Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Bức tranh bán lẻ hậu Covid-19
N.L - 15/01/2021 15:03
 
Trong bối cảnh đại dịch khiến thu nhập và sức cầu giảm, nhiều nhà bán lẻ chứng tỏ khả năng vượt “bão”, thậm chí bứt phá với những bước chuyển mình mạnh mẽ.

Xuất hiện đầu 2020, đại dịch Covid-19 đẩy kinh tế toàn cầu vào một cuộc suy thoái tồi tệ nhất lịch sử.  Đứng trước bất ổn, người tiêu dùng có tâm lý cắt giảm chi tiêu. Tuy nhiên, nhu cầu cho các sản phẩm thiết yếu như FMCG, dược phẩm, Mẹ Bé… không bị ảnh hưởng nhiều. Thậm chí, đó còn là động lực để ngành hàng bán lẻ thiết yếu cải tiến và chuyển đổi mô hình mạnh mẽ trong năm vừa qua.

Tác động của đại dịch

Không khó để nhận ra cú sốc “đúp” đối với ngành thời trang nội địa. Sự tham gia của các thương hiệu hàng đầu thế giới như Uniqlo, Zara, H&M… đã khiến cho cuộc chơi thêm khốc liệt. Khi “bão” ập đến, thời trang là ngành đầu tiên phải ngừng hoạt động. Dọc các tuyến phố, phần lớn mặt bằng treo biển sang nhượng là của các thương hiệu thời trang.

Bức tranh bán lẻ quý I.2020
Bức tranh bán lẻ quý I.2020

Cùng chịu ảnh hưởng của “bão” là ngành bán lẻ điện máy (ICT). Trên một sân chơi chật hẹp, sự hiện diện của hàng ngàn điểm bán khiến thị trường chạm ngưỡng bão hòa. Tâm lý “thắt lưng buộc bụng” của khách hàng đẩy các chuỗi này đến tới hạn của khả năng phát triển thêm. Khi cánh cửa tăng trưởng dần khép lại, doanh thu đi xuống, gánh nặng chi phí vận hành là áp lực đè lên vai các chuỗi bán lẻ vật lý khổng lồ, thôi thúc các ông lớn tìm hướng đi mới. 

Chuỗi bán lẻ có số lượng cửa hàng nhiều nhất, chi phí vận hành “khủng” nhất, gần ngưỡng bão hòa nhất sẽ chịu áp lực chuyển hướng mang tính sống còn nhất. Bách Hóa Xanh dường như là tương lai mới của Thế giới di động khi thị trường ICT bão hòa.

Cuộc đua  giành “miếng bánh” bán lẻ trong lĩnh vực tiêu dùng có sự tham gia của các chuỗi bán lẻ ngoại Aeon, Big C và các nhà bán lẻ nội địa Coop Mart, Vinmart, Vinmart+. Với sự đầu tư bài bản về nguồn cung, năng lực vận hành, bề dày uy tín… sẽ là thách thức lớn đối với những nhà bán lẻ mới gia nhập cuộc đua như Bách Hóa Xanh.

Những bước đi ngược dòng

Trong một kỷ nguyên mà công nghệ tác động sâu đến sự biến đổi của các mô hình kinh tế và thúc đẩy sự chuyển dịch toàn xã hội, việc mở cửa hàng vật lý chỉ là một trong các yếu tố quyết định thành công của một chuỗi bán lẻ. Để chiếm lĩnh thị trường, ngoài việc mở cửa hàng, các nhà bán lẻ cần phải giải nhiều bài toán chiến lược hơn.

Ba năm vừa qua, đi  ngược với cách thông thường là mở cửa hàng để tạo độ phủ rộng khắp và chiếm lĩnh thị trường thì có 02 thương hiệu chọn cách đi ngược dòng với số đông.

Trong lĩnh vực bán lẻ tiêu dùng: ngày 3/12/2019, VinGroup đột ngột thông báo chuyển giao chuỗi siêu thị VinMart, VinMart+ cho Masan, đến giữa tháng 12/2019 VinGroup công bố đóng cửa Adayroi và giải thể VinPro. Sự chuyển hướng đột ngột của VinGroup  khi đó khiến cho toàn thị trường ngỡ ngàng và phỏng đoán suốt thời gian dài.

Bên cạnh việc đóng và chuyển giao các chuỗi bán lẻ vật lý, tuyên bố về cam kết đầu tư cho công nghệ và sự ra đời của One Mount tại thời điểm đó vẫn là ẩn số.

Những mảnh ghép như Shop & Go, VinID, Siêu thị ảo… vẫn chưa trả lời được một cách rõ nét về mô hình và đường đi của VinGroup. Chỉ khi sự ra đời của VinShop với tham vọng đấu nối các chuỗi bán lẻ truyền thống vào hệ sinh thái mới khiến cho bức tranh trở nên rõ ràng hơn.

Bibo Mart đã tự động hóa toàn bộ
Bibo Mart đã tự động hóa toàn bộ

Trong lĩnh vực bán lẻ Mẹ Bé: là đơn vị tiên phong xây dựng  mô hình bán lẻ Mẹ Bé ở Việt Nam, đến cuối 2017, với doanh số 2000 tỷ đồng, Bibo Mart đã yên vị ở vị trí dẫn đầu thị trường, bỏ xa các đối thủ. Đầu 2018, Bibo Mart đột ngột dừng toàn bộ kế hoạch mở cửa hàng,  tập trung vào các dự án công nghệ và phát triển sản phẩm. Trên trang tin nội bộ của Bibo Mart đưa ra thông báo về sự tham gia của đội ngũ chuyên gia công nghệ từ Taobao, Silicon Valley và các chuyên gia bán lẻ hàng đầu thế giới.

Những bước đi của Bibo Mart trong 03 năm qua hoàn toàn là ẩn số với thị trường. Cho đến tháng 1/2021, tất cả các đối tác của Bibo Mart bất ngờ nhận được thông báo tự động hóa toàn bộ hoạt động cung ứng, thu mua, marketing, chăm sóc khách hàng… trên nền tảng công nghệ mới chưa hề có tiền lệ trong ngành bán lẻ. Bên cạnh đó, ghé thăm bất kỳ cửa hàng nào của Bibo Mart cũng dễ nhận thấy sự đầu tư bài bản cho việc sở hữu năng lực phát triển sản phẩm với chất lượng hàng hóa vượt trội. Nền tảng công nghệ và năng lực phát triển sản phẩm dường như là minh chứng cho sự chuyển dịch mô hình F2C rõ nét của Bibo Mart.

Tương lai mới của bán lẻ Việt Nam

Đi qua một năm biến động, bức tranh bán lẻ thể hiện đủ các mảng sáng tối, nhiều thăng trầm và sự chuyển mình mạnh mẽ. Bán lẻ trong kỷ nguyên mới chỉ là mảnh ghép trong một hệ sinh thái, ở đó công nghệ đóng vai trò then chốt trên nền tảng big data với sự dẫn dắt của trí tuệ nhân tạo.

Làm chủ công nghệ, làm chủ thông tin, sở hữu năng lực nghiên cứu, phát triển sản phẩm vượt trội và luôn đặt khách hàng vào trọng tâm của mọi quyết định là chìa khóa mở mọi thành công của bất kỳ nhà bán lẻ nào trong chặng đường sắp tới.

Doanh thu bán lẻ hàng hóa và tiêu dùng năm 2020 vượt 5.000 tỷ đồng
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2020 đạt 5.059 nghìn tỷ đồng, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư