tồn tại.

Theo ông Minh, hiện vẫn còn tình trạng điều chỉnh quy mô và tổng mức đầu tư; phê duyệt dự án đầu tư khi chưa đảm bảo cân đối vốn; số công trình, dự án chậm tiến độ có xu hướng tăng; nợ đọng khối lượng XDCB đã hoàn thành vẫn còn lớn. “Liệu có thể sớm khắc phục căn bệnh kinh niên trong quản lý đầu tư XDCB để nâng cao hiệu quả đầu tư công được không? Có giảm nhanh được nợ đọng XDCB được không?”, ông Minh chất vấn.   

“Đại biểu Trần Văn Minh phản ánh tình trạng quản lý đầu tư XDCB hoàn toàn đúng - Bộ trưởng Bùi Quang Vinh thừa nhận - Tuy nhiên, tôi có thể nói rằng, những gì mà Đại biểu nêu ra chỉ là phần còn lại mà chúng ta chưa giải quyết triệt để. Còn từ khi Chỉ thị 1792/CT-TTg ra đời (năm 2011), từ năm 2012 trở lại đây, công tác quản lý đầu tư XDCB đã đi vào nề nếp bởi tất cả nguồn vốn đều được phân bổ theo trung hạn kể cả vốn trái phiếu chính phủ lẫn vốn đầu tư trực tiếp từ ngân sác nhà nước và công khai danh mục trước Quốc hội”.    

Chứng minh nợ đọng XDCB đã giảm mạnh, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, tính đến ngày 30/6/2013, tổng nợ XDCB của ngân sách nhà nước là 32.873 tỷ đồng tại 14.674 dự án. Nhưng trong năm 2014, các địa phương đã bố trí trên 5.228 tỷ đồng để trả nợ nên tổng nợ XDCB của ngân sách nhà nước chỉ còn 27.600 tỷ.

“Số nợ đọng hiện nay rất thấp vì trong XDCB luôn có nợ luân chuyển thường xuyên. Và điều quan trọng là chúng ta hoàn toàn kiểm soát được nợ XDCB”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định.

“Bây giờ ta bố trí vốn XDCB theo trung hạn, rồi tiến tới bố trí dài hạn thì nợ nần sẽ ít đi”, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng “kết luận” phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư