Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Xuất khẩu nông sản sẽ vượt xa 40 tỷ USD nếu các mô hình PPP triển khai hiệu quả
Như Loan - 12/09/2018 09:41
 
Phát biểu thảo luận về việc thực hiện Tầm nhìn mới trong nông nghiệp đến năm 2050 tại Diễn đàn Tăng trưởng châu Á (GAF) ngày 11/9, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT khẳng định, xuất khẩu nông sản Việt Nam hoàn toàn có thể vượt 40 tỷ USD. Một trong những giải pháp là đẩy mạnh các dự án đối tác công tư (PPP).
B
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT tiếp lãnh đạo các tập đoàn đa quốc gia tham gia mô hình PPP nông nghiệp tại Việt Nam

Bộ trưởng cho biết, để cụ thể hóa tầm nhìn mới trong nông nghiệp, từ năm 2010 Việt Nam đã thúc đẩy quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa nhà nước và khối tư nhân thông qua các Nhóm công tác Đối tác công tư (PPP) ngành hàng trong Đối tác phát triển nông nghiệp bền vững Việt Nam (PSAV).

Đến nay, PSAV đang triển khai thành công 7 Nhóm công tác PPP ngành hàng: cà phê; chè; rau quả; thủy sản; hồ tiêu và gia vị; lúa gạo và hóa chất nông nghiệp. “WEF đã giúp Việt Nam giới thiệu, tiến cử các tập đoàn lớn, các doanh nghiệp phối kết hợp giữa Chính phủ với người dân và doanh nhân.

“Qua thực hiện qua gần 10 năm với 7 nhóm PPP, chúng tôi đánh giá kết quả bước đầu rất tốt. Thứ nhất, khai thác được tiềm lực về mặt tư bản. Thứ hai, tổ chức quản trị một cách chặt chẽ. Thứ ba, nâng cao được thu nhập cho người dân, đặc biệt tạo ra chuỗi nông sản theo ý đồ chúng ta mong muốn là sạch, hiệu quả, phân phối lợi ích đều giữa người nông dân, doanh nghiệp và tổ chức thương mại toàn cầu”, Bộ trưởng khẳng định.

Cụ thể, hiện nay hai mô hình PPP do Néstle và Unilever phối hợp thực hiện trong ngành hàng chè và cà phê đang rất có hiệu quả.

Đối với chuỗi ngành hàng cà phê do Néstle làm hạt nhân hỗ trợ, qua 7 năm làm đã hình thành được những vùng sản xuất nguyên liệu và người nông dân đã học được kỹ thuật canh tác làm sao để năng suất cao, làm sao cho môi trường tốt, làm sao cho hiệu quả cuối cùng cao nhất.

Trong khuôn khổ Diễn đàn Tăng trưởng châu Á, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường có 2 cuộc tiếp xúc và làm việc song phương với đại diện Croplife Việt Nam - thành viên của PSAV (đồng chủ trì Nhóm công tác PPP về Hóa chất nông nghiệp) và Tập đoàn Archer Daniels Midland Corporation (ADM) của Mỹ (chuyên về sản xuất thực phẩm, chế biến sản xuất hạt chứa dầu, sản xuất và chế biến sản phẩm từ ngô, sản xuất thức ăn gia súc và cung cấp dịch vụ nông nghiệp công nghệ cao) để bày tỏ mong muốn hợp tác đầu tư – thương mại trong lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Đại diện cả hai tập đoàn đều bày tỏ mong muốn Chính phủ thúc đẩy đổi mới ngành nông nghiệp, bảo đảm an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp bền vững.

“Nhà đầu tư hạt nhân Nestle cùng các doanh nghiệp Việt Nam đang làm tốt chức năng hướng dẫn kỹ thuật, hướng dẫn quản trị, thu mua nông sản, tổ chức chế biến và phân phối chuỗi giá trị. Chính vì vậy, chúng tôi đánh giá đây là một trong những mô hình rất tốt và hướng tới sẽ mở”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Với cây chè, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá Unilever cũng là một trong những thành tố hạt nhân phối kết hợp rất tốt cùng các doanh nghiệp Việt Nam. Như ở Tuyên Quang, mô hình hợp tác PPP đã khẳng định hiệu quả kinh tế rõ nét, môi trường được cải thiện giảm đáng kể đến việc dùng hóa chất nhưng lại tăng được năng suất, hiệu quả.

“Hiện nay, riêng mô hình đó, nông dân xin vào hợp tác rất đông”, Bộ trưởng thông tin thêm.

Theo lãnh đạo Bộ NN&PTNT, hiện dân số thế giới đã lên đến 7,5 tỷ người, trong khi đó nhu cầu cho tiêu dùng thực phẩm của bình quân thế giới là 15%. Đây là một trong những cơ hội để nông nghiệp có thể phát triển. PPP sẽ giúp các quốc gia thực hiện các mục tiêu về phát triển nông nghiệp. Tuy vậy, Việt Nam cũng đang đánh giá lại 7 nhóm ngành hàng PPP để nhân rộng những mô hình tốt. Thực tế, hiện nay, trong 7 nhóm PPP, không phải mô hình nào cũng có kết quả tốt.

Phát biểu trước các đại biểu quốc tế, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT khẳng định, năm nay Việt Nam có thể xuất khẩu được 40 tỷ USD về nông sản. Nếu làm tốt từ vùng nguyên liệu đến chế biến, tổ chức thị trường và sâu chuỗi lại từ người nông dân với doanh nghiệp, với tập đoàn thì giá trị còn tăng nhiều.

“Rõ ràng, muốn thực hiện được điều đó thì không có con đường nào khác là hợp tác công – tư. Đây sẽ là một trong những chìa khóa, giải pháp căn cơ nhất thực hiện tầm nhìn của WEF về nông nghiệp”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư